Tiếng Việt | English

12/04/2020 - 08:33

Hợp tác quốc tế chống Covid-19: Việt Nam sẵn sàng chia sẻ nguồn lực

Việt Nam đã giúp đỡ nhiều nước khác, ngược lại chúng ta cũng nhận nhiều nguồn lực của các nước khác.

Đoàn kết chống dịch Covid-19 là thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Hội nghị trực tuyến các bộ trưởng y tế khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới vào ngày 8/4 vừa qua. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia trên thế giới sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch. 

Phóng viên VOV trao đổi cùng nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh về tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế của nước ta, nhằm đánh bại đại dịch Covid-19.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh

PV: Thưa ông, đại dịch Covid-19 đang bùng phát dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Với tốc độ lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát của dịch bệnh, thế giới nhận ra một thực tế không thể mạnh ai nấy lo trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông nhận định thế nào về tầm quan trọng của việc hợp tác và đoàn kết quốc tế trong bối cảnh này?

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi nhất trí với đánh giá vừa rồi, đặc biệt đại dịch Covid-19 cho thấy tính chất của nó là chưa từng thấy, không biên giới với tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm kinh khủng như vậy. Chúng ta cũng đã chứng kiến cả nước giàu, cũng như nước nghèo đều đã chịu tác động rất nguy hiểm của đại dịch này. 

Thế cho nên không một quốc gia nào có thể vượt qua được khi tự mình giải quyết câu chuyện này, mà chỉ có thể bằng năng lực của quốc gia cộng với hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế bao gồm: minh bạch và chia sẻ thông tin; chia sẻ kinh nghiệm; chia sẻ các nghiên cứu và kỹ thuật khoa học; giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực bao gồm cả vật liệu và trang thiết bị y tế.

Tôi muốn nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng y tế lần này còn cho thấy hơn bao giờ hết các quốc gia cần phải gạt bỏ những khác biệt, những bất đồng. Việc chính trị hóa hay đổ lỗi cho nhau vào lúc này không có tác dụng thúc đẩy cho việc chiến đấu với kẻ thù chung là Covid-19. Chính vì vậy hơn bao giờ hết cần phải đoàn kết, cùng hợp tác và chia sẻ với nhau.

PV: Cũng với tinh thần đó, vừa qua, Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với các nước chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo ông, các hành động này có ý nghĩa thế nào đối với việc khẳng định năng lực, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế?

Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm kép, năng lực kép của Việt Nam. Đầu tiên là chúng ta đã rất quyết liệt và hành động rất cao trong trách nhiệm quốc gia là phòng chống dịch bệnh ngay trong chính nước ta từ rất sớm; chúng ta đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, với các quốc gia ở trong và ngoài khu vực trong việc kiểm soát dịch bệnh trong năng lực của mình, chúng ta đã giúp đỡ nhiều nước khác, ngược lại chúng ta cũng nhận nhiều nguồn lực của các nước khác. Điều đó cho thấy hợp tác là rất quan trọng, nó thể hiện cả năng lực của Việt Nam tham gia trong hội nhập và hỗ trợ quốc tế cũng như năng lực phát triển của quốc gia. 

PV: Trong thông điệp gửi tới Hội nghị trực tuyến các bộ trưởng y tế khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới vào ngày 8/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 đối với công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo ông, thời gian tới, chúng ta có thể thúc đẩy các cơ chế phối hợp thế nào để đóng góp tích cực hơn vào cuộc chiến chống Covid-19 trong khu vực cũng như toàn cầu?

Ông Phạm Quang Vinh: Với tư cách Chủ tịch ASEAN, ngay từ những ngày đầu, chúng ta đã rất chủ động trong việc chia sẻ thông tin dịch bệnh trong ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách Chủ tịch ASEAN đã gửi đi thông điệp; chúng ta cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến; Thủ tướng đã gọi điện không chỉ trong các nước ASEAN mà cả các đối tác của ASEAN chia sẻ kinh nghiệm, thông tin phối hợp với nhau.

Câu chuyện ở đây cho thấy, ASEAN sẽ phải tiếp tục nhân lên những kết quả trong hợp tác ứng phó với các thảm họa thiên tai, trong đó có dịch bệnh; Làm sao cho các hoạt động của ASEAN dù có dịch thì vẫn phải tiếp tục một số chương trình ưu tiên nhất trong nghị sự của ASEAN về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực này. Đây là những câu chuyện rất lớn của ASEAN sắp tới và hiện tại.

PV: Từ câu chuyện các nước cần bắt tay nhau trong bối cảnh dịch bệnh, hơn lúc nào hết cần nhận thức rõ ý nghĩa của ngoại giao y tế. Theo ông, điều này gợi mở những gì cho ngoại giao Việt Nam?

Ông Phạm Quang Vinh: Trên thực tế, vấn đề sức khỏe toàn cầu, vấn đề hợp tác y tế lâu nay đã nằm trong chương trình nghị sự của ngoại giao khu vực và quốc tế. Nhưng đại dịch lần này cho thấy chúng ta còn rất nhiều lỗ hổng vì vậy cần phải là một bộ phận khăng khít hơn nữa trong ngoại giao sắp tới của cả khu vực và thế giới. Đối với Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục là một bộ phận trong ngành ngoại giao chung của các bộ ngành và cả đất nước trong chia sẻ với quốc tế, từ chia sẻ kinh nghiệm của mình, nắm thêm kinh nghiệm của các nước, chúng ta phải thiết lập nên những cơ chế có thể đoàn kết, hợp tác được với nhau, đặc biệt là có những kế hoạch về ứng phó, dự phòng và khẩn cấp trong tình huống như dịch bệnh đang xảy ra. Đây là câu chuyện rất quan trọng. Tôi tin rằng ngoại giao y tế sẽ là một bộ phận khăng khít của ngoại giao Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết