Ảnh tư liệu
UBND tỉnh Long An vừa có Quyết định số 8719/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Giải pháp cấp nước phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025.
Trong Kế hoạch này, UBND tỉnh Long An tiếp tục khẳng định nguồn nước để sản xuất nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nước sạch cần thiết cho sự sống nhưng khi bị ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người.
Chương trình nước sạch nông thôn tỉnh Long An được triển khai thực hiện từ những năm đầu của thập niên 80. Từ năm 2016 việc cung cấp nước sạch được lồng ghép vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.400 công trình cấp nước nông thôn (CTCN); có trên 78% hộ dân nông thôn sử dụng nước máy; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99% (mức trung bình cả nước là 97,1%); trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt khoảng 58% thấp hơn so với trung bình cả nước là 68,2%.
UBND tỉnh nhận định, hiện nay, tình hình kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, sự hiểu biết và ý thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch từng bước được nâng lên, đời sống nhân dân nông thôn từng bước phát triển, doanh nghiệp được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia đầu tư, quản lý CTCN, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn.
Tuy nhiên, nguồn nước khai thác phục vụ cho cấp nước sinh hoạt nông thôn phần lớn từ nguồn nước ngầm, trên 95% CTCN có quy mô nhỏ (dưới 150 hộ/công trình). Hiện nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn của tỉnh có nước máy rất cao nhưng không bền vững, hạng mục không đồng bộ, thiếu mặt bằng để cải tạo nâng cấp, nên hầu hết các trạm này chưa đạt chất lượng nước sạch theo quy chuẩn, chưa xây dựng và trình duyệt giá nước trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ để hạch toán giá nước theo quy định;…
Trước thực trạng đó, Kế hoạch thực hiện Giải pháp cấp nước phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025 của UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 65% trở lên. Đồng thời, từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động cấp nước nông thôn để hoạt động cấp nước ổn định, nề nếp, bền vững.
Về giải pháp thực hiện, tỉnh tiếp tục thực hiện nâng cấp, cải tạo các CTCN đạt chất lượng nước sạch, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo đúng quy định. Có chủ trương phê duyệt giá nước bán sỉ, bán lẻ phù hợp, đặc thù với vùng khan hiếm, vùng khó khăn về nước sinh hoạt để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đơn vị bán sỉ, bán lẻ và người dân sử dụng nước sinh hoạt.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác rà soát quy hoạch vùng cấp nước mang tính khả thi và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh có tính đến quy hoạch sử dụng đất dành cho cấp nước nông thôn. Kiểm tra, giám sát tính khả thi, hiệu quả trong công tác đầu tư gắn với quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn sau đầu tư.
Cấp huyện, xã tập trung rà soát có giải pháp phù hợp hỗ trợ đối với các hộ dân sống phân tán sử dụng nước sạch quy mô hộ gia đình; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (tối đa 10 triệu đồng/hộ) để lắp đặt bể chứa nước mưa đủ sử dụng và các loại thiết bị lọc nước quy mô hộ gia đình.
Cùng với đó, rà soát, tổ chức hòa mạng, đóng bít các trạm cấp nước có quy mô nhỏ không đạt chất lượng theo quy định, thay đổi nguồn nước cấp.
UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh nội dung chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện việc chấn chỉnh mô hình quản lý, vận hành CTCN, nhất là các công trình do cấp xã quản lý vận hành. Xây dựng kế hoạch, triển khai xây dựng các CTCN theo lộ trình, các công trình cấp bách cho các khu vực thiếu nước, đảm bảo kết nối các hệ thống cấp nước nông thôn để phát huy hiệu quả đầu tư các công trình.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các Chương trình cấp nước (5 năm và hàng năm) trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành khác có liên quan.
Phối hợp với UBND cấp huyện huy động nguồn lực xã hội để thực hiện, ưu tiên đầu tư cho hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát, xử lý đối với các giấy phép tài nguyên nước có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trong quá trình thực hiện thăm dò, khai thác, sử dụng nước; các công trình cấp nước nằm trong vùng cấm khai thác tài nguyên nước đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; khu vực đã có hệ thống cấp nước mặt tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.
Riêng ngành Y tế đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước các CTCN nông thôn, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở cấp nước chưa đạt chất lượng nước sạch theo quy định, buộc các cơ sở này phải nâng cấp lọc, đầu tư hệ thống khử trùng nước đạt chất lượng nước sạch hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đóng bít giếng các trạm cấp nước không đạt chất lượng nước sạch
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo sức khỏe, tích cực hưởng ứng tham gia cùng với Nhà nước đầu tư, xây dựng, nâng cấp CTCN./.
Tấn Lộc