Tiếng Việt | English

24/05/2025 - 15:00

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư

Với lợi thế về vị trí khi là "cầu nối" giữa Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh TP.HCM và có hạ tầng KT-XH từng bước được đầu tư đồng bộ, quỹ đất công nghiệp còn nhiều, tỉnh Long An trở thành điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

57_20832162_06-5-2025-gn-long-an-ghi-dau-an-manh-me-trong-hanh-trinh-pci-20-nam-1-1-.jpg

Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công trao giấy chứng nhận cho tỉnh Long An với vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố cải cách nhất trong hai thập kỷ qua (Ảnh: H.Phong-H.Anh)

Hoạt động xúc tiến đầu tư chuyển mình cả về quy mô lẫn chiều sâu

Thời gian qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Long An đã vượt qua “cơn gió ngược” của nền kinh tế toàn cầu và đạt nhiều kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư. Tỉnh khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, phát huy vai trò liên kết vùng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đổi mới tư duy và cách làm trong công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT), số hóa và công khai các tài liệu thông tin giới thiệu về tỉnh.

Đây được xem là những giải pháp đồng bộ mà tỉnh xác định là khâu đột phá chiến lược nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đưa Long An từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Điểm đến đầu tư thân thiện, an toàn và hiệu quả” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những năm qua, hoạt động XTĐT của tỉnh chuyển mình mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chiều sâu. Việc tổ chức các đoàn công tác nước ngoài do lãnh đạo tỉnh dẫn đầu thể hiện quyết tâm cao trong tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc,... và thị trường tiềm năng như Pháp, Bỉ, Đức,...

Hoạt động này còn nhằm giới thiệu về môi trường đầu tư, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng mới, thu hút đầu tư các dự án; chủ động tìm hiểu xu hướng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, kết nối đầu tư vào những ngành nghề theo định hướng quy hoạch.

Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh (theo phân cấp, phân quyền) thường xuyên gặp gỡ để lắng nghe, giải quyết kịp thời các vướng mắc của DN trong quá trình đầu tư, kinh doanh; định kỳ tổ chức các hội nghị đối thoại chuyên đề giữa chính quyền tỉnh và DN để cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kéo dài, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Đây cũng là một diễn đàn để các DN hiến kế, đề xuất các chính sách, giải pháp để phục hồi và phát triển KT-XH. Tỉnh quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện để góp phần nâng cao chất lượng, tính công khai, minh bạch trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ DN, nhà đầu tư với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Những chính sách trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư an tâm phát triển dự án, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, càng khẳng định môi trường đầu tư của Long An thông thoáng, an toàn, hiệu quả, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư đến đầu tư thành công dự án tại tỉnh.

57_37399117_img-20250522-091015.jpg

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chúc mừng đại diện các cơ quan ngoại giao nhân dịp đầu năm mới (Ảnh: K.Định)

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (Sở Tài chính) - Võ Thành Nhân, những kết quả của ngoại giao kinh tế, lĩnh vực thu hút đầu tư đã mang đến nhiều triển vọng tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn,...

Qua đó, Long An bày tỏ chiến lược phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững; thu hút đầu tư có chọn lọc với mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa phát triển KT-XH và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung nguồn lực xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng KT-XH  đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Với những cải tiến, sáng tạo và không ngừng chủ động thay đổi tư duy XTĐT nhằm thích ứng với xu hướng chuyển dịch của làn sóng đầu tư trên thế giới, tỉnh kỳ vọng tạo ra những bước đột phá quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

“Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tham mưu nhiều chương trình, kế hoạch tháo gỡ những vướng mắc tồn tại nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng để hút đầu tư, nhất là các tập đoàn quốc tế có sản phẩm thương hiệu mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi sản xuất cung ứng ổn định, bền vững. Qua đó, khẳng định môi trường đầu tư của Long An được cải thiện, hấp dẫn, tạo dựng niềm tin và đã xác định được vị trí trong tầm nhìn chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các thị trường trọng điểm” - ông Võ Thành Nhân cho biết.

"Quả ngọt" trong thu hút đầu tư

57_83598152_img-20250522-091025.jpg

Tọa đàm trao đổi hợp tác giữa tỉnh Long An và TP.Okayama (Nhật Bản) (Ảnh: K.Định)

Vừa qua, theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2024, Long An tiếp tục khẳng định vị thế về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khi lọt vào top 3 địa phương dẫn đầu với 72,64 điểm, tăng 1,7 điểm so với năm 2023.

Trải qua 20 năm, tỉnh ghi dấu ấn khi đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố cải cách nhất. Đây là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh trong cải thiện đồng bộ, bền vững môi trường đầu tư, kinh doanh, được cộng đồng DN, tổ chức kinh tế ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2024, Long An ghi nhận sự “bùng nổ” về thành lập DN trong nước với hơn 2.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng 31,8% so cùng kỳ với tổng vốn đăng ký hơn 23.200 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2025, thành lập mới 1.079 DN với tổng vốn 11.682 tỉ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20.575 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 406.000 tỉ đồng.

Hiện nay, Long An tiếp tục giữ vững vị trí tốp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần hơn 14,9 tỉ USD, với hơn 1.440 dự án FDI, chiếm hơn 71% số dự án và hơn 38% số vốn FDI của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ cấu FDI vào Long An tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, khu công nghiệp, logistics, thương mại - dịch vụ, đồng thời thu hút ngày càng nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ xanh với thiết bị hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Các chỉ số thu hút đầu tư trong tháng tăng so cùng kỳ như số DN thành lập, số vốn đăng ký mới, số dự án đầu tư FDI, số vốn đăng ký, từng bước khẳng định bản sắc của một địa phương dám nghĩ, dám làm và dám bứt phá.

Ngoài ra, việc tăng cường kết nối, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp Long An tiếp cận dòng vốn chất lượng cao mà còn góp phần lan tỏa uy tín, định vị hình ảnh một địa phương hội nhập, chuyên nghiệp. Đây chính là tiền đề để tỉnh duy trì đà tăng trưởng, tiến xa hơn trên bản đồ kinh tế cả nước.

Thời gian qua, Long An liên tục đón nhiều dự án có nguồn vốn lớn với các thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế đến đầu tư như Lotte, VinaCapital, Saigontel, Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn, Coca-Cola, PepsiCo, Aeon,... Đây là tín hiệu đáng mừng cho bức tranh kinh tế Long An, đồng thời minh chứng cho việc phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

Bên cạnh chào đón hàng loạt dự án mới, nguồn vốn đầu tư lớn, hình ảnh về Long An ngày càng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm bởi môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, hiệu quả và an toàn. Với nguồn nhân lực dồi dào, có độ tuổi trẻ, ham học hỏi cùng các chính sách hỗ trợ lao động giúp DN yên tâm triển khai sản xuất trong thời gian dài.

Bây giờ, Long An đã khởi sắc nhưng chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, đòi hỏi sáng tạo không ngừng. Với phương châm “Đổi mới - Minh bạch - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”, Long An kỳ vọng năm 2025 trở thành năm bứt phá, bước chân vững chắc vào kỷ nguyên phát triển “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” giai đoạn 2021-2030, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH cả nước./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết