Tiếng Việt | English

28/12/2022 - 12:40

Kẹo khóm tết vào mùa  

Những ngày này, xưởng kẹo khóm ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An nhộn nhịp hơn. Xưởng được đầu tư máy trộn, cán, cắt, đóng gói tự động với chi phí hơn 250 triệu đồng, có thể sản xuất 40kg kẹo mỗi ngày.

Chị Trần Thị Kim Thoa tất bật làm kẹo khóm những ngày giáp tết

Xưởng sản xuất kẹo khóm của chị Trần Thị Kim Thoa (43 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Tây) nằm giữa vùng chuyên canh khóm 460ha của huyện Thạnh Hóa. Chủ xưởng cho biết, gia đình trồng 2ha khóm hơn 10 năm nay. Sau mỗi đợt thu hoạch bán cho thương lái, chị Kim Thoa thường lựa những trái ngon làm kẹo theo cách thủ công để gia đình dùng vào các dịp đám tiệc, lễ, tết. Nhiều người ăn thử khen ngon nên chị bàn với chồng mở xưởng sản xuất kẹo. Để giảm chi phí thuê nhân công, vợ chồng chị đến các xưởng tại TP.HCM đặt mua hệ thống máy trộn, cán, cắt cùng máy đóng gói tự động chạy bằng điện, tổng chi phí hơn 250 triệu đồng.

Theo chị Kim Thoa, làm kẹo khóm không quá phức tạp nhưng trải qua nhiều công đoạn, đặc biệt, thợ phải nhanh tay vì kẹo dễ đông cứng sau khi đưa ra khỏi máy trộn. Khóm làm kẹo là những trái không quá chín, được gọt bỏ vỏ. Sau khi thái mỏng, trộn tỷ lệ 1kg khóm với 300gr đường, rồi cho hỗn hợp vào máy đảo đều, sên đến khi vàng.

Tiếp theo, mẻ kẹo được trộn đậu phộng rang theo tỷ lệ tùy thích, sau đó đổ ra bàn, cán mỏng khoảng 1cm. Sau khi rắc mè 2 mặt, mẻ kẹo để khoảng 2 giờ cho nguội, sau đó được cắt thành từng mảng nhỏ, cho vào máy cán làm mỏng thêm một lần nữa. Mẻ kẹo tiếp tục được đưa đến hệ thống máy cắt thành viên. Ở công đoạn cuối, thợ sẽ xếp các viên kẹo vào các rãnh cố định trên băng tải, sau đó qua hệ thống đóng gói thành phẩm. Bình quân, mỗi phút, máy có thể sản xuất từ 50-150 viên kẹo và chỉ cần 1 người vận hành. Kẹo khóm sau đóng gói có hạn sử dụng 4 tháng. Do mới hoạt động trong thời gian ngắn nên sản phẩm chủ yếu giao cho các mối quen tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Chị Kim Thoa chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày, xưởng có thể sản xuất tối đa 40kg kẹo, bán với giá 100.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi lãi khoảng 10.000 đồng/kg”. Chị Kim Thoa còn cho biết, hiện có đơn đặt hàng khoảng vài trăm kilôgam kẹo dịp tết. Những khi có đơn hàng lớn, chị thuê thêm nhân công tại địa phương.

Tân Tây có diện tích trồng khóm lớn nhất huyện Thạnh Hóa

Thạnh Hóa là một trong các địa phương có diện tích chuyên canh khóm lớn của tỉnh. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Cây khóm được trồng tại địa phương hơn 10 năm nay do thích hợp với đất nhiễm phèn nặng. Xã Tân Tây có 350ha khóm chuyên canh, là địa phương có diện tích trồng khóm lớn nhất huyện. Bình quân 1,5 tháng, nông dân thu hoạch 1 lần, bán với giá 8.000-9.000 đồng/kg. Mỗi hécta khóm, nông dân thu lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng/năm. Hiện đầu ra của khóm còn hạn chế, chủ yếu bán cho các vựa tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

“Kẹo khóm Tân Tây được huyện công nhận là sản phẩm OCOP, đang tiếp tục chờ tỉnh thẩm định. Đây là mô hình mới nhằm tăng giá trị cho cây khóm, giúp nông dân có thêm đầu ra cho nông sản” - ông Nguyễn Kinh Kha nói./.

Thanh Nga - Thường Sơn

Chia sẻ bài viết


Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu