Tiếng Việt | English

09/02/2016 - 10:08

Huy động mọi nguồn lực đầu tư các chương trình đột phá, công trình trọng điểm

Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm. Việc huy động mọi nguồn lực để thực hiện 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Dự kiến tổng nhu cầu vốn để đầu tư thực hiện 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 12.000-13.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở định hướng, các mục tiêu đề ra của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tiếp tục phát huy những thành tựa trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá: Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh 830 (Đức Hòa-Tân Tập), đường Vành đai TP.Tân An (bao gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây), trục hạ tầng giao thông-đô thị kết nối với TP.HCM. Để triển khai khả thi và hiệu quả 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm, Long An đang xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện, trong đó, xác định rõ lộ trình, cơ chế đầu tư,...; đặc biệt chú trọng việc huy động các nguồn lực đầu tư các chương trình đột phá, công trình trọng điểm và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2015-2020.

Việc huy động mọi nguồn lực thực hiện 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện định hướng phát triển các vùng kinh tế mà Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm trên trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 12.000-13.000 tỉ đồng (bình quân mỗi năm, nhu cầu vốn khoảng 2.400-2.600 tỉ đồng), trong đó: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 4.200 tỉ đồng, chiếm 34%; nguồn vốn ngoài ngân sách cần huy động khoảng 8.300 tỉ đồng, chiếm 66%.

Tập trung triển khai thực hiện chương trình đột phá và công trình trọng điểm nhằm sớm phát huy tác dụng tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là thúc đẩy phát triển công nghiệp, hỗ trợ phát triển thương mại-dịch vụ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, ngay từ kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016, tỉnh dự kiến phân bổ tập trung vốn ngân sách khoảng 1.100 tỉ đồng để đầu tư thực hiện; đồng thời, xác định lộ trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng 3 công trình trọng điểm và các công trình trong chương trình đột phá trước năm 2020.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, bên cạnh việc nỗ lực, phấn đấu tăng thu và cơ cấu lại chi ngân sách nhằm tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm và chương trình đột phá, tỉnh sẽ chuẩn bị dự án khả thi cho các công trình trọng điểm và chương trình đột phá, chứng minh sự tác động lan tỏa đến việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng, khu vực để thuyết phục và tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương.

Hiện đại hóa sản xuất công nghiệp Ảnh: HữU LÝ

Ngoài ra, do nguồn vốn ngân sách giới hạn nhưng nhu cầu đầu tư lớn thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách rất quan trọng; đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước phục hồi chậm thì Long An cần phải hết sức nỗ lực mới đạt mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư các công trình trọng điểm và chương trình đột phá. Việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút nguồn lực cho đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thông qua các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư bằng những cam kết cụ thể của chính quyền địa phương, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Long An.

Với quan điểm, vốn đầu tư của Nhà nước là nguồn vốn “mồi” nhằm huy động các nguồn tài chính của các thành phần kinh tế cùng tham gia, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế-kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất. Vì vậy, khi phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách, trước hết phải ưu tiên bố trí cho các dự án công trình trọng điểm với cơ chế đầu tư hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư; ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, cảng.

Tóm lại, việc huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện các công trình trọng điểm, chương trình đột phá được xem là nhiệm vụ rất quan trọng và không ít khó khăn trong nhiệm kỳ 2015-2020. Ngoài việc phân bổ vốn ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 công trình trọng điểm, 2 chương trình đột phá thì cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách để thực hiện; đặc biệt, rất cần sự thống nhất, đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, điều này sẽ góp phần thực hiện thành công các chương trình đột phá và công trình trọng điểm, tạo tiền đề để tiếp tục đưa Long An đạt nhiều thành tựu kinh tế-xã hội to lớn hơn trong tương lai gần./.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Lâm

Chia sẻ bài viết