Tiếng Việt | English

12/07/2023 - 09:52

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Long An thực hiện các giải pháp ổn định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Thông tin từ UBND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 3.335 doanh nghiệp (DN), tổng số vốn đăng ký 51.374 tỉ đồng; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15.621 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 358.021 tỉ đồng. Về số lượng dự án (DA) đầu tư trong nước, trên địa bàn tỉnh có 2.169 DA, vốn đăng ký trên 231.600 tỉ đồng. Về đầu tư nước ngoài, tỉnh có 1.171 DA, vốn đăng ký 10.124,6 triệu USD; trong đó, có 588 DA đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Đối với thu hút đầu tư trong khu công nghiệp (KCN), từ đầu năm 2021 đến hết tháng 3-2023, trên địa bàn tỉnh có 233 DA mới, trong đó, có 115 DA đầu tư nước ngoài và 118 DA đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư cấp mới là 941,97 triệu USD và 39.659,14 tỉ đồng; lũy kế đến nay, thu hút được 1.775 DA với tổng vốn đầu tư 5.897,16 triệu USD và 129.621,4 tỉ đồng.

Đối với khu kinh tế cửa khẩu, có 2 DA FDI có vốn đầu tư 75 triệu USD với diện tích 21,2ha và 2 DA tư nhân thuê 0,66ha đất. Đối với cụm công nghiệp (CCN), lũy kế đến nay, có 23 CCN hoạt động, thu hút 688 DA với tổng diện tích đất đã cho thuê 812,3ha. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN hoạt động là 87,5%.

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh và lãnh đạo cấp cao Coca-Cola Việt Nam cùng thực hiện nghi thức khởi công nhà máy mới tại tỉnh (Ảnh: Mai Hương)

Slogan trong thu hút đầu tư của tỉnh đặt ra “thân thiện, hiệu quả” nhưng qua tiếp cận các nhà đầu tư, hiện nay, nhà đầu tư mong muốn nhất là thông thoáng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Do đó, UBND tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn của thế giới”.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều

Hiện tỉnh tập trung triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư như chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN bằng các hình thức phù hợp cũng như chỉ đạo ngành Thuế triển khai các hoạt động đồng hành hỗ trợ người nộp thuế và công tác cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế. Ngoài ra, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài khi tổ chức thành công 3 đoàn công tác đến các quốc gia đối tác chiến lược tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Qua đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Coca-Cola (Mỹ), Tập đoàn Lotte, STS (Hàn Quốc) đến đầu tư.

Tuy nhiên, việc tiếp cận, kết nối thu hút đầu tư các DA lớn của nước ngoài vẫn còn hạn chế; tỉnh chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đặc biệt dành cho các DA trọng điểm. Các thủ tục hành chính mặc dù đã được cải thiện đáng kể, điều kiện đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn nhưng vẫn còn một số thủ tục chưa tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, DN; công tác tiếp cận đất đai vẫn còn chậm. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh còn đang trong tiến trình đầu tư để đồng bộ hóa, một số nơi chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia,...

Tỉnh từng bước cải thiện môi trường đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn

Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát tại một số địa phương, sở, ngành tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, mặc dù việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng chưa toàn diện theo các nhiệm vụ của nghị quyết Chính phủ; chưa thể hiện rõ tính đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của từng ngành, từng địa phương trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, còn tình trạng một số DA chưa chấp hành nghiêm theo quy định về đầu tư như chậm tiến độ, đầu tư không đúng mục tiêu DA phê duyệt ban đầu, không bảo đảm chế độ thông tin báo cáo; một số DA kéo dài gây nhiều bức xúc cho cử tri, người dân.

Tập trung các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

Theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, Long An là địa phương đầu tiên của phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được tích hợp các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực; trong đó, định hướng các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam dựa trên công nghiệp xanh, tự động hóa; nông nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics và du lịch sinh thái. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng tác động hiệu quả đến môi trường đầu tư của tỉnh khi phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế đưa tỉnh trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng trong hợp tác với Campuchia để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư

Để khai thác hiệu quả Quy hoạch tỉnh và bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn, năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng dần qua từng năm một cách bền vững hơn, ông Trương Văn Liếp cho rằng, trước hết cần tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định PCI, PAPI và PAR Index. Đặc biệt, trong cải thiện PCI cần tập trung bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhằm thống nhất quan điểm, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với phát triển KT-XH. Từng sở, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu, phân tích chuyên sâu vào từng chỉ số thành phần, những tồn tại, hạn chế liên quan đến ngành, đơn vị với tinh thần cầu thị, chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động của cơ quan, đơn vị. Trong đó, phải xác định mục tiêu phấn đấu thật cụ thể, phải đo đếm được bằng các điểm số, chỉ số; có giải pháp thiết thực, cách làm mới, gắn với các chỉ số thành phần liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương để cải thiện bền vững PCI.

“Ngoài ra, tỉnh tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng trong xử lý vướng mắc, kiến nghị của DN, nhà đầu tư với phương châm “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp các dịch vụ công phục vụ DN, nhà đầu tư, người dân với chất lượng ngày càng tốt hơn. Đồng thời, tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” với những giải pháp thiết thực thông qua giải pháp hỗ trợ các DA đầu tư đang triển khai tại tỉnh, nâng cao chất lượng hỗ trợ DN gắn với nhu cầu thực tiễn” - ông Trương Văn Liếp thông tin./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết