Tiếng Việt | English

17/04/2016 - 14:43

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Long An: Chung sức vì nhân đạo xã hội

Sau 40 năm hình thành và phát triển, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Long An ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo của tỉnh. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh - Bác sĩ Hồ Văn Cưng về những kết quả nổi bật trong thời gian qua cùng những mong muốn, định hướng trong xây dựng và phát triển hội trong thời gian tới.

° PV: Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Hội CTĐ tỉnh (15-4-1976 - 15-4-2016), ông có thể chia sẻ sơ lược về quá trình thành lập và phát triển của hội?

Bác sĩ Hồ Văn Cưng: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Hội CTĐ Long An được thành lập, đặt trụ sở tại số 3, đường Võ Công Tồn, phường 1, thị xã Tân An (nay là TP.Tân An).

Thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh thường xuyên kiện toàn, củng cố ban chấp hành ở các ấp, khu phố, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học với các chức năng chính là cứu trợ, trợ giúp xã hội, khám, chữa bệnh nhân đạo, bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/đioxin theo tinh thần 7 nguyên tắc của Phong trào CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế.

Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước đáp ứng nhu cầu điều trị và cấp cứu bệnh nhân

° PV: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của Hội CTĐ Long An trong 40 năm qua?

Bác sĩ Hồ Văn Cưng: Qua 40 năm hình thành và phát triển với 5 lần đại hội, đến nay, Hội CTĐ có hơn 75.000 hội viên. Hằng năm, hội huy động sự tài trợ từ các mạnh thường quân, năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2015, đạt hơn 102 tỉ đồng.

Ngoài ra, hội còn thực hiện tốt công tác liên tịch với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức tôn giáo trong tỉnh để triển khai công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, vận động hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, chương trình “Vượt qua hiểm nghèo” có sức lan tỏa lớn, giúp những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, hội còn vận động các mạnh thường quân tài trợ vốn thực hiện các công trình phúc lợi ở địa phương như: Xây dựng nhà tình thương, cầu, đường giao thông nông thôn.

Đặc biệt, hội luôn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, chính phủ, Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tài trợ các dự án như: Dự án 105 căn nhà chống lũ tại xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh và xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa; Dự án chăm sóc sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh tay-chân-miệng tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc;…

° PV: Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đó, hội có những giải pháp nào, thưa ông?

Bác sĩ Hồ Văn Cưng: Để hoạt động hội và phong trào CTĐ đi vào chiều sâu, hội thường xuyên quán triệt, triển khai Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8-6-2010 của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam” nhằm từng bước nâng cao vị thế của hội trong xã hội.

Tiếp tục kiện toàn các ban chỉ đạo cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện,... Trong năm 2016, Hội CTĐ tỉnh tiến hành đại hội từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, tập trung triển khai công tác phát triển hội viên để tổ chức hội ngày càng lớn mạnh.

° PV: Xin cảm ơn ông!./. 

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết