Tiếng Việt | English

22/10/2024 - 17:55

Hướng đến chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, thời gian qua, UBND tỉnh Long An tập trung chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh có vai trò quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh

Hướng đến chính quyền số

Từ đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CĐS và các bộ, ngành Trung ương về các nội dung như tập trung thực hiện công tác CĐS và lộ trình tắt sóng di động 2G trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai Đề án 06; triển khai Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; đẩy mạnh thương mại điện tử; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt;...

Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, tỉnh duy trì vận hành, phát huy tốt hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và tích cực phối hợp các bộ, ngành triển khai các giải pháp kết nối, liên thông dữ liệu giữa bộ, ngành với địa phương. Đến nay, tỉnh kết nối với 19/23 cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin của bộ, ngành có kết nối, chia sẻ dữ liệu qua hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, các dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu chủ yếu được kết nối vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; kho cơ sở dữ liệu dùng chung; ứng dụng Long An Số; ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Long An IOC; hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức; ISO điện tử; cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh; cơ sở dữ liệu nông nghiệp và phát triển nông thôn;... góp phần phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước, vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và cung cấp thông tin, dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 19/19 sở, ngành, 2 cơ quan ngành dọc, 15/15 trung tâm Hành chính công cấp huyện, 188/188 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng; cung cấp thông tin tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua Cổng dịch vụ công, Zalo, ứng dụng Long An Số,... Qua đó, hồ sơ giải quyết đúng hạn công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 99,9%, tăng 0,2% so cùng kỳ năm 2023.

Trên tinh thần CĐS và giúp người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, Huyện Đoàn Tân Thạnh thường xuyên tổ chức ra quân hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số tại các xã, thị trấn; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân và thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử; hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt VNeID và định danh mức độ 2; hướng dẫn cài đặt ứng dụng Long An Số; hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt chữ ký số miễn phí;...

Bí thư Huyện Đoàn Tân Thạnh - Bùi Thị Thúy An cho biết, đây là hoạt động thiết thực, qua đó phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tổ chức Đoàn trong thực hiện CĐS; nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và người dân về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của CĐS trong học tập, lao động, đời sống và sự phát triển KT-XH.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi thông tin: "Thời gian qua, tỉnh triển khai mỗi ấp, khu phố thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 996 tổ với hơn 5.500 thành viên, kết hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên tổ chức các hoạt động ra quân hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số thiết yếu. Cùng với đó, phối hợp các ngành tham mưu ban hành nhiều văn bản, chính sách để khuyến khích và thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính nộp trực tuyến ngày càng tăng cao qua các năm".

Mở rộng dịch vụ và tiện ích thông minh

Hiện nay, ứng dụng di động Long An Số, mini app Long An Số trên nền tảng Zalo cũng được triển khai rộng rãi đến với người dân. Đây là kênh tương tác 2 chiều giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số và phát triển xã hội số của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 383.000 lượt người dùng quan tâm cài đặt, sử dụng app Long An Số. Hệ thống 1022 giúp người dân có thể gửi các kiến nghị đến cơ quan nhà nước qua trang web http://1022.longan.gov.vn và Tổng đài 1022. Đây là công cụ quan trọng giúp các cơ quan chính quyền kịp thời lắng nghe, giải quyết phản ánh của người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển trụ cột xã hội số.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ hơn 2,5 triệu tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho 21 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 219 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh; hỗ trợ đưa 63 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam (https://buudien.vn).

Giao diện website Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh do Sở Công Thương quản lý

Sở Công Thương phối hợp Trung tâm Phát triển thương mại điện tử duy trì phần mềm Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh (https://truyxuatnguongoc longan.gov.vn) và hiện có 23 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia, xác nhận mã cho 47 sản phẩm.

Ngoài ra, Sở cũng phối hợp các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh (Viettel, VNPT,...) triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 279 cửa hàng tiện ích, 41 chợ trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với dịch vụ giám sát an ninh, trật tự đô thị, tỉnh đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả hệ thống camera giám sát thông minh (gồm 121 bộ camera tại TP.Tân An và 174 bộ camera lắp tại các cửa ngõ, tuyến đường trọng yếu của tỉnh) phục vụ xử phạt vi phạm về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Đồng bộ 3 trụ cột

Thông tin từ Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong tất cả lĩnh vực KT-XH; xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và xây dựng đô thị thông minh.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về CĐS; phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt CĐS, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, sử dụng tối ưu các nền tảng số giải quyết hiệu quả các vấn đề KT-XH của tỉnh; phát triển kinh tế số, từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số, góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng định hướng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cũng tập trung các giải pháp phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho cộng đồng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết