Ở Long Cang vẫn còn những người đan chiếu thủ công
1. Không một ai biết chính xác nghề làm chiếu lác ở Long Cang khởi nguồn từ lúc nào. Ngay cả những người cao niên ở vùng quê này cũng chỉ biết rằng khi họ lớn lên, cả làng đã làm nghề dệt chiếu, cứ thế hệ này truyền sang thế hệ khác và lưu giữ đến nay.
Trên chiếc khung dệt thủ công, cụ Lê Thị Giỏi (ấp 1, xã Long Cang) vẫn miệt mài những thao tác dệt chiếu. Dù đã 94 tuổi, tai có phần bị lãng và mắt đã mờ do tuổi già nhưng đôi tay cụ vẫn thoăn thoắt luồn những sợi lác vào khung để dệt nên những chiếc chiếu bền chắc.
Cụ Giỏi cho biết: “Từ nhỏ, tôi xem mẹ dệt chiếu dần rồi học theo. Hồi đó, chiếu Long Cang nổi tiếng khắp vùng, người đặt mua không kịp dệt nên tôi làm cả ngày lẫn đêm, dần dần thì giỏi nghề. Sau này sinh con đẻ cháu thì truyền nghề lại cho chúng nó nên đứa nào cũng biết dệt. Làm mấy chục năm nay, giờ già cả rồi thì thỉnh thoảng dệt vài ba đôi chiếu cho đỡ nhớ nghề”.
Lác được thu hoạch để đưa về đan chiếu
Ở Long Cang, những nghệ nhân với đôi bàn tay điệu nghệ đã cho ra nhiều sản phẩm chiếu đặc sắc như chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu in,... Những loại chiếu này nức tiếng khắp các vùng bởi độ bền và tính thẩm mỹ, được người tiêu dùng ưa chuộng một thời, đặc biệt là những đôi chiếu cưới. Chiếu cưới với nhiều hoa văn đặc sắc được đan chặt vào nhau bởi từng cọng lác nhỏ thường được đặt một đôi vào dịp đám cưới của các đôi trai gái.
Theo những nghệ nhân lớn tuổi ở làng chiếu Long Cang, để có được một đôi chiếu cưới đẹp, người thợ phải cẩn thận khâu chẻ, nhuộm lác và khéo léo khi dệt để tạo hình hoa văn, long phụng, chữ song hỷ,... như lời chúc phúc gửi đến những cặp vợ chồng mới cưới. Đã có một thời, đôi chiếu Long Cang là vật dụng không thể thiếu trong lễ cưới của các chàng trai, cô gái vùng thôn quê.
Cùng với chiếu cưới và những loại chiếu thông thường để nằm, chiếu Long Cang còn được đặt riêng để trải trong những sự kiện quan trọng khác như lễ hội, cúng đình làng,... Hoặc trong những gia đình khá giả, thường đặt làm đôi chiếu Long Cang như một sự chứng tỏ đẳng cấp.
Ngày nay, dù nhiều người chuyển sang dùng chiếu trúc, nệm,... thay cho chiếu lác nhưng chiếu Long Cang vẫn được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng bởi tính công phu, mỹ thuật và độ bền. Trong xã còn có khoảng 10 cơ sở thu gom chiếu từ người dân mang về may lề, cắt chỉ để đem đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Trung. Điều này giúp những người gắn bó với nghề dệt chiếu vẫn bám nghề.
Bà Huỳnh Thị Hương, ngụ ấp 1, xã Long Cang, cho biết: Từ khi mới lớn, tôi đã được cha mẹ truyền nghề, đến nay đã hơn 40 năm dệt chiếu. Nhiều người trong vùng bỏ nghề dệt chiếu đi làm công nhân nhưng mình làm quen rồi nên vẫn gắn bó với nghề. Trước đây làm thủ công nên dệt được ít, giờ đầu tư mua máy dệt nên mỗi ngày dệt được khoảng 10 đôi chiếu, trừ chi phí cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng.
2. Đối với người dân, dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn mang một giá trị tinh thần, giá trị truyền thống to lớn. Tháng 12-2014, nghề dệt chiếu của Long An được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Thế nhưng, nghề truyền thống này cũng đang chịu cảnh dần mai một như nhiều làng nghề khác trong cả nước.
Những chiếc chiếu được cơ sở thu mua chuẩn bị đưa đi tiêu thụ
Những vùng đất rộng lớn ven sông Vàm Cỏ Đông trước đây trồng lác để dệt chiếu thì nay phải nhường chỗ cho mục đích phát triển công nghiệp. Hình ảnh những bó lác hay những chiếc chiếu hoa phơi bên đường dần ít đi, tiếng cót két của khung dệt cũng dần thưa. Thậm chí ở nhiều nhà, chiếc khung dệt đóng bụi mờ, chỉ còn nằm ở góc nhà như một kỷ niệm.
Ở Long Cang, ai cũng biết dệt chiếu, nhưng giờ hầu như chỉ còn những người lớn tuổi giữ nghề, ngày ngày miệt mài trên khung dệt. Còn những người trẻ tuổi như con cháu cụ Giỏi, bà Hương,... phần lớn vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp trong khu vực với mức lương khá hơn và tương đối ổn định. Nếu như năm 2014, cả xã có hơn 300 hộ làm nghề dệt chiếu thì nay chỉ còn khoảng 1/3 trong số đó vẫn sống với nghề.
Bà Phạm Thị Thanh Phượng - Tổ trưởng nghề chiếu ở Long Cang, cho biết: Xung quanh đây, giờ có nhiều khu công nghiệp với nhiều công ty, nhà máy nên nhiều người bỏ nghề chiếu đi làm công nhân, buôn bán. Người giữ nghề mỗi năm lại ít dần bởi thu nhập không cao. Như tôi thì lớn tuổi rồi, làm mấy chục năm nay cũng quen nên không nỡ bỏ. Với lại công việc này cũng khá phù hợp, mình làm ở nhà chủ động được nhiều việc, tranh thủ chợ búa, đưa đón con cháu đi học.
Trao đổi về việc bảo tồn nghề dệt chiếu ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Long Cang - Lê Thanh Tùng cho biết: Do quy hoạch phát triển công nghiệp nên diện tích đất trồng lác để dệt chiếu trong xã hiện chỉ còn 14ha, người dệt chiếu phải mua thêm nguyên liệu ở các vùng khác. Người làm nghề truyền thống nay cũng ít đi, nhưng nghề dệt chiếu vẫn đang mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều người dân trong xã, nhất là người lớn tuổi, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
“Chính quyền đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển làng nghề truyền thống; đồng thời, đang đề nghị Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Long An) xem xét hỗ trợ các hộ dân mua máy dệt để tăng năng suất, thu nhập, từ đó góp phần giúp người dân gắn bó với nghề dệt chiếu, bảo tồn di sản văn hóa của địa phương” - ông Tùng nói.
Hiện nay, chiếu ở Long Cang chủ yếu đan bằng máy
Trong lòng những người gắn bó với nghề dệt chiếu giờ đây mang nặng nhiều tâm tư khi nhìn làng nghề truyền thống đang dần mai một. Những người còn giữ nghề phần lớn chỉ dệt những loại chiếu thông thường chứ ít ai còn làm những chiếc chiếu hoa văn công phu như trước, bởi thị trường bây giờ ít dùng đến.
Đối với họ, nghề dệt chiếu là cả cuộc đời, truyền thống gia đình, làng xã,... Dù biết là rất khó nhưng họ luôn mong một ngày nào đó, những người trẻ sẽ quay lại gắn bó với nghề. Những câu ca về chiếu Long Cang vẫn được cất lên mỗi ngày - “Hò... hơ... chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt. Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây. Chiếu hoa em dệt thật dày. Mong đây với đó... Hò... ơ... Mong đây với đó xuân này nên duyên..."./.
Lê Đức