Tiếng Việt | English

03/08/2021 - 13:10

Góp sức trẻ chiến thắng dịch Covid-19

Ngoài lực lượng y tế, công an, quân sự làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, còn có những tình nguyện viên (TNV), đoàn viên, thanh niên (ĐVTN),... Họ không nghĩ cho bản thân mà sẵn sàng tình nguyện lên chốt, vào tâm dịch, khu cách ly để cùng cơ quan chức năng chống lại đại dịch Covid-19.

Tình nguyện “cắm chốt”

“Đã là thanh niên thì mặt trận nào chúng tôi cũng tới. Không cần ca ngợi, đôi khi những lời động viên đủ làm chúng tôi vui lắm rồi!” - Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Trung Tướng - cán bộ chuyên trách Tỉnh đoàn, Đội trưởng Mặt trận tình nguyện tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại huyện Cần Giuộc, Tỉnh đoàn nhanh chóng thành lập đội hình tình nguyện xung phong hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cấp tỉnh. Qua 2 đợt tuyển, có 30 bạn tình nguyện tham gia, bám chốt.

Tình nguyện viên kiểm tra thông tin, giấy tờ xe của người dân khi vào địa bàn huyện Cần Giuộc

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ðoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh thành lập 199 đội hình phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19 với 2.165 ĐVTN tham gia theo hướng “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Những ngày qua, làm việc với cường độ cao, ăn vội, ngủ trễ nhưng các tình nguyện viên vẫn rất trách nhiệm, vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức ngăn chặn, chiến đấu với Covid-19”.

Bí thư Tỉnh đoàn -

Võ Trần Tuấn Thanh

Nguyễn Ngọc Kim Xuyến (SN 2001, phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 bùng phát và tỉnh thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tôi rất lo. Thầm nghĩ, thay vì nghỉ dịch ở nhà thì tôi đi hỗ trợ, còn trẻ và còn sức, giúp được lúc nào hay lúc đó. Rồi qua kênh thông tin của Tỉnh đoàn, tôi đã đăng ký tình nguyện và đi ngay”.

Đến Cần Giuộc, 14 TNV ra quân trong đợt 2 được sắp xếp hỗ trợ xã Long Thượng. Đây là xã bị phong tỏa do có số ca nhiễm cao của tỉnh. Những ngày đầu vào tâm dịch, các bạn được chia ra mỗi nhóm 2 người, trực tại các chốt kiểm soát người qua lại từ 6-18 giờ. Rồi tùy từng ngày, các bạn còn làm những việc phát sinh như hỗ trợ UBND xã vận chuyển rau, củ, mì, gạo; soạn, phát quà cho từng hộ dân; nấu cơm; hỗ trợ y tế điều tra dịch tễ và nhập liệu; dọn dẹp nơi cách ly F0 tại Trường THPT Nguyễn An Ninh;…

“Khi em tình nguyện ra tuyến đầu, chắc gia đình cũng lo lắm?” - tôi hỏi. Giấu nụ cười sau lớp khẩu trang, TNV Lê Hữu Lộc (SN 1999, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật TP.HCM) nói: “Có lẽ đó là nỗi lo chung mà cha mẹ nào cũng nghĩ đến khi có con đang làm nhiệm vụ. Ban đầu cha mẹ em cũng lo, lúc nào cũng nhắc nhở phải cẩn thận. Nhưng đến đây, chúng em được địa phương quan tâm, phát đồ bảo hộ, khẩu trang, nước khử khuẩn đầy đủ nên gia đình cũng yên tâm”.

Tình nguyện viên cùng lực lượng chức năng tham gia trực chốt kiểm soát dịch bệnh

Rời Long Thượng, chúng tôi về Long Hậu trong một chiều đứng gió. Cái nóng hầm hập phả vào mặt đến bỏng rát. Trực chiến tại chốt, đôi tay TNV Nguyễn Thanh Tiếp (cán bộ chuyên trách Tỉnh đoàn) bị cháy nắng đỏ ửng, chiếc áo ướt đẫm mồ hôi. Mang 2 lớp khẩu trang, kính ngăn giọt bắn,… anh đang giải thích với người dân những quy định và giấy tờ cần thiết khi vào địa bàn huyện.

Anh Tiếp cho biết, vì là địa bàn giáp ranh TP.HCM, lượng xe tải vận chuyển hàng hóa vào khu công nghiệp nhiều nên hầu như không giây phút nào anh em trong đoàn có thời gian rảnh rỗi. Mỗi ngày 2 ca, ngày và đêm, các anh em chia nhau ra trực, kiểm tra giấy tờ xe vào địa bàn, đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế,...

Tuy vất vả nhưng trong anh Nguyễn Thanh Tiếp vẫn toát lên nhiều năng lượng tích cực. Anh động viên các TNV khác trong đoàn luôn lạc quan, ra sức ngăn chặn dịch bệnh để gia đình và quê hương mình được bình yên.

Túc trực ở các chốt kiểm soát, chuyện dãi nắng, dầm mưa, ăn vội, ngủ trễ,… là hết sức bình thường với các “chiến binh” áo xanh. Dù vất vả, cực nhọc nhưng đằng sau lớp khẩu trang kín mít là ánh mắt tràn đầy niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 của những “chiến binh” trẻ tỉnh nhà.

Xung phong ra trận

Nhà chỉ có 2 mẹ con nhưng Phạm Nguyễn Hoàng Khang (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) vẫn quyết định lên đường làm nhiệm vụ phục vụ vòng trong khu cách ly, nay chuyển sang tiếp nhận F0 tại Đức Hòa. Khu cách ly nơi Khang phục vụ có sức chứa hơn 100 người, với 2 tầng lầu. Nhóm TNV phục vụ vòng trong như Khang có 6 người làm tất cả nhiệm vụ: Mang cơm, vệ sinh, phun khử khuẩn, mang hàng hóa tiếp tế tới cho bệnh nhân và các nhiệm vụ không tên khác.

Khang ở khu cách ly đến nay được 1,5 tháng. Chàng thanh niên trẻ xác định sẽ ở đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Phục vụ vòng trong khu cách ly nên Khang và đồng đội chỉ quanh quẩn trong đó, không ra ngoài, thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Tùy số lượng bệnh nhân tiếp nhận, công việc sẽ vơi đi hay vất vả nhiều hơn. Lúc có nhiều người đến, các bạn “chạy như thoi”, vừa chuẩn bị, vệ sinh phòng, khử khuẩn, mang vác đồ giúp người cách ly,… Có hôm nhiều việc quá, kết thúc 1 ngày, các bạn mỏi cả người vì mang vác, lên xuống 2 tầng lầu quá nhiều lần. Đôi lúc, Khang và đồng đội còn phải nhận thái độ hằn học, gắt gỏng từ những người đang cách ly. Khang giải thích: “Có khi do việc nhiều quá nên bị chậm trễ trả kết quả xét nghiệm, làm người ta khó chịu. Mình hiểu, bởi ai vô đây cũng mong được sớm trở về với gia đình”. Chúng tôi biết Khang cũng vậy!

Khang kể, ở nhà chỉ còn mỗi mẹ nên em luôn lo cho sức khỏe của mẹ. “Mẹ mình 60 tuổi rồi!” - Khang trầm ngâm. Thương mẹ nên chẳng bao giờ em kể với mẹ về những vất vả của mình. Em giữ cho mẹ niềm tin cậu con trai duy nhất đang khỏe mạnh, vui vẻ, dẫu biết rằng phục vụ khu bệnh viện dã chiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi chào tạm biệt Hoàng Khang, em hẹn chúng tôi ngày mai hết dịch!

Tại bếp ăn có 15 đoàn viên, thanh niên tham gia phục vụ. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên huyện Châu Thành còn có lực lượng tình nguyện sẵn sàng trực chiến thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ lấy mẫu, tuyên truyền,…

Niềm mong mỏi ngày mai hết dịch là điều mọi trái tim đang ấp ủ. Người dân ở yên trong nhà, lực lượng tình nguyện bước ra ngoài nhận cho mình vất vả. Chúng tôi đến thăm bếp ăn phục vụ khu cách ly tại huyện Châu Thành. Có khoảng 20 ĐVTN, hội viên phụ nữ và lực lượng dân quân đang phục vụ tại đây. Từ 3 giờ, mọi người đã tới nhóm bếp chuẩn bị làm bữa sáng và một ngày chỉ kết thúc sau khi đã dọn dẹp, vệ sinh xong, thường là sau 17 giờ.

Những chàng trai, cô gái vừa làm việc, vừa cười, nói qua lớp khẩu trang. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện vui giúp vơi phần vất vả. Dẫu biết ra ngoài lúc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng các bạn vẫn tình nguyện tham gia. Vừa thi tốt nghiệp THPT xong, Nguyễn Minh Luân (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) tham gia phục vụ tại bếp ăn ngay. Chàng trai 18 tuổi hăng hái góp sức mình vào công cuộc chống dịch chung. Luân nói: “Em cũng biết là sẽ có nguy hiểm nhưng vui vì được giúp đỡ mọi người và gia đình ủng hộ. Em đã tiêm ngừa 1 mũi trước khi tham gia bếp ăn”. Theo Ủy viên Thường vụ Huyện đoàn, Bí thư Chi đoàn khối Vận huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Kim Yến, tại bếp ăn có 15 ĐVTN tham gia phục vụ. Ngoài ra, Đoàn TN huyện còn có lực lượng tình nguyện sẵn sàng trực chiến thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ lấy mẫu, tuyên truyền,… Tất cả đều đang trong tư thế sẵn sàng phục vụ, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

“Đâu cần TN có, việc gì khó có TN”. Các chàng trai, cô gái của chúng ta đã mạnh mẽ lên đường, đáp lời Tổ quốc lúc gian nan, dẫu biết công việc có thể vất vả và nhiều nguy hiểm./.

Các bạn đã gác lại công việc, gia đình, tình nguyện đến hỗ trợ tâm dịch. Chúng tôi rất quý! Đặc biệt là các bạn trưởng nhóm, bên cạnh kết nối, điều phối tình nguyện viên, còn trực tiếp đứng chốt “khó nhằn” nhất tại xã Phước Lý. Chốt giữa đồng, giáp ranh TP.HCM, chịu mưa, chịu nắng và cả những lời nặng nhẹ của người dân,... nhưng sau tất cả, các bạn vẫn làm tốt nhiệm vụ. Tất cả mọi người cùng chung tay, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Những lúc này mới thấy hết nghĩa đồng bào và tin rằng không xa nữa, chúng ta sẽ dập tắt được dịch Covid-19”.

Quyền Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương

Trà Long - Quế Lâm

Chia sẻ bài viết