Cổng vào nhà cổ Bình Thủy. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“L’amant,” câu chuyện tình giữa thiếu nữ Pháp với người đàn ông Hoa giàu có, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ định mệnh trên chuyến phà Vĩnh Long-Sa Đéc, cũng giống như chuyện tình có thật của nhà văn Marguerite Duras (tác giả cuốn tiểu thuyết “Người tình” được chuyển thể) và đức ông Huỳnh Thủy Lê - một đại điền chủ lương thiện tại Sa Đéc.
Trớ trêu là cả hai gia đình phát hiện ra mối quan hệ này và đã quyết liệt ngăn cấm. Biết không thể chống lại định kiến từ phía hai gia đình, chàng trai phải cưới người đồng hương do ba mẹ sắp đặt, còn cô gái trẻ quay trở lại quê hương.
Một thập kỷ trôi qua, anh qua Pháp và muốn gặp lại người cũ, lúc này đã là nhà văn nổi tiếng. Họ chợt nhận ra rằng vẫn còn yêu nhau say đắm sau chừng ấy thời gian và xa cách…
Và giờ đây, đứng giữa không gian diễn ra câu chuyện tình ấy là một cảm giác bâng khuâng khó tả, vừa thích thú vừa tò mò. Bởi, nơi này còn là sự giao thoa giữa kiến trúc và hai nền văn hóa Đông-Tây, nơi đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử gần 150 năm của dòng họ Dương, chứng kiến bao hỉ, nộ, ái, ố của đời người.
Bút tích của đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud để lại trong ngôi nhà cổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Vì thế, trên hành trình về với Tây Đô, ngoài những bến Ninh Kiều, nhà lồng cổ, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, các nhà vườn… nhà thờ họ Dương (còn gọi nhà cổ Bình Thủy hay vườn lan Bình Thủy) - nét đẹp độc đáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long - là điểm đến không nên bỏ qua.
Cũng bởi, đây là ngôi nhà hiếm hoi được xây dựng theo lối kiến trúc Art Nouveau (tân nghệ thuật) Pháp, thịnh hành vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn sót lại ở Nam Bộ.
Những món đồ cổ quý giá được con cháu dòng họ Dương lưu giữ vô cùng cẩn thận, nên trải qua gần 150 năm, ngôi nhà rộng 352m2 trên nền khu đất vườn rộng 6.000m2 hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Tọa lạc tại số 26/1 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ, ông Dương Chấn Kỷ (đời thứ 4 gia tộc họ Dương), một trí thức có gu mỹ thuật tinh tế và "chịu chơi" đã xây dựng ngôi nhà từ năm 1870. Ông cũng là người thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc.
Tiền thân ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ, nhưng khi trùng tu, chủ nhân nhận thấy nếu chỉ dựng gỗ sẽ dễ bị mối mọt nên đã xây bêtông bao bên ngoài.
Các thế hệ hậu duệ dòng họ Dương cho biết, nền nhà được làm cao hơn mặt sân 1 mét, dưới lớp gạch có gia cố khoảng một tấc muối hột nhằm chống mối mọt, chống các loại côn trùng. Có lẽ, kỹ thuật đặc biệt này đã góp phần giữ cho không gian nhà luôn mát mẻ dễ chịu, dù ngoài trời đang hầm hập nóng bức.
Sập gụ có tuổi đời trăm năm được khảm trai tinh xảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đặc biệt, là thương gia giàu có nên toàn bộ đồ trang trí, vật liệu xây dựng nhà được ông Dương Chấn Kỷ đặt mua trực tiếp từ Pháp. Kiến trúc Tây phương in dấu đậm nét từ cột hoa cúc đắp nổi cách điệu có dây nho hoa lá quấn xung quanh, cổng vòm, cửa gỗ lá sắt, gạch lát nền, lavabo (chậu rửa) sứ men lam, đến hệ thống đèn trang trí…
Riêng bộ trường kỷ đóng theo kiểu Louis thứ XV. Theo đánh giá của các chuyên gia đây là bộ khảm tốt nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiến trúc phương Đông cũng nổi bật với ba bộ bàn ghế cổ hơn trăm tuổi bằng gỗ quý và một chiếc sập gụ được khảm trai tinh xảo cùng những đường nét trạm trổ mềm mại.
Ngăn cách giữa nhà trước với nhà giữa là hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác hoàn toàn bằng gỗ nguyên khối. Trên hệ thống này là các hoa văn gần gũi với đời sống văn hóa và tinh thần của cộng đồng người Việt ở Nam bộ như mai, lan, cúc, trúc, gà, tôm, cua, thỏ. Ba gian trong được dùng làm nơi thờ tự, hiện còn các bàn hương án, khán thờ, liễn đối đều bằng gỗ khảm xà cừ.
Thuyết minh viên Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, ban thờ gia tộc họ Dương ở gian giữa được sơn son thếp vàng trên gỗ quý căm xe và cà chất. Tấm gương trước ban thờ được làm với ý nghĩa phản chiếu, soi rọi để nhắc nhở con cháu dòng họ Dương phải luôn sống trong sạch, thanh tịnh. Đến nay, gia tộc họ Dương đã có 8 thế hệ.
Gian chính giữa. (Ảnh:PV/Vietnam+)
Và dẫu trải qua hai cuộc kháng chiến, nhưng nhà thờ họ Dương vẫn vững chãi và được gìn giữ nguyên vẹn đến tận ngày nay.
Chính vì những nét đẹp hiếm có mà ngôi nhà này đã được rất nhiều đoàn làm phim chọn làm bối cảnh, như: “Người đẹp Tây Đô,” “Công tử Bạc Liêu,” “Chân trời nơi ấy,” “Cây tre trăm đốt”…
Đặc biệt, năm 1990, ngôi nhà được đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud chọn làm bối cảnh thay thế cho ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc trong bộ phim nổi tiếng “L’amant” (Người tình).
Với những giá trị độc đáo về kiến trúc và văn hóa như vậy, năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng nhà cổ Bình Thủy là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Dù việc xây dựng chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây, nhưng nơi này vẫn không bị mất đi nét truyền thống dân tộc.
Hiện ngôi nhà được người cháu dâu đời thứ sáu của dòng họ Dương, bà Ngô Thị Ngọc Liên cai quản và trực tiếp chăm sóc./.
TTXVN