Tiếng Việt | English

23/11/2022 - 19:40

Giữ gìn nhạc Việt trên không gian mạng

Ngày nay, việc tiếp cận âm nhạc trên không gian mạng rất dễ dàng. Đây là môi trường rộng lớn để chuyển tải âm nhạc đến với mọi người. Thông qua “thế giới phẳng”, mọi người có thể tham gia các hoạt động như sáng tạo, trình diễn, giới thiệu, thưởng thức âm nhạc,...

Với cách thức sử dụng dễ dàng, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích như góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người cũng như sự phát triển của văn hóa âm nhạc, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa. Thông qua mạng xã hội, thế giới biết đến Việt Nam, âm nhạc Việt Nam và những giá trị văn hóa âm nhạc giàu bản sắc. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, không gian mạng trở thành nơi chuyển tải thông tin, động viên tinh thần người dân, góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước và cổ vũ tinh thần chống dịch qua âm nhạc.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực, hoạt động biểu diễn âm nhạc trên không gian mạng đang bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm và gây hiệu ứng khó lường. Đó là những nhận định về tình hình âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Khoa Âm nhạc, Đại học Sài Gòn) tại Hội nghị tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu đổi mới” được tổ chức tại An Giang.

Buổi chia sẻ tham luận về “Âm nhạc trên không gian mạng” của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, thể loại âm nhạc do người Việt sáng tạo, thể hiện, giới thiệu trên không gian mạng hiện nay, gồm: Âm nhạc chuyên nghiệp như giao hưởng, thính phòng, độc tấu, hòa tấu; âm nhạc dân tộc, cổ truyền (dân ca, âm nhạc truyền thống của người Việt, dân tộc thiểu số,... như ví dặm, quan họ, hát văn, đờn ca tài tử hoặc âm nhạc cồng chiêng, then, bọ mẹng,...), âm nhạc giáo dục dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, âm nhạc đại chúng là thể loại chiếm đa số dữ liệu trên không gian mạng, có số lượt truy cập lớn nhất so với các thể loại âm nhạc khác. Âm nhạc đại chúng, nhạc giải trí chủ yếu là các ca khúc với nội dung góp phần giáo dục nhận thức, thẩm mỹ, phát huy truyền thống dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, quê hương, tình yêu nam nữ, gia đình, giải trí, nhạc trẻ,...

Đối với thể loại âm nhạc đại chúng, nhạc giải trí, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đánh giá: “Chúng ta đang chìm trong một “chợ” âm nhạc mà không phải sản phẩm nào cũng có thể chấp nhận được theo chuẩn đạo đức xã hội. Dạo qua “chợ” âm nhạc trên không gian mạng, có nhạc jazz, rap, hip-hop, rock, R&B, nhạc sàn, nhạc chế, nhạc sến, nhạc bẩn,... Các loại nhạc này tạo nên “xu hướng” thẩm mỹ, hình tượng thời thượng về quần áo, giày dép, cách đi đứng, ứng xử và cả lối sống”.

Các sản phẩm âm nhạc chưa tốt trên “chợ” đang chiếm số lượng lớn, số người truy cập khủng, thậm chí còn nhanh chóng lan tỏa và được người nước ngoài truy cập. Nhiều sản phẩm mang nội dung phản cảm, gợi dục, suy đồi, kém chất lượng về nghệ thuật nhưng vẫn có hàng trăm ngàn lượt truy cập. Cùng với đó là tình trạng nhiễu loạn thông tin, đạo nhạc, nhạc nhái, nhạc chế, sự xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống phương Tây như tôn thờ tự do cá nhân, thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực,... đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc.

Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề xuất một số giải pháp như tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ (theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hóa, nghệ thuật); đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động nâng cao “sức đề kháng” của người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam;...

Có thể thấy, những tác động của âm nhạc trên mạng xã hội có thể tạo ra giá trị về giáo dục đạo đức xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thúc đẩy con người biết yêu thương, hăng hái lao động, sáng tạo. Còn những sản phẩm âm nhạc chưa tốt sẽ tác động, làm lệch lạc nhận thức, thẩm mỹ hay tạo nên khuynh hướng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử.

Vì vậy, các văn, nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa cần có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý, làm lành mạnh không gian văn hóa, nghệ thuật và mang lại lợi ích tinh thần cho xã hội. Qua đó, góp phần phát triển một nền văn học, nghệ thuật chân - thiện - mỹ nói chung và âm nhạc nói riêng trên không gian mạng ngày càng tốt đẹp./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết