Tiếng Việt | English

20/11/2022 - 05:50

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022):

Giữ gìn và phát huy truyền thống, đạo lý 'Tôn sư trọng đạo' của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới

“Chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề giáo cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan đến nhiều yếu tố nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính mỗi nhà giáo chúng ta”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Kim Sơn đã viết như vậy trong thư gửi nhà giáo cả nước khi ông vừa nhậm chức với mong muốn lấy lại hình ảnh, vị thế nhà giáo trong bối cảnh nhiều tác động đa chiều của xã hội.

Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958 (Ảnh internet)

Thầy, cô giáo là người truyền cảm hứng chinh phục tri thức cho học sinh, không có thầy, cô giáo thì không có giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đánh giá rất cao vai trò người thầy. Bác nói: “Thầy, cô giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Nhà giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhấn mạnh: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Sự vinh danh ấy đặt ra một yêu cầu khắt khe về chuyên môn và nhân cách, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải biết vượt qua khó khăn, mang hết tâm huyết, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Trong xã hội hiện đại, mặc dù khoa học - kỹ thuật phát triển, nhiều tiện ích có thể tham gia vào quá trình GD con người nhưng có lẽ không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi, dù thế nào đi chăng nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng của chuẩn mực đạo đức, nhân cách, trí tuệ và là người truyền vào tâm hồn học sinh (HS) những điều hay, lẽ phải. Công nghệ GD dù có hiện đại đến đâu cũng chỉ là phương tiện mang tính hỗ trợ cho bài giảng, còn vai trò quan trọng truyền cảm hứng chinh phục tri thức cho HS vẫn là người thầy. Thầy, cô giáo là người “truyền lửa” ham học cho HS, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão, khát vọng cao đẹp cho tương lai. Thầy, cô giáo là người định hướng để HS khám phá, tìm tòi tri thức.

Thầy, cô giáo là nhân tố quyết định chất lượng của một nền GD. Năng lực và đạo đức nghề nghiệp của họ góp phần to lớn vào sự thịnh vượng của một đất nước. HS không chỉ học kiến thức qua những bài giảng trên lớp mà còn học cách giải quyết các tình huống thực tế, cách ứng xử với những người xung quanh từ thầy, cô. Vì vậy, giáo viên (GV) ngoài việc học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, phải thường xuyên trau dồi nhân cách, tác phong của mình. Sự nỗ lực, cống hiến của đội ngũ GV là tấm gương tốt nhất, là thước đo, đích đến để HS ngưỡng mộ và noi theo.

Thời gian qua, có rất nhiều tấm gương GV âm thầm cống hiến tài năng, sức lực của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Tiền lương hàng tháng không cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng thầy, cô sẵn sàng xuất tiền túi để mua tập, sách, quần áo cho HS có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục đến trường. Có rất nhiều thầy, cô mở lớp học tình thương miễn phí vào ban đêm cho các em cơ nhỡ, cũng có rất nhiều thầy, cô tình nguyện chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật ở các trung tâm,... Thầy, cô đã lan tỏa tình yêu thương và truyền cảm hứng, làm cho người học có ý thức tự giác cao về việc học, từ đó năng lực sáng tạo được khai mở.

Những vấn đề đặt ra do sự tác động nhiều chiều của xã hội

Đất nước ta đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những tác động không mong muốn của nền kinh tế thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các quan niệm sai lầm, có phần quá trớn về tinh thần dân chủ, bình đẳng trong GD khiến không ít người có sự thay đổi về các chuẩn giá trị đạo đức, quan hệ thầy - trò, gia đình - nhà trường. Điều đó đặt nhà giáo trước những yêu cầu phải thay đổi để vừa thích ứng, vừa phải bảo đảm gìn giữ những giá trị cơ bản về đạo đức, nhân cách của nghề làm thầy.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều vấn đề GD, nhất là GD phổ thông đã phần nào ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về nhà giáo. Quan hệ thầy - trò đã, đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố tiêu cực. Những yếu tố này thuộc về nhiều phía: Thầy, cô giáo, xã hội và HS. Về phía người thầy, có người hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của GD&ĐT trong giai đoạn mới; cũng có người vi phạm các quy tắc GD HS, hoặc có hành vi tiêu cực trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, thi cử,... khiến cho xã hội có “cái nhìn khác” về hình ảnh người thầy, một biểu tượng vốn rất thiêng liêng trong xã hội.

Về phía HS, cũng có những em chưa ngoan, hành động trái với đạo lý như cãi lại GV, thậm chí là hành hung GV khi mắc lỗi và bị xử lý. Những hành động này đã làm cho giá trị đạo đức trong môi trường GD có mặt xuống cấp nghiêm trọng. Mối quan hệ thầy - trò một số nơi đã bị hoen ố và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã bị ảnh hưởng ít nhiều.

Về phía xã hội, chủ trương xã hội hóa GD bên cạnh mặt tích cực, cũng đã bộc lộ những mặt trái của nó. Có những phụ huynh tận dụng triệt để chủ trương này mà dùng tiền, vật chất để chi phối các mối quan hệ trong GD. Không ít phụ huynh vì bênh con mà có lời lẽ, hành động nóng vội, thiếu kiềm chế, thậm chí là thiếu tôn trọng, xúc phạm GV và nhà trường. Điều đó đã hạ thấp hình ảnh cao quý của người thầy và nền GD xuống những nấc thang đáng lo ngại. Đành rằng đâu đó vẫn còn những thầy, cô giáo vì khó khăn trong cuộc sống đã để lợi ích vật chất, tiền bạc len lỏi, chi phối mối quan hệ thầy - trò. Đâu đó vẫn còn hiện tượng xử lý tình huống mang tính chất bạo lực với HS, nhưng hầu hết, thầy, cô giáo vẫn kiên định, bản lĩnh, giữ vững cốt cách của nhà giáo. Ánh sáng của lương tri, ngọn lửa của trí tuệ, tình thương yêu HS đã vun đắp cho thầy, cô giáo niềm tin vào nghề dạy học. Đa số GV đều hiểu rằng, ngoài kiến thức, nhân cách, đạo đức, lối sống mới là tấm gương để thuyết phục HS và phụ huynh.

Có thể nói, “Tôn sư trọng đạo” dù là ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn luôn là nét đẹp văn hóa không gì thay thế được của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời đại nào, người thầy vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Nhà giáo Chu Văn An - biểu tượng thiêng liêng về trí tuệ, đạo đức và hình ảnh người thầy của dân tộc Việt Nam từng nói: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Vì vậy, trước tình hình hiện nay, đòi hỏi thầy, cô giáo cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, là tấm gương sáng cho HS noi theo; mỗi HS phải luôn thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy, cô. Cùng với đó là sự chung tay của từng gia đình và toàn xã hội trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Có như vậy, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” mãi mãi giữ nguyên giá trị, mãi mãi là động lực góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” không ngừng phát triển.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, kính chúc quý thầy, cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, yêu nghề; mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, lối sống; tận tụy, nhiệt tình với công việc và hết lòng thương yêu HS. Xin đề nghị các cấp, các ngành và toàn xã hội hãy dành cho các thầy, cô sự quan tâm, tôn trọng, đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn để các thầy, cô luôn giữ vững niềm tin, nhiệt huyết, tiếp tục thực hiện sự nghiệp cao cả “trồng người”./.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - HOÀNG ĐÌNH CÁN

Chia sẻ bài viết