Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu rõ chủ trương dạy học phân hóa trong chương trình mới. Tuy nhiên, các nhà giáo dục lo ngại với sĩ số từ 50 – 60 học sinh mỗi lớp học ở bậc phổ thông hiện nay, thực hiện dạy học phân hóa liệu có đảm bảo chất lượng như mong muốn?
Trước đó, Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới, do Bộ GD-ĐT ban hành hồi tháng 7/2015, tại Điều 17 về Lớp học, tổ học sinh, điểm trường nêu rõ: “Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh”. Với sĩ số này, thực sự là lý tưởng cho việc dạy và học, nhất là ở bậc tiểu học đang thực hiện theo Thông tư 30 – không dùng điểm số để đánh giá học sinh mà thay vào đó là đánh giá năng lực học tập bằng lời nói và ghi nhận xét. Và ở bậc THCS và THPT, theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, có sự phân hóa rõ rệt.
Đổi mới phương pháp dạy học như thế nào trước áp lực sĩ số lớp quá lớn?
Cô Lê Thị H., giáo viên một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, việc thực hiện theo mô hình phân hóa như dự thảo vừa đưa ra, sẽ mang đến nhiều lợi ích cho học sinh. Dạy phân hóa giúp định hướng cho các đối tượng học sinh khác nhau về hoàn cảnh, đặc điểm tâm - sinh lý, khả năng, nhu cầu và hứng thú, sở thích cá nhân; nhằm phát triển tối đa điều kiện và tiềm năng của mỗi học sinh.
Các giáo viên cũng sẽ rất hứng thú với cách dạy học này, vì sẽ không nặng về truyền thụ kiến thức hàn lâm mà hướng cho các em tự khám phá, tìm tòi, xây dựng cho các em niềm đam mê trong học tập; giúp các em hình thành nhân cách, thẩm mỹ, trách nhiệm công dân; trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng sống để các em bước vào đời.
Cô H. cũng cho rằng, với dạy học phân hóa, các thầy cô sẽ phải sâu sát với học sinh hơn, biết lắng nghe các em, hiểu được tâm tư tình cảm của các em; đánh giá đúng năng lực, sở trường của các em để có định hướng, tư vấn để học sinh phát triển tối đa tiềm năng, sở trường của mình.
Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ khi sĩ số học sinh trong mỗi lớp học chưa về con số chuẩn. Nhiều giáo viên tiểu học chia sẻ, với các em lớp 1, 2, ngồi 3 em một bàn đã là chật chội và khó khăn cho việc học tập, chép bài. Đặc biệt với lớp 5, cũng số lượng học sinh và kích cỡ bàn ghế, lớp học như vậy, thực sự là trở ngại lớn cho cả cô và trò – đó là chưa nói đến nhiều em lớp 5 đã có cơ thể phát triển gần bằng người lớn. Còn học theo mô hình nhóm, “bàn tròn”, hay thảo luận tổ thì càng khó khăn.
Theo Bộ GD-ĐT, dạy học “phân hóa trong” sẽ chú ý tới các đối tượng riêng biệt, cá nhân hóa người học trên lớp, phù hợp với từng đối tượng để tăng hiệu quả dạy học. Bên cạnh đó “phân hóa ngoài” sẽ dạy theo các chương trình khác nhau cho các nhóm người học khác nhau, nhằm đáp ứng được nhu cầu, sở thích và năng lực của từng nhóm người học.
Có thể thực hiện dạy học phân hóa theo hướng tổ chức các nhóm học tập cùng trình độ (khá – giỏi – trung bình - yếu), hoặc các câu lạc bộ học tập theo năng khiếu môn học…
Song theo đánh giá, sĩ số một lớp học ở một số trường thuộc khu vực thành phố có đến 50 - 60 học sinh, điều này làm giáo viên khó khăn khi phải chú ý tới từng học sinh; trong khi năng lực của nhiều giáo viên về vận dụng các phương pháp dạy học và kĩ thuật dạy học có tác dụng phân hóa còn hạn chế.
Theo GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu sĩ số học sinh ít, giáo viên có thể quan tâm trực tiếp đến từng em. Còn ở ta hiện nay, lớp học nào cũng có sĩ số đông.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp mới một cách bài bản, chuyên nghiệp, do đó sẽ rất khó cho giáo viên khi đánh giá năng lực từng em học sinh.
Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng khẳng định, dạy học phân hóa là con đường đi đúng đắn.
Song, với sĩ số lớp quá đông, chật chội, thì rất khó để dạy học phân hóa ngay được. Thậm chí, để dạy học phân hóa, bên cạnh “hạ” sĩ số lớp học xuống, chúng ta còn cần thêm nhiều phòng học chức năng cho các em./.
Minh Dương/VOV.VN