Tiếng Việt | English

03/06/2016 - 10:51

Long An: Đầu tư 3.182,6 tỉ đồng cho hoạt động Về nguồn giai đoạn 2010-2015

Về nguồn xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa năm 2012

Sau 9 năm tổ chức hoạt động Về nguồn trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Xây dựng kết cấu hạ tầng, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội,... Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trần Văn Cần dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc phỏng vấn xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết hoạt động Về nguồn xuất phát từ đâu và có mục đích, ý nghĩa gì?

Ông Trần Văn Cần: Hoạt động Về nguồn đầu tiên là một mô hình hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khởi xướng. Đây là một hình thức đổi mới công tác dân vận, với mục đích, ý nghĩa là vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tri ân các gia đình chính sách, chăm lo các hộ nghèo ở vùng căn cứ kháng chiến, kêu gọi xã hội, cộng đồng cùng chung tay thực hiện chính sách - xã hội đối với những người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo tại các địa phương trong tỉnh.

Xác định đây là mô hình hiệu quả, cần được nhân rộng, năm 2007, Ban Dân vận Tỉnh ủy xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc làm điểm, tiếp theo năm 2008 tổ chức tại huyện Thủ Thừa, năm 2009 tổ chức tại huyện Đức Huệ.

PV: Sau những năm làm thí điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá và tiếp tục chỉ đạo như thế nào đối với hoạt động này, thưa ông?

Ông Trần Văn Cần: Sau những năm đầu tổ chức, hoạt động Về nguồn đạt được kết quả hơn mong đợi, được đông đảo nhân dân phấn khởi đón nhận, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia đóng góp.

Đến năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá và chỉ đạo hoạt động Về nguồn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cần có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, để huy động các nguồn lực chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở vùng kháng chiến cũ, các xã còn nhiều khó khăn; nội dung hoạt động phải thiết thực, hiệu quả.

Hàng năm, tỉnh chọn 2 xã, mỗi huyện chọn 1 xã và mỗi xã chọn một ấp để tổ chức hoạt động Về nguồn. Riêng năm 2015, tỉnh chọn 3 xã làm điểm cấp tỉnh, bảo đảm 15/15 huyện, thị xã, thành phố được tỉnh chọn một đơn vị làm điểm.

Về nguồn xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh năm 2013

PV: Xin ông cho biết, kết quả đã đạt sau những năm tổ chức Về nguồn ở tỉnh?

Ông Trần Văn Cần: Từ những năm tổ chức hoạt động Về nguồn trên địa bàn tỉnh, chúng ta thấy được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; cái được lớn nhất đó là củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước ở địa phương.

Hoạt động Về nguồn đã phát huy tốt các nguồn lực xã hội để thực hiện nhiều công trình công cộng, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng.

Từ năm 2010-2015, chúng ta đầu tư cho hoạt động Về nguồn trong toàn tỉnh với trên 3.182,6 tỉ đồng, trong đó có cả giá trị đất mà nhân dân hiến để xây dựng công trình, riêng cấp tỉnh trên 708,6 tỉ đồng, kết quả này góp phần rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương và nhất là hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Các địa phương cũng đã tổ chức tốt hoạt động Về nguồn ở cấp mình. Các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở đã huy động cho các hoạt động Về nguồn với số kinh phí khá lớn trên 2.474 tỉ đồng. Kết quả đáng ghi nhận là thực hiện nhiều công trình xây dựng cơ bản phục vụ đa dạng các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

PV: Những kinh nghiệm rút ra sau những lần tổ chức hoạt động với quy mô lớn như Về nguồn là gì, thưa ông?

Ông Trần Văn Cần: Từ thực tiễn tổ chức hoạt động Về nguồn của hệ thống chính trị rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động Về nguồn nói riêng, rút kinh nghiệm cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng nói chung đó là:

Nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền có sự quan tâm, tập trung lãnh đạo; có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện, gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, khen thưởng động viên các tổ chức, cá nhân thì hoạt động ở nơi đó sẽ đạt kết quả cao.

Về nguồn xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa năm 2014

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động Về nguồn; nắm chắc đối tượng, nhu cầu bức xúc của nhân dân, công khai, minh bạch các khoản đóng góp và việc sử dụng ngân sách Nhà nước.

Nhìn chung, thông qua các hoạt động Về nguồn góp phần rất lớn trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã điểm.

PV: Xin ông cho biết, có những khó khăn, trở ngại gì sau thời gian tổ chức hoạt động Về nguồn trong tỉnh?

Ông Trần Văn Cần: Chúng ta biết bất cứ hoạt động nào, bên cạnh những kết quả đạt được đều có những khó khăn, hạn chế nhất định. Hoạt động Về nguồn đạt được kết quả thì rất lớn nhưng cũng có những khó khăn, bất cập như: Những địa phương được chọn làm điểm của tỉnh, của huyện có sự tập trung đầu tư nguồn ngân sách rất lớn để xây dựng các công trình điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sạch,...

Một số công trình Về nguồn tại xã điểm của tỉnh thực hiện chưa đúng tiến độ; nhu cầu kinh phí cho các hoạt động Về nguồn rất lớn, nguồn lực thực hiện có hạn, công tác vận động tài chính, tài trợ cho hoạt động Về nguồn gặp không ít những khó khăn, điều đó đã làm ảnh hưởng khá nhiều đến việc tổ chức hoạt động Về nguồn ở các cấp; việc nắm đối tượng thụ hưởng nhiều nơi chưa chính xác, nên gần đến ngày diễn ra hoạt động Về nguồn vẫn còn thay đổi làm cho công tác phục vụ hoạt động này gặp khó khăn.

Về nguồn xã Bình Thành, huyện Đức Huệ năm 2015

PV: Được biết, từ năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ không tổ chức hoạt động Về nguồn quy mô cấp tỉnh, vậy cụ thể chủ trương đó như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Cần: Từ năm 2016, Tỉnh ủy cho chủ trương không tổ chức hoạt động Về nguồn tập trung cấp tỉnh như những năm qua, mà giao cho các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa các nội dung hoạt động Về nguồn vào chương trình công tác hằng năm; trong đó, chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng gắn với chăm lo gia đình chính sách và thực hiện tốt các hoạt động xã hội.

Tỉnh không khuyến khích tổ chức hoạt động Về nguồn quy mô lớn như trước đây, nguồn lực đầu tư phải tập trung cho các chương trình đột phá, công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về nguồn xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa năm 2014

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có kế hoạch, lộ trình Về nguồn từ năm 2016 đến năm 2020 thì tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm lộ trình đề ra. Trong đó, chọn nội dung phù hợp để lãnh đạo tổ chức các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, thực hiện công tác xã hội giúp dân, xây dựng nông thôn mới, xã văn hóa phù hợp với khả năng và nguồn lực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ năm 2016, Tỉnh ủy cho chủ trương không tổ chức hoạt động Về nguồn tập trung cấp tỉnh như những năm qua, mà giao cho các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa các nội dung hoạt động Về nguồn vào chương trình công tác hằng năm. Tỉnh không khuyến khích tổ chức hoạt động Về nguồn quy mô lớn như trước đây, nguồn lực đầu tư phải tập trung cho các chương trình đột phá, công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra và chương trình xây dựng nông thôn mới.

TH-MHD

Chia sẻ bài viết