Thăm Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, thấy trưng bày đủ long bào của các vua triều Nguyễn. Vua Duy Tân mới 12 tuổi, vóc dáng bé nhỏ cũng khoác chiếc long bào nặng trịch, rộng rinh. Chiếc long bào Thái hậu Dương Vân Nga trao cho quan Thập đạo Lê Hoàng hẳn là long bào mới, chế tác theo “size” cao lớn của vị tướng quân này. Long bào nào cũng dát vàng, đính những viên ngọc quý và thêu hình rồng 5 móng, riêng áo của thái tử thì thêu rồng 4 móng, cấm có lẫn lộn.
Bảo tàng còn có trăm loại áo theo từng vai vế trong hoàng tộc và phẩm hàm của các quan triều Nguyễn. Dài dòng vậy để thấy, những gì liên quan đến “long” đa phần đều thuộc về vua. Long nhan: Mặt vua, long thể: Thân vua, long sàng: Giường vua,... Nghe nói ở xã Phước Lại, bên kia sông Cần Giuộc, có một ấp mang tên Long Bào. Ai cũng biết long bào là áo vua mặc. Vậy, xóm nhỏ bên kia sông Cần Giuộc ấy vì sao có tên Long Bào?
Vua Duy Tân (lúc mới lên ngôi) với chiếc long bào thế đó (Ảnh tư liệu)
1. Ở bên này bờ sông thuộc thị trấn Cần Giuộc, ngó sang bên kia sông là ấp Long Bào với cái biền dừa nước sóng bủa dập dềnh. Vậy mà phải đi đò sang xã Phước Lại, rồi đi xe máy, rồi lội sình, mò mẫm miết mới tới nhà ông trưởng công an xã nghỉ hưu ở giữa ấp Long Bào. Trên một ụ đất de ra bờ sông, mọc lên cái chòi lá như cây nấm mối.
Bộ bàn tròn, có 5-6 bô lão đều là cựu kháng chiến đang vui tiệc mừng Tết Độc lập 2/9 đã tới hồi trà dư tửu hậu, vẫn rôm rả bao nhiêu chuyện chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ở mật khu Rừng Sác. Các cụ nhắc tên từng bạn chung chiến hào, hòa bình về sống ở Cần Giuộc, Cần Đước (Long An), hay ở Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM). Các cụ kể chuyện cọp, beo, cá sấu Rừng Sác cứ như bác Ba Phi kể chuyện tiếu lâm Rừng U Minh, Cà Mau. Tôi chưa thể chen Long Bào vào chuyện của các cụ. Hết chuyện kháng chiến, các cụ mới tâm tư về mảnh đất Long Bào.
Bao nhiêu đời rồi, Long Bào vẫn vậy. Làm ra hạt lúa “trần ai khoai củ”, khi hạt lúa vừa ngậm sữa, triều cường đã phủ trắng nước mặn, ruộng đồng bạc phơ... Vậy mà không ai rời bỏ Long Bào. Thời Mỹ, bom pháo tơi bời, chỉ lũ trai trẻ sợ bị bắt lính mới rời Long Bào đi nơi khác, còn lại đều “bám trụ”. Ông trưởng công an xã nghỉ hưu cũng là cựu kháng chiến ở Rừng Sác. Tuổi già, gia đình cách mạng cốt cán, nghèo khó vậy mà các con ông đều ăn học tới nơi, tới chốn, có người là thạc sĩ luật, đang làm việc trong ngành tòa án. Vậy mới xứng là dân Long Bào. Hỏi ý nghĩa Long Bào, các cụ đều cười. Long Bào là Long Bào, xưa nay đều gọi vậy!
Ra về, tôi rảo quanh cho biết sự tình Long Bào mà đường không có để đi. Mỗi nhà như một ốc đảo giữa vùng sông nước. Nhà này qua nhà kia đều đi xuồng, hoặc ngã cây dừa làm cầu để đi qua.
Một góc ấp Long Bào (Ảnh: internet)
2. Chừng 15 năm sau, tôi về lại Long Bào trên con lộ mới vừa trải sỏi đỏ, xe hơi chạy được. Bờ sông giờ đã thành đê ngăn mặn kiêm lộ làng. Những đứa con Long Bào mưu sinh xa xứ đã trở về cất nhà khang trang. Đây đó màu ngói đỏ điểm trên nền xanh vườn tược. Thế là Long Bào đã “đổi đất - đổi đời” mà tôi vẫn chưa hiểu hai tiếng Long Bào.
Sực nhớ chuyện Sơn Nam - ông nhà văn kiêm nhà nghiên cứu đất Nam bộ và Sài Gòn - Gia Định. Hồi mới giải phóng, ông đến Gò Vấp tìm hiểu địa danh Ngã ba Chú Ía. Ông đinh ninh rằng đây là tên một chú Ba Tàu nổi tiếng về một cái gì đó mới được dùng đặt địa danh. Tới lui tìm gặp đủ giới để hỏi, cuối cùng các lão làng cho ông biết: Xưa, họ đến cắm dùi ở đây, khu này hoang vắng lắm, chỉ có chó từ các khu khác tới “ị” nên về sau, người dân đọc trại ra, đặt tên “Chú Ía”, chớ chẳng có ai mang tên Ía! Nhà văn chỉ còn biết... cười!
Từ chuyện của nhà văn Sơn Nam, nghiệm ra Long Bào rất có thể khi xưa là cái bàu dừa nước. Lưu dân miền ngoài đi ghe bầu đến, cắm sào, phá dừa nước, bồi đất cất nhà lập ấp, tìm kế mưu sinh. Cái bàu dài ấy, các cụ tiền bối gọi là Long Bàu - bàu dài - lâu ngày đọc trại ra giọng Nam - bàu thành bào - Long Bào - theo nghĩa này chăng?...
Tản văn của Quang Hảo