Tiếng Việt | English

26/09/2023 - 16:58

Khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tại Bệnh viện Đa khoa Long An  

Chiều 26/9, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An cùng đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên có cuộc khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (BHYT, BHXH) tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Phó Giám đốc Sở Y tế - Bùi Quốc Dũng đến dự.

Đoàn đến khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa Long An

Thời gian qua, bệnh viện đã triển khai đến cán bộ, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc truyền thông người tham gia BHYT sử dụng căn cước công dân gắn chíp, VneID - tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và VssID để thay thế thẻ BHYT bằng giấy trong khám, chữa bệnh (KCB).

Bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện theo hướng quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, tất cả dữ liệu KCB của người bệnh có thẻ BHYT đều được liên thông với Cổng giám định dữ liệu KCB BHYT của BHXH Việt Nam; tích hợp và truy xuất dữ liệu toàn bộ thẻ BHYT bằng mã code QR; ứng dụng căn cước công dân làm mã định danh điện tử trong quản lý KCB; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt;…

Bệnh viện ký hợp đồng KCB BHYT đầy đủ với BHXH, khi bệnh viện phát sinh các nội dung liên quan về thanh toán BHYT, nhân lực KCB,… đều có ký phụ lục hợp đồng với BHXH theo đúng quy định. Từ ngày 01/01/2022 - 31/8/2023, bệnh viện tiếp nhận trên 590.400 lượt bệnh nhân KCB BHYT.

Bệnh viện Đa khoa Long An triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân có gắn chíp

Bên cạnh những thuận lợi, bệnh viện còn gặp khó khăn trong việc sử dụng căn cước công dân trong KCB BHYT. Đa phần thẻ căn cước công dân gắn chíp chưa cập nhật thông tin BHYT từ hệ thống Cổng giám định BHYT và bị sai thông tin, nhất là sai ngày, tháng, năm sinh nên bệnh nhân phải mất thời gian chờ đăng ký do phải điều chỉnh.

Khi hoàn tất quy trình KCB do sử dụng căn cước công dân, bệnh viện không giữ giấy tờ nào của bệnh nhân nên khi bệnh nhân bỏ về thì trên bảng kê sẽ không có chữ ký của bệnh nhân. Đồng nghĩa với việc bệnh viện phải mất chi phí KCB vì thiếu chữ ký của bệnh nhân.

Năm 2017, chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy đặt, máy mượn chưa có cơ sở thanh toán trên 13,5 tỉ đồng, đến nay bệnh viện chưa được thanh toán lại. Chi phí gây tê, gây mê tạm thời chưa thanh toán năm 2019 tại bệnh viện trên 1,6 tỉ đồng. Năm 2020, bệnh viện vượt tổng mức thanh toán trên 21,8 tỉ đồng.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Thị Song An chia sẻ những khó khăn của bệnh viện trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, BHXH.

Bà đề nghị, bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB; nâng cao chất lượng KCB, thái độ phục vụ bệnh nhân; có giải pháp giữ chân đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân;.../.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết