“Có ai về Khu 8 quê hương tôi
Qua Bến Tre, Tiền Giang
Long An, Đồng Tháp Mười
Nơi đây đã ra đời tiểu đoàn quân giải phóng
Hai Sáu Mốt Gi-ron”
(Tiểu đoàn 261 Giron - Sáng tác: Quốc Nam)
Khu di tích còn dang dở
Khu di tích (KDT) lịch sử Tiểu đoàn 261 Giron nằm cạnh cánh đồng dưa xanh mướt tại ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa. Mới trong giai đoạn đầu hình thành nên KDT còn dang dở, chỉ có tường rào xung quanh nhà lưu niệm nhỏ và tấm bia tưởng niệm vừa xây xong phần thô. Đó là nỗ lực của những cựu binh từng chiến đấu tại tiểu đoàn.
Gần 60 năm trước, chính tại vùng đất này, Tiểu đoàn 261 Giron anh hùng với những người con ưu tú được thành lập và tạo nên những chiến công oanh liệt khắp vùng Khu 8 bấy giờ
Từ khắp các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre,... họ tìm lại nhau để cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng mà thấm đẫm tình đồng đội. Nhớ về những người đã hy sinh, các cựu binh xin phép và vận động kinh phí xây dựng KDT như một lời nhắc nhở thế hệ sau về một Giron anh hùng ngày ấy.
Nhờ vậy, giữa vùng biên hẻo lánh, xa xôi “mọc lên” KDT dù còn hoang sơ nhưng nhiều ý nghĩa. Gần 60 năm trước, chính tại vùng đất này, một tiểu đoàn anh hùng với những người con ưu tú được thành lập và tạo nên những chiến công oanh liệt khắp vùng Khu 8 bấy giờ.
Là một tiểu đoàn nhưng quân số của Giron ngày ấy phát triển theo quy mô cuộc chiến, có lúc lên đến hơn 1.500 chiến sĩ. Cựu binh Nguyễn Văn Nhờ (Năm Nhờ), ngụ huyện Cần Đước, giải thích: “Hễ địch có máy bay thì ta có đại đội pháo kích, địch có xe tăng thì ta có thêm đại đội chống tăng, cứ vậy mà quân số tăng lên tùy vào sự phát triển lực lượng của địch. Chúng tôi ngày ấy hầu hết là tân binh nhưng ai nấy đều có chung sự nhiệt tình và lòng căm thù giặc nên quyết tâm rất lớn”.
Giọt nước mắt cựu binh
Ngồi bên chung trà cùng đồng đội cũ, ông Năm Nhờ cứ bùi ngùi, có khi lại rơi nước mắt khi nhắc về tình đồng chí trong những năm tháng gian nan. Có lẽ, hơn ai hết, cựu binh Năm Nhờ hiểu rõ thế nào là tình đồng chí. Ông kể: “Sau một trận đánh, tôi bị thương nặng ở 2 chân, phải nằm điều trị tại trạm xá. Thủ trưởng thấy tình trạng của tôi khó thể trực tiếp chiến đấu sau này nên cho đi học lớp cứu thương. Ngày ấy, bộ đội thiếu thốn lắm, thấy tôi không có tập, viết gì hết, anh em thương binh tình nguyện trích một phần phụ cấp của mình mua tập, viết và vật dụng cá nhân cho tôi đi học”. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài theo các nếp nhăn trên khuôn mặt cựu binh già. Chúng tôi hiểu, ông đã trân quý những kỷ niệm ấy đến dường nào!
Cựu binh Nguyễn Xuân Đỉnh (huyện Cần Đước) - Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn 261 Giron ở Long An, kể thêm: “Ông Năm Nhờ bị thương trong trận Nhà thờ Lá ở Tân Thạnh, 2 chân bị giập nát, giờ đi lại còn yếu. Ngày đó, chiến sĩ tiểu đoàn đến từ nhiều tỉnh, dù trước đó chưa biết gì nhau nhưng tình đồng đội, đồng chí thì không gì bì được. Anh em san sẻ cho nhau từng miếng cơm, điếu thuốc, từng bộ quần áo còn lành lặn. Câu nói “điếu thuốc chia hai, nắm cơm sẻ nửa” là có thật với chúng tôi”.
Ngày đó, chiến sĩ xung phong theo cách mạng ít người biết chữ nên người biết dạy người chưa biết. Các anh, các chú đã truyền nhau từng con chữ trong lớp học dã chiến được hình thành ngay dưới gốc cây, bảng là tấm be xuồng bể, tập là mặt đất dưới chân. Biết chữ rồi, điều đầu tiên các chiến sĩ làm là nắn nót viết thư về cho gia đình. 5-7 tháng xa nhà không một dòng tin tức, giờ biết đọc, biết viết, các anh chẳng có khát khao nào hơn được hỏi thăm mẹ già, vợ trẻ và các con thơ đang mong ngóng ở quê nhà.
Họ đã sống với nhau như những người anh em ruột thịt, nhường cho nhau bát cơm, chén nước và tranh nhau đi vào chỗ hiểm nguy. Cựu binh Xuân Đỉnh bùi ngùi nhớ lại: “Hồi đó, cứ mỗi lần đánh trận là anh em ai cũng xung phong ra chiến trường. Ai bị phân công ở nhà lo hậu cần, cơm nước là phải được làm việc tư tưởng trước, chứ không là tâm tư lắm!”.
“Ở dân thương, đi dân nhớ”
Mà đâu chỉ thương nhau, Tiểu đoàn 261 Giron còn nhận được sự yêu thương, che chở của người dân thời ấy. Ông Nguyễn Xuân Đỉnh kể: “Tháng 5/1964, tiểu đoàn về xã Hưng Điền giáp biên giới Campuchia. Ngủ đêm, sáng ra nhìn cánh đồng không có cây cối gì, xung quanh toàn là cỏ. Tiểu đoàn ra lệnh không được đi trên ruộng mà chỉ được bò dưới chiến hào do nhân dân địa phương đào sẵn. Mấy chị em phụ nữ xã Hưng Điền gói cơm bò ra từng công sự để anh em no lòng. Chị Út Lưỡng ở Hội Phụ nữ xã đến động viên anh em cũng bằng cách bò như vậy”.
“Ở dân thương, đi dân nhớ” là điều mà Tiểu đoàn 261 Giron đã chứng minh. Sở dĩ, được người dân thương mến là bởi ngay từ những ngày đầu thành lập, tiểu đoàn luôn giữ nghiêm 3 chính sách cốt yếu: Thương binh - liệt sĩ, tù binh - hàng binh và nhân dân. Với thương binh - liệt sĩ, dù bất cứ giá nào cũng phải đưa được anh em về, không để ai nằm lại chiến trường. Với tù binh - hàng binh, ta đối đãi tử tế, không miệt thị, đánh đập hay đối xử tệ. Đặc biệt, với nhân dân là phải bảo vệ dân, bảo vệ tài sản của dân.
Các cựu binh Giron thỉnh thoảng vẫn ngồi bên nhau cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng thấm đẫm tình đồng đội
Trong ký ức những cựu binh, tờ mệnh lệnh được chuyền tay nhau trong đợt hành quân ngang qua cánh đồng khu Đồng Tháp Mười vẫn như một lời nhắc nhở không nguôi: “Chuyền tới trước, đừng giẫm lên rau muống của dân! Ký tên Năm Phán!”. Những người anh hùng từng làm nên chiến công rực rỡ luôn được dân quý, dân thương đơn giản là vì điều đó! Bởi vậy, cho đến tận bây giờ, những người lính năm xưa vẫn không thể nào quên tính kỷ luật và cái nghĩa tình trong những ngày kề vai sát cánh.
Chúng tôi chào tạm biệt những cựu binh, rời khỏi vùng chiến địa năm xưa với ngổn ngang cảm xúc. Biên giới xưa, nơi thành lập một Giron anh hùng giờ đây bình yên quá, ruộng dưa cà đang xanh lá, những mái nhà thơm mùi gạch mới mọc lên. Và những cựu binh xưa, họ bỏ tấm áo quân nhân về lại với cuộc sống đời thường, hành trang vẫn vấn vương hình ảnh những đồng đội cũ. KDT Tiểu đoàn 261 Giron còn dang dở, vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi lòng đau đáu của những chiến sĩ năm xưa. Họ vẫn đang nỗ lực và cần nhiều sự chung tay!
Phương Phương