Tiếng Việt | English

01/07/2015 - 15:39

Khẳng định cam kết của Việt Nam với hợp tác Mekong-Nhật Bản

 

Các phương tiện lưu thông trên tuyến Đại lộ Đông Tây, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Như Báo Long An đã đưa tin, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 2-4/7.

Bắt đầu từ Hội nghị cấp cao ASEAN 12 tại Philippines vào tháng 1 năm 2007, Nhật Bản đưa ra Chương trình quan hệ đối tác Nhật Bản-Mekong, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên gồm Hội nhập kinh tế tiểu vùng (cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết khu vực...; mở rộng thương mại-đầu tư giữa Nhật Bản với khu vực Mekong; theo đuổi các giá trị phổ cập và mục tiêu chung của khu vực (xóa đói giảm nghèo, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường...).

Để thúc đẩy khuôn khổ hợp tác này, Nhật Bản đã đề xuất 4 “sáng kiến” triển khai trong giai đoạn 2007-2009 bao gồm tăng ODA cho khu vực Mekong. Nhật Bản xác định khu vực Mekong là khu vực ưu tiên và sẽ tăng ODA cho từng nước CLV (Campuchia-Lào-Việt Nam) cũng như cả khu vực trong 3 năm.

Trong khoản hỗ trợ mới 52 triệu USD cho thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản, Nhật Bản hỗ trợ gần 40 triệu USD cho các nước CLMV (Campuchia-Lào-Myanmar -Việt Nam), trong đó gần 20 triệu USD hỗ trợ Tam giác phát triển CLV; xúc tiến đàm phán các hiệp định đầu tư song phương với Lào, Campuchia; tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Nhật Bản-Mekong vào tháng 1/2008 tại Tokyo; tổ chức năm giao lưu Mekong-Nhật Bản 2009.

Cho tới nay, Nhật Bản và các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 7 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao và 6 Hội nghị Cấp cao, trong đó đã đạt được một số thỏa thuận và triển khai cụ thể như Nhật Bản đã cam kết dành 20 triệu USD cho các nước CLMV để phát triển hạ tầng mềm Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Hành lang Thành phố Hồ Chí Minh-Phnom Penh-Bangkok.

Nhật Bản cam kết sẽ dành 500 tỷ yen viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho tiểu vùng Mekong trong giai đoạn 2009-2012; tăng cường ODA cho Việt Nam, Lào và Campuchia. Khoản tiền 500 tỷ yen này là khoản cộng dồn từ ODA song phương mà Nhật Bản dành cho các nước Mekong, không phải là khoản tiền mới.

Giai đoạn 2013-2015, Nhật Bản tiếp tục cam kết dành khoảng 600 tỷ yen ODA cho các nước Mekong để góp phần thực hiện Kế hoạch hành động cho giai đoạn này. Hội nghị SOM tại Lào năm 2008 đã thông qua kế hoạch triển khai khoản hỗ trợ này, theo đó Việt Nam có 2 dự án được chọn về thông quan tại cửa khẩu Lao Bảo và Mộc Bài, đồng thời hỗ trợ 2,3 triệu USD cho Việt Nam trong dự án thành lập Trung tâm đào tạo dịch vụ tiếp vận tiểu vùng Mekong.

Tại Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần 6 tại Myanmar gần đây, các bên đã nhất trí: Tăng cường kết nối khu vực Mekong, trong đó chú trọng phát triển các hành lang kinh tế và các tuyến đường mới gắn kết tiểu vùng Mekong với tiểu lục Ấn Độ và Nam Á; xây dựng “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” nhằm phát triển các chuỗi giá trị khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh giữa tiểu vùng Mekong và Nhật Bản; Hợp tác phát triển bền vững tiểu vùng Mekong thông qua thúc đẩy tăng trưởng cácbon thấp, chú trọng tính bền vững về môi trường và xã hội trong phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn điều kiện tự nhiên của tiểu vùng Mekong.

Trong các kỳ Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản đã có một số lĩnh vực hợp tác cụ thể như về kết nối cơ sở hạ tầng, tại cuộc họp SOM Mekong-Nhật Bản tại Indonesia, phía Nhật Bản trao cho các nước Mekong tài liệu “Tầm nhìn Nhật Bản nhằm hỗ trợ kết nối ASEAN” nhấn mạnh sự phát triển của Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, Hành lang kinh tế biển ASEAN.

Tài liệu thể hiện rõ mục tiêu của Nhật Bản trong việc xây dựng trục giao thông nối Nhật Bản qua khu vực Mekong tới Ấn Độ và Tây Á. Nhật Bản cũng đặc biệt quan tâm đến 9 dự án liên quan đến việc hình thành hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế phía Nam, trong đó có ba dự án liên quan trực tiếp đến Việt Nam là: Xây dựng đường sắt tuyến Phnom Penh-Snuol-Lộc Ninh-Thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội-sân bay Nội Bài và nâng cấp các cây cầu dọc tuyến đường quốc gia.

Ngoài ra, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế vào tháng 8 năm 2011, tại Indonesia, các nước nhấn mạnh một số kết quả của Chương trình hành động của “Sáng kiến hợp tác kinh tế và công nghiệp Mekong-Nhật Bản” như xây dựng Cảng Cái Mép-Thị Vải, cầu Neak Loeung và cầu Mekong thứ ba, đồng thời nhất trí về việc triển khai sáng kiến “Đường cao tốc vận chuyển hàng hóa châu Á” nhằm tạo thuận lợi cho thúc đẩy thương mại và tiếp vận trong tiểu vùng Mekong.

Về hợp tác môi trường, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần 3 tại Hà Nội, vào tháng 7 năm 2010, Nhật Bản đã trình bày cụ thể các nội dung chính của sáng kiến “Thập kỷ Mekong xanh” sau khi đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các nước Mekong. Sáng kiến tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý nguồn nước, ứng phó với thiên tai, cải thiện môi trường sống tại đô thị, nâng cao năng lực xây dựng chính sách, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tiếp đó, tại Hội nghị Cấp cao lần 2 vào tháng 10 năm 2010, tại Hà Nội, Nhật Bản đã đưa ra chương trình hành động cho sáng kiến này với các kế hoạch rất cụ thể.

Trên cơ sở sáng kiến này, Diễn đàn Mekong xanh đã được tổ chức nhằm thảo luận về các nội dung liên quan: Quản lý nguồn nước (lĩnh vực thảo luận chính); quản lý rừng bền vững; phòng chống thiên tai; cải thiện môi trường đô thị; bảo tồn đa dạng sinh học; và kiểm soát và cắt giảm khí thải nhà kính. Diễn đàn đã được tổ chức 3 lần tại Bangkok, Thái Lan.

Về tăng cường giao lưu giữa Nhật Bản và các nước Mekong, Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần 1 đã chọn năm 2009 là năm giao lưu Mekong-Nhật Bản. Trong năm 2009, nhiều hoạt động giao lưu về chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục giữa Nhật Bản và các nước Mekong đã diễn ra. Việt Nam đã đăng cai tổ chức “Những ngày du lịch văn hóa Mekong-Nhật Bản” vào tháng 12 năm 2009 tại Cần Thơ. Đến nay, Nhật Bản và các nước Mekong cũng triển khai chương trình giao lưu thanh niên Đông Á thế kỷ 21 (JENESYS 2.0).

Về hợp tác công tư, đến nay Nhật Bản và các nước Mekong đã 5 lần tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hợp tác công tư nhằm trao đổi các vấn đề như hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng (cứng và mềm), lưu thông phân phối và phát triển các ngành công nghiệp, chia sẻ thông tin về khu vực Mekong giữa khu vực công và tư. Việt Nam có dự án cảng Lạch Huyện, Hải Phòng, được coi là ví dụ thành công của mô hình hợp tác này.

Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 diễn ra trong bối cảnh hợp tác Mekong-Nhật Bản đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược Tokyo 2012.

Tại Việt Nam, nhiều dự án đã được triển khai như dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng; dự án Trung tâm đào tạo nghề Mekong-Nhật Bản tại Đại học Hàng hải; dự án hợp tác khu vực về Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan khu vực Mekong; các chương trình giao lưu nhân dân Mekong-Nhật Bản. Hội nghị Cấp cao lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm thống nhất định hướng cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018.

Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện; sự tin cậy chính trị ngày càng được tăng cường. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp có bước phát triển đột phá. Hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực ngày càng chặt chẽ.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn tới theo hướng hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội của tiểu vùng Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng; khẳng định cam kết và vai trò của Việt Nam đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản; củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước tiểu vùng Mekong; tăng cường sự tin cậy chính trị, đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết