Tiếng Việt | English

14/11/2022 - 10:27

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022):

Nghĩ về người thầy thời hiện đại

"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy ngàn năm lịch sử trôi qua để lại biết bao tấm gương sáng của các thầy, cô giáo. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, các thầy, cô giáo đã hết lòng dạy bảo học trò, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trở thành ngày “tôn vinh người thầy” của toàn dân. Vào ngày này, trên khắp mọi miền, học sinh, sinh viên lại cùng nhau mang hoa, quà đến chúc mừng các thầy, cô giáo, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công dạy dỗ mình. Quan hệ thầy - trò vốn là mối quan hệ cao cả, thiêng liêng. Người xưa đã nói “trọng thầy mới được làm thầy”, “không thầy đố mày làm nên”. Đầu năm có ba ngày Tết, đã dành một ngày là Tết thầy. Người thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn định hướng về đạo đức, lối sống, do vậy, cả những bậc phụ huynh cao tuổi cũng đến tìm thầy để tri ân.

Hòa cùng những niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi đón nhận những tình cảm của các thế hệ học trò, các nhà giáo không thể không nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, lớp người sẽ gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước đã khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người” mà Ðảng và nhân dân tin yêu giao phó. Nhiều nhà giáo đã tâm huyết, tận tụy với nghề; nhất là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng núi đã không ngại khó khăn; thậm chí hy sinh cả tính mạng để bám trường, bám lớp, duy trì việc giảng dạy và học tập. Xã hội mãi mãi tôn vinh và ghi ơn các thầy giáo, cô giáo, những người đã suốt đời cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Song, một trong nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay mà xã hội băn khoăn là số lượng thầy, cô giáo chuyển việc, nghỉ việc rất lớn. Nguyên nhân có thể do thu nhập thấp, áp lực công việc và môi trường công tác. Không ít lời than phiền về trình độ và phẩm chất của một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đúng là có những trường hợp người được phân công đứng trên bục giảng hoặc công tác trong ngành Giáo dục chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo. Do tác động của kinh tế thị trường, sự xuống cấp về đạo đức nói chung, đạo thầy - trò có bị sút giảm, không còn thiêng liêng như trước. Ðó đây có những hiện tượng đau lòng về quan hệ thầy - trò, trong đó có người không giữ được đạo làm thầy, dẫn đến sự gia tăng những biểu hiện suy thoái đạo đức, vi phạm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành Giáo dục đang phấn đấu đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng mong ước của Bác ghi trong thư nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập (tháng 9/1945): “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Những lời tâm huyết ấy của Bác càng nhắc nhở đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần đề cao trách nhiệm làm gương, ý chí vượt lên mọi khó khăn và sự cám dỗ vật chất đời thường, không ngừng bồi dưỡng ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Trước yêu cầu đổi mới, Đảng và nhân dân ta gửi gắm tin yêu và hy vọng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nỗ lực cùng toàn xã hội, góp sức tích cực, hiệu quả vào mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng đã đề ra./.

Ths Nguyễn Thanh Hoàng

Chia sẻ bài viết