Tiếng Việt | English

25/04/2024 - 11:34

Đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện Chỉ số PAPI

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ đánh giá mức độ cải thiện của các cấp chính quyền, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Vì vậy, việc cải thiện và nâng cao chỉ số này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ.

Giải quyết đúng hạn hồ sơ thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân

Tăng 11 bậc so với năm 2022

Sáng ngày 02/4/2024, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố báo cáo Chỉ số PAPI năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả, Chỉ số PAPI của tỉnh đạt 40,83 điểm; so với năm 2022 tăng 1,03 điểm và tăng 11 bậc, xếp hạng thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, có 5 chỉ số nội dung tăng điểm là công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Dù tăng 11 bậc so với năm 2022 nhưng Long An vẫn nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có số điểm thấp nhất. Tuy nhiên, kết quả này vẫn cho thấy sự cải thiện đáng kể về thứ hạng; đồng thời, đây cũng là căn cứ quan trọng để tỉnh tiếp tục có những biện pháp và sự điều chỉnh hợp lý, hiệu quả hơn về cơ chế, chính sách cũng như công tác điều hành, quản lý, phục vụ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Có nhiều nguyên nhân cản trở việc cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền và người dân còn hạn chế, nhất là lãnh đạo cấp xã ở một số nơi chưa quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện đầy đủ và thường xuyên các nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chỉ số PAPI trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đi vào chiều sâu. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đến người dân chưa thường xuyên, mức độ chưa sâu, chưa phong phú,...

"Nhờ áp dụng quy trình trực tuyến, việc hoàn thành các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây. Tôi không còn phải mất nhiều thời gian chờ đợi hay đi lại giữa các cơ quan khác nhau. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm Hành chính công huyện được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao và thái độ phục vụ chuyên nghiệp, lịch sự. Họ luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục một cách tận tình”.

Anh Lê Quốc Đăng (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa)

Cùng nhau cải thiện Chỉ số PAPI

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì, nâng cao nội dung tăng điểm; phấn đấu cải thiện, tăng điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc các nội dung cấu thành Chỉ số PAPI bị giảm điểm năm 2023.

Trong quản trị điện tử, tỉnh triển khai một số mô hình, cách làm mới về chuyển đổi số được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia như thanh toán không dùng tiền mặt, chợ 4.0, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử,...

Lãnh đạo tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, nhất là bộ phận tiếp dân phải nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng tạo sự hài lòng tốt nhất cho người dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa thăm hỏi, động viên công chức,viên chức và người lao động tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh)


Đồng thời, thay vì phải ký trực tiếp, hiện nay, nhiều cán bộ, công chức, viên chức được cấp chữ ký số cá nhân, phục vụ xử lý, phát hành văn bản, hồ sơ công việc trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh. Các văn bản đều được chuyển nhận trên môi trường mạng, giúp giảm nhiều chi phí vận hành và giảm thời gian lưu chuyển trong các đơn vị, đơn vị.

Ngày 15/01/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2024 (Kế hoạch số 141/KH-UBND) và thành lập Đoàn kiểm tra công vụ (Quyết định số 695/QĐ-UBND, ngày 19/01/2024) để nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo năm 2024 của UBND tỉnh; kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu đối với tổ chức, công dân trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Qua đó, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Giải quyết đúng hạn hồ sơ thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân

Nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, các địa phương trong tỉnh cũng thực hiện nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa thực hiện mô hình Nói không với giấy hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Lập Thượng - Phùng Văn Đức cho biết, mô hình nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo sự thân thiện, gần gũi với người dân, bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc đi lại nhiều lần. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.

“Thời gian qua, xã tập trung quán triệt tinh thần “hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân” đến cán bộ, công chức. Nhờ đó, cán bộ, công chức xã luôn niềm nở, tận tình hướng dẫn người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính. Nhờ vậy, mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn xã được nâng cao” - Chủ tịch UBND xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng - Bùi Đức Thọ cho biết.

Việc nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI của các cấp chính quyền nhằm góp phần tạo sự hài lòng của người dân khi đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công./.

Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân và được khởi xướng từ năm 2009 đến nay. Năm 2023, Chỉ số PAPI được tổng hợp từ phỏng vấn trực tiếp 19.536 người dân (năm 2022 là 16.117 người) có hộ khẩu thường trú ở các địa phương trên phạm vi toàn quốc về trải nghiệm, cảm nhận của họ khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công. Chỉ số PAPI năm 2023 tiếp tục đo lường 8 chỉ số lĩnh vực nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết