Tiếng Việt | English

20/08/2021 - 09:39

Hoa hồng tháng bảy

1. Mùa gặt năm đó, khi cái thai cuối kỳ oằn thấp, dù chân bước cấn bụng nhưng mẹ vẫn quảy gánh ra đồng, trước là thăm đám ruộng để thuê người cắt, sau tranh thủ xin gánh rơm cho bò. “Trước khi nằm hóc, thêm được nắm rơm nào đỡ nắm nấy” - mẹ nói vậy. Bạn sẽ hỏi ba tôi đâu mà để mẹ gần tới ngày sinh nở phải bươn bả ra đồng? Không biết lý do gì, từ lúc mẹ mang thai tôi cũng là lúc ba vắng nhà. Mãi đến khi tôi biết nói, ba mới về. Một phụ nữ với đồng ruộng, bò bê và mấy đứa con nheo nhóc, lại phải vượt cạn một mình, mẹ đã cực nhọc, tảo tần suốt những tháng ngày còn trẻ.

Vác cái bụng lặc lè ra đồng, gánh rơm tươi ngày thường với mẹ nhẹ tênh, vậy mà hôm nay, mẹ phải bám chân, nặng nề bước từng bước một để gánh về. Đi được nửa đường, bụng co lên từng hồi đau quặn, mẹ lại đặt gánh xuống đứng thở. Bác Tám thấy vậy, bước lại đưa vai vào gánh đỡ rồi lầm bầm: “Sắp đẻ rồi còn ham làm chi vầy, coi chừng đẻ rớt ngoài đường bây giờ”.

Mẹ đau tới mức hết cười nổi, lặng thinh bước đi. Về tới nhà, mẹ ráng đi thẳng xuống bếp nấu ấm nước rồi nhờ cô Năm hàng xóm đi kêu giùm bà mụ. Mẹ gội đầu, tắm rửa xong thì vỡ ối. Nghe mẹ kể mà tôi kinh ngạc, cũng từng một lần vỡ ối nhưng nghe hành trình sinh nở của mẹ, thật khó tưởng tượng được sự kiên cường của người phụ nữ chân lấm tay bùn.

Sau này mẹ thường bảo tôi, khổ lúc còn nằm trong bụng là đủ rồi, ráng học để mai mốt không phải làm nông nuôi bò, sống khổ sở, trầy trật như mẹ. “Trầy trật như mẹ” là mồ côi từ lúc còn nằm trong bụng, lấy chồng cũng mồ côi, sinh mười đứa con và phải làm trụ cột gia đình. Cực nhọc lắm nhưng mẹ chủ trương đứa nào cũng phải đi học. Chỉ có học mới hết khổ.

2. Có lần đang ở nội trú học bài, nghe tin mẹ nhập viện, tôi hốt hoảng. Mẹ tôi xưa nay làm “lở núi lở non”, nhức đầu, sổ mũi hay đau vai, mỏi cổ chỉ ở nhà uống nước lá dân gian, bất quá thì ra tiệm mua thuốc chứ nhất định không chịu đi bệnh viện khám. Những đêm trở trời, mẹ ngồi đấm chân thùm thụp, tôi kêu đi khám bệnh nhưng mẹ cứ gạt phắt: “Già cả ai chẳng đau nhức, cơ thể người già thì trời trở, mình mẩy cũng trở theo chứ bệnh gì nghiêm trọng mà vào viện”.

Mẹ “gan thép” vậy mà giờ nhập viện chắc là bệnh nặng rồi. Tôi mếu máo, sấp ngửa chạy ào vô viện. Mẹ tôi nằm đó, còm cõi, võ vàng, thở yếu ớt. Căn bệnh xuất huyết đường ruột đã làm cơ thể người đàn bà lực điền suy sụp thê thảm. Thấy mẹ như vậy, nước mắt tôi chảy ròng…

Trên giường bệnh, mắt mẹ cứ lơ mơ rồi nhắm nghiền, người hầm hập sốt. Nằm mê man ba ngày hai đêm nhưng khi tỉnh dậy, lúc tự đi đứng được thì mẹ đuổi các con về hết. Mẹ bảo đang mùa cao điểm, đứa ở nhà không thể bỏ ruộng bỏ lúa, đứa đang học hành không được bỏ trường bỏ lớp. Làm nông thì ruộng vườn là tài sản lớn nhất, đi học thì chữ nghĩa phải đặt hàng đầu, mẹ tự lo liệu được.

3. Một đời gian nan vì con, các con trưởng thành, tóc mẹ cũng bạc xóa nhưng mẹ vẫn muốn bòn vườn kiếm tiền tự trang trải. Con cái bảo nghỉ dưỡng thì mẹ la, được chừng nào hay chừng nấy chứ đằng nào tuổi già mẹ không nằm xuống báo đời các con. Lúc nào cũng vậy, mẹ “sợ” nhất phải trở thành gánh nặng cho các con nên khi còn khỏe, mẹ chưa cho các con cơ hội để báo đáp.

Ca dao có câu:

Mẹ hiền như thể trăng sao

Một mai trăng lặn đất trời lung lay

Tôi hiểu ý của bài ca dao. Tôi đã đọc được ở đâu đó, có ai nói ngày buồn nhất của đời bạn sẽ là ngày bạn mất mẹ, hiểu điều đó nên tôi càng trân quý những phút giây còn mẹ cận kề, vì tôi biết dù có bứt hết lá rừng cũng không đếm hết công lao người mẹ.

Tháng bảy về, tháng bảy có Vu Lan, có ngày báo hiếu…

Vu Lan này, tôi sẽ làm như lâu nay vẫn làm, sẽ lại lên chùa cài vào ngực mình một bông hồng đỏ thắm, đỏ như tình mẹ bất diệt, để cầu mong mẹ khỏe mạnh sống đời với các con./.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích