Tiếng Việt | English

24/08/2024 - 09:20

Hồi ức của Nguyễn Thúy Dung trong “Có những ngày như thế”

Nhận được tập tản văn - truyện ngắn Có những ngày như thế của Nguyễn Thúy Dung, tôi đọc liền một mạch. Tập sách nhỏ nhắn, dày 138 trang, in đẹp và trang nhã, bìa sách là hình ảnh của tác giả thời còn là nữ sinh trong tà áo dài trắng thướt tha đứng trước sân trường đang vào mùa phượng vĩ. Quyển sách được chia làm hai phần: Tản văn, tạp bút và Truyện ngắn. Đọc đến trang cuối cùng, ấn tượng đọng lại trong tôi là một lối văn nhẹ nhàng, chậm rãi, nữ tính. Mỗi trang văn là một hồi ức đẹp của Nguyễn Thúy Dung về bản thân ở những chặng đường khác nhau trong cuộc đời, về bạn bè, quê hương, về Cần Thơ - nơi Nguyễn Thúy Dung đã gắn bó từ những ngày xưa ấy!

Có những ngày như thế - nhan đề gợi lên trong tôi nhiều liên tưởng. Tôi mang sự tò mò về “những ngày” mà chị nhắc đến trong tập sách là thời điểm nào và những ngày ấy ra sao từ khi giở trang sách đầu tiên: Tôi vào Đại học. Và rồi, đến khi khép lại cuốn sách, tôi đã hiểu đó là những ngày tuổi trẻ của Nguyễn Thúy Dung đã khắc vào miền ký ức với những kỷ niệm không thể phai mờ. Đó là những ngày tuyệt vời nhất, vui vẻ và trong xanh nhất trong cuộc đời của chị mà khi qua rồi sẽ chẳng bao giờ quay trở lại một lần nào nữa.

Đọc Có những ngày như thế của Nguyễn Thúy Dung, tôi hiểu thêm phần nào về con người và cuộc đời của chị - dù tôi chưa có dịp tiếp xúc hay trò chuyện với chị nhiều. Vì những bận rộn trong cuộc sống thường nhật, Nguyễn Thúy Dung đã chọn cách trò chuyện, tâm tình với độc giả (và cũng là tâm tình với chính mình) bằng văn chương. Văn Nguyễn Thúy Dung không cầu kỳ, gọt giũa, mọi câu chữ cứ tràn ra tự nhiên, vô thức như thể chị đang thực sự sống lại những ngày thanh xuân, thuở thiếu thời, trong không gian của Tây Đô hoa lệ - “thủ phủ” của miền Tây ngày ấy để kể cho độc giả nghe về “những ngày như thế”. Đó là những ngày chị vào đại học, kỷ niệm học văn dưới mái trường Phổ thông trung học Bùi Hữu Nghĩa, những kỷ niệm đẹp và thánh thiện của tuổi học trò như trao nhau những lá thư tay,... Có lẽ, Nguyễn Thúy Dung đã nói thay tiếng lòng của bao người, bởi khi đi qua quãng thời gian học dưới mái trường, trong trái tim của bất kỳ ai cũng nương náu nhiều kỷ niệm. Khi đọc tản văn, tạp bút của Nguyễn Thúy Dung, tôi phần nào thấy được tuổi trẻ của mình, thấy đâu đó bóng dáng của chính mình trong trang viết của chị.

Gắn bó với Cần Thơ từ khi còn tấm bé, lớn lên, Nguyễn Thúy Dung vẫn âm thầm sống và viết trên mảnh đất Cần Thơ dung dị, nghĩa tình. Sống qua những năm tháng thăng trầm, những giai đoạn khác nhau của thành phố, nữ nhà văn đã cất giữ trong lòng những hình ảnh về Cần Thơ mà chị yêu đắm say. Đọc Có những ngày như thế, không gian Cần Thơ xưa và nay như dần hiện ra trước mắt tôi qua những hồi ức chập chờn nhưng cụ thể, trọn vẹn của tác giả. Trường Trung học Nông nghiệp (trước năm 1975 gọi là Trường Canh nông thực hành), ngôi nhà tập thể rộn rã tiếng nói cười, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Cần Thơ, những con hẻm nhỏ của TP.Cần Thơ trước năm 2000, dòng sông Hậu êm đềm xuôi chảy,... - tất cả đã di trú vào tâm hồn Nguyễn Thúy Dung. Bằng tình yêu thiết tha dành cho quê hương máu thịt, Nguyễn Thúy Dung kể lại những chặng đường đã qua của thành phố mình bằng lối văn đầy cảm xúc, duyên dáng và thấm đẫm tinh thần nhân văn.

Có những ngày như thế mang dáng dấp của một quyển hồi ký, bởi Nguyễn Thúy Dung đã ghi lại chân thật những năm tháng đã qua của mình, của thành phố. Để có được 138 trang viết ấy, Nguyễn Thúy Dung đã phải đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, phải “lăn lóc” với đời để thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và trân quý. Trong thời buổi hiện đại hôm nay, những trang viết mang màu sắc của quá khứ, của ký ức trong Có những ngày như thế thật đáng quý biết bao!

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết