Tiếng Việt | English

13/10/2017 - 11:28

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Những năm qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên (TN) lập thân, lập nghiệp” được Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Long An triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đây, góp phần giúp TN có điều kiện học tập, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng.


Thanh niên trưng bày và bán đặc sản Long An tại "Phiên chợ hàng Việt về nông thôn"

Giúp thanh niên khởi nghiệp

Phó Bí thư Tỉnh đoàn – Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, xác định phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho TN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, nhằm hỗ trợ TN trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

Để tạo điều kiện cho TN giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Doanh nhân trẻ Long An tổ chức Chương trình Khởi sự doanh nghiệp (DN) năm 2017, thu hút 500 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Tại đây, ĐVTN được tham gia cuộc tọa đàm, trao đổi “Khởi nghiệp dành cho TN tỉnh Long An” xoay quanh một số vấn đề: Cộng đồng khởi nghiệp, chia sẻ mô hình khởi sự, vườn ươm DN; vai trò của những tổ chức tác động đến hoạt động khởi nghiệp; những chính sách dành cho doanh nhân khởi nghiệp;…

Đồng thời, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối Sở Công Thương, UBND huyện Tân Trụ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA, TP.HCM) tổ chức “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tân Trụ. Phiên chợ có 40 gian hàng là sản phẩm của TN, DN trưng bày, bán và quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam với các thương hiệu nổi tiếng: Cốm ngò, mắm tôm chà, mắm còng, rượu thanh long, nấm linh chi, nước chấm,... Đặc biệt, tại phiên chợ, Ủy ban Hội LHTN tỉnh tổ chức cuộc tọa đàm “Khởi nghiệp hôm nay, lập nghiệp ngày mai” với sự tham gia của hơn 150 ĐVTN trên địa bàn huyện Tân Trụ.

Bên cạnh đó, để góp phần giúp TN khởi nghiệp, hàng năm, các cấp bộ Đoàn – Hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm-giảm nghèo, mở rộng sản xuất. Đến nay, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho TN vay trên 223 tỉ đồng, nguồn vốn Trung ương Đoàn 885 triệu đồng. Hiện nay, Đoàn Thanh niên toàn tỉnh quản lý 334 tổ tiết kiệm và vay vốn với 11.884 hộ vay; 11 dự án vay vốn theo Chương trình 120 cho 9.680 ĐV, hội viên TN,...

Thanh niên vượt khó làm giàu

Anh Trần Văn Thống (SN 1983), ngụ ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa là một trong những gương điển hình tiêu biểu TN nông thôn vượt khó làm giàu. Trước đây, kinh tế gia đình anh không ổn định, trồng lúa thường xuyên lâm cảnh “được mùa, rớt giá”.


Gốc mai kiểng của gia đình anh Trần Văn Thống có người trả với giá 280 triệu đồng nhưng anh chưa bán

Năm 2001, từ niềm đam mê trồng cây kiểng, anh vượt đường xa đến học hỏi một số nghệ nhân ở tỉnh Bến Tre. Trong quá trình học trồng mai kiểng, anh nhận thấy kỹ thuật không quá khó, mà lợi nhuận mang lại khá cao nên anh quyết định chuyển đổi 2.000m2 đất trồng lúa sang trồng mai kiểng.

Trung bình 1.000m2 đất, anh trồng 500 gốc mai, sau 3 năm chăm sóc anh bán tại vườn với giá trung bình 1 -3 triệu đồng/gốc, lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Anh Thống cho biết, ở vùng đất này, một năm trồng lúa 2 vụ; sau khi trừ chi phí, với 1.000m2, anh chỉ thu lợi khoảng 8 triệu đồng/năm. Trong khi 1.000m2 đất trồng mai, sau 3 năm, gia đình anh có thể thu lợi gần tỉ đồng.

Từ 1.000m2 đất ban đầu, hiện nay, gia đình anh mở rộng diện tích trồng mai lên đến 2ha. Cây mai được thương lái một số tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Tây Ninh,... đến tận vườn thu mua. Vườn mai của anh, hiện còn nhiều gốc trị giá trên 100 triệu đồng, thương lái đến thương lượng nhưng anh vẫn chưa bán.

Cùng với trồng mai, anh Thống còn tận dụng 0,6ha mặt nước nuôi cá giống và cá thịt. Hiện nay, kinh tế gia đình anh tương đối ổn định, trung bình thu lợi nhuận 250 triệu đồng mỗi năm. “Ngoài hỗ trợ về mặt tinh thần, hàng năm, chính quyền địa phương cũng quan tâm mở các lớp chuyển gia khoa học – kỹ thuật về trồng mai kiểng, tạo điều kiện để gia đình tôi có thể canh tác đạt hiệu quả cao”- anh Thống chia sẻ.

Chị Lê Thị Kim Ngân, phường 4, TP.Tân An được biết đến là nữ TN khu vực thành thị có chiến lược phát triển kinh tế khá triển vọng, dù tuổi đời còn rất trẻ (24 tuổi) như hiện chị là Giám đốc Công ty TNHH 1 Thành viên Tam Kỳ Hoa.

Chị Kim Ngân cho biết, chị thành lập công ty được hơn 1 năm, chuyên phân phối phân hữu cơ vi sinh EMZ-USA. Khi mới bước chân vào hoạt động kinh doanh, chị khá bỡ ngỡ, bởi chưa có kinh nghiệm nhiều. Nhưng cũng nhờ tham gia các chương trình khởi sự doanh nghiệp, tọa đàm TN trên đường lập thân, lập nghiệp, phiên chợ hàng Việt TN,... do Hội LHTN tỉnh tổ chức mà chị có điều kiện kinh doanh thuận tiện hơn, nhất là có cơ hội tiếp cận một số khách hàng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, sản phẩm do công ty chị phân phối được nhiều nông dân các tỉnh miền Tây ưa chuộng. Ngoài cung cấp phân hữu cơ vi sinh, chị đang triển khai vườn liên kết với hơn 10ha đất trồng rau màu sạch ở TP.Tân An, Châu Thành, Cần Đước,… cung cấp phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trong suốt quá trình canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường bên ngoài.


Thông qua chương trình khởi sự doanh nghiệp do Ủy ban Hội Liên hiệp Việt Nam tỉnh tổ chức, chị Lê Thị Kim Ngân, phường 4, TP.Tân An có cơ hội sản xuất, kinh doanh thuận tiện hơn

“Sau khi thu mua rau màu của nông dân trong vùng liên kết, công ty cung cấp ra thị trường, chủ yếu tại các cửa hàng rau sạch trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sắp tới, công ty mở Nhà hàng chay Tam Kỳ Hoa tại TP.Tân An, cung cấp các món ăn chay, đáp ứng yêu cầu ngon-sạch-bổ-rẻ,…” - chị Lê Thị Kim Ngân chia sẻ thêm.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn – Võ Trần Tuấn Thanh cho biết: “Thời gian tới, ngoài duy trì các hoạt động đối thoại, tọa đàm khởi nghiệp choTN, Hội LHTN tỉnh còn phối hợp các ngành liên quan làm tốt công tác giới thiệu học nghề, việc làm; tìm các nguồn vốn hỗ trợ TN trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phát động TN chủ động học chuyên một nghề, kiếm việc làm phù hợp với năng lực, sở trường bản thân, đáp ứng nhu cầu việc làm của địa phương, đơn vị; tổ chức tốt và nhân rộng các điểm tư vấn giới thiệu việc làm cho TN,…”.

Có thể nói, thời gian qua, thông qua phong trào “Đồng hành cùng TN lập thân, lập nghiệp”, Hội LHTN Việt Nam tỉnh khẳng định được vai trò của tổ chức Hội trong đời sống TN, tạo điều kiện để TN vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH ở địa phương./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết