“Công tác kiểm tra được đặt đúng vị trí, vai trò của nó”
Đã thành thông lệ từ nhiệm kỳ khóa XII đến nay, các thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được ban hành gần như đều đặn hàng tháng. Trên 50 thông báo kết luận được ban hành ở nhiệm kỳ khóa XII và 23 thông báo kết luận kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay về xử lý kỷ luật và đề nghị xử lý kỷ luật sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các Ban cán sự Đảng, các cá nhân, đã được ban hành. Sau các thông báo kết luận, hàng nghìn tổ chức Đảng, đảng viên đã bị kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực.
Kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII
Tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Có được kết quả đó là sự vào cuộc của hàng chục đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tính riêng 9 tháng năm 2022, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 231 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật 8.926 đảng viên. Trong đó, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 5 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 28 đảng viên; 6 Ủy viên Trung ương bị thi hành kỷ luật, trong đó Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 3 người, Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo 3 người. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 72 tổ chức đảng và 4.179 đảng viên.
Đánh giá công tác kiểm tra Đảng trong 9 tháng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú khẳng định, toàn ngành Kiểm tra từ Trung ương đến địa phương, cấp ủy các cấp đã “chủ động, quyết liệt thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; Nhanh chóng nắm bắt các vấn đề, vụ việc xã hội quan tâm để kiểm tra, kết luận kịp thời”.
Tổng kết chặng đường 10 năm (2012-2022) phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Những kết quả trên đã minh chứng cho vai trò then chốt của ngành Kiểm tra Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Những chuyển biến từ nhận thức
Từng có thời gian dài gắn bó với công tác Kiểm tra, với ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, những thành quả của ngành Kiểm tra thời gian qua cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng không chỉ là công việc thường xuyên, mà đã được nâng lên một tầm cao mới.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Theo cựu cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bước tiến mới đó chính là sự chuyển biến về nhận thức: kiểm tra phải gắn với giám sát. Mừng cho bước chuyển mới của ngành Kiểm tra, nhưng ông Sửu vẫn cho rằng, chuyển biến về nhận thức đó mới chỉ trong đội ngũ lãnh đạo, những người đứng đầu, trong khi cần cả hệ thống chính trị, cả hệ thống tổ chức của Đảng, từ trung ương xuống địa phương cùng phải nhận thức được điều đó. Một quyết định lãnh đạo được ban hành phải đi kèm quyết định giám sát kiểm tra, theo dõi và đôn đốc, có vậy mới thấy được quyết định đó có đúng, có trúng, có phù hợp thực tiễn, mang lại hiệu quả hay không.
Một bước tiến nữa theo ông Ngô Văn Sửu là chuyển biến trong nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của công tác kiểm tra và những người làm công tác kiểm tra. Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho ngành kiểm tra giám sát hoạt động, thậm chí còn chỉ ra những việc cần làm. Ngược lại, đội ngũ cán bộ kiểm tra có điều kiện để phát huy trình độ, năng lực.
“Trước đây, thời kỳ Đại hội V, Đại hội VI, công tác kiểm tra mới tập trung vào việc chấp hành điều lệ, chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; sau đó là kiểm tra có dấu hiệu vi phạm, nghĩa là phát hiện có vi phạm mới vào kiểm tra được, còn nếu không phát hiện được thì khó vào kiểm tra. Nhưng đến hôm nay, công tác kiểm tra không cần biết có vi phạm hay không, có thông tin là vào cuộc kiểm tra, xử lý luôn. Chuyển biến ấy theo tôi là rất mạnh”.
Vị cựu cán bộ Ủy ban Kiểm tra còn cho rằng, sự chủ động tấn công, chủ động kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời như vừa qua đã khiến nhiều cán bộ mới bị cảnh cáo thôi cũng đã tự giác “rút lui”. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, 3 vị ủy viên Trung ương đã được cho nghỉ, rồi nhiều lãnh đạo các tỉnh sau đó cũng xin nghỉ. Làm được như thế là tốt, chứ trước đây kiểm tra xong, kết luận có khi để đấy, có khi cán bộ tìm cách để chuyển sang vị trí khác. Câu chuyện này không phải ít, nhưng giờ thì không thể làm thế được nữa.
Ông Sửu đồng thời cho rằng, Đảng đã mở đường, tạo điều kiện, còn lại có làm được hay không là phụ thuộc vào năng lực, đạo đức của cán bộ kiểm tra. Vì thế theo ông, cần phải có tiêu chuẩn cụ thể để chọn cán bộ kiểm tra. Cán bộ kiểm tra phải am hiểu luật, phải có kiến thức tổng hợp ở tầm cao. Để đối phó được với “giặc nội xâm”, cán bộ kiểm tra phải là những người có đức độ cao nhất trong đội ngũ đảng viên.
“Cán bộ kiểm tra mà lèm nhèm, tới nơi người ta mời ăn, rồi sa đà vào đó, thì kiểm tra làm sao được. Bản lĩnh cách mạng giúp người cán bộ tránh được những chiếc “bẫy” vật chất, dám đấu tranh, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám kết luận, dám chịu trách nhiệm. Và quan trọng nhất là phải đặt họ đúng vào vị trí, vai trò, trách nhiệm của người kiểm tra, người được chọn phải đảm bảo những tiêu chuẩn cần thiết, như vậy mới có được bản lĩnh, mới dám làm, có vậy mới “trị” được tham nhũng tiêu cực”, ông Sửu nêu quan điểm.
Kiểm tra phải gắn với giám sát
Theo cảm nhận của ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), công tác kiểm tra của Đảng đã có một năm rất thành công trong việc thực hiện điều lệ Đảng, kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng các cấp. Qua giám sát đã phát hiện nhiều vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của một số cán bộ cao cấp, người đứng đầu ở một số địa phương; đã giúp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)
Có được kết quả đó, theo ông Đỗ Duy Thường, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được thực hiện rất quyết liệt, theo đúng tinh thần của điều lệ Đảng, tinh thần của các Nghị quyết Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, về xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng cơ sở đảng và đảng viên.
Để tiếp tục phát huy những thành tích như vừa qua, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, công tác kiểm tra phải gắn với giám sát, và công tác giám sát phải đi trước một bước để phát hiện sai phạm. Bước tiếp theo là xem xét mức độ vi phạm để đưa ra kết luận, căn cứ vào kết luận để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý.
“Theo tôi, giám sát và kiểm tra là hai công đoạn kết hợp nhịp nhàng. Đó cũng là quy trình chúng ta đang làm hiện nay, không ai có thể cản trở được, nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác kiểm tra của Đảng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, loại bỏ những cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”, ông Đỗ Duy Thường nêu quan điểm./.
Thanh Hà/VOV.VN