Tiếng Việt | English

17/07/2022 - 18:08

Long An: Nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước  

Theo kết quả công bố ngày 25/5/2022 của Bộ Nội vụ, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của tỉnh Long An đạt được 87.20/100 điểm, xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 15 bậc so với năm 2020 (07/63); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 của tỉnh đạt được 86,59%, xếp hạng 41/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 14 bậc với năm 2020 (27/63).

Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức cùng đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính tại huyện Bến Lức (Ảnh: Hữu Bằng)

Qua đánh giá, Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS của tỉnh Long An chưa ổn định và bền vững. Để cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS của tỉnh, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh Long An năm 2022.

Kế hoạch này hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung và trong xác định Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS hàng năm của tỉnh nói riêng.

Qua đó, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện và nâng cao điểm số xác định Chỉ số PAR INDEX trên tất cả các lĩnh vực theo Bộ Chỉ số do Bộ Nội vụ ban hành. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện Chỉ số SIPAS của tỉnh, trong đó trọng tâm nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tỉnh Phấn đấu Chỉ số SIPAS và PAR INDEX của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất trong cả nước.

Để nâng cao Chỉ số SIPAS và PAR INDEX, UBND tỉnh yêu cầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai xác định Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS hàng năm của tỉnh. Việc triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS phải quyết liệt, đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

Kế hoạch cũng được cụ thể các nội dung và trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh yêu cầu phải tổ chức thực hiện hoàn thành 100% các nhiệm vụ trong Kế hoạch CCHC của tỉnh. Hàng năm thực hiện kiểm tra tối thiểu 30% các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện; qua kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý 100% các vấn đề phát hiện.  

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC bằng nhiều hình thức: Tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyên đề CCHC; đăng tải thông tin CCHC trên website của tỉnh; tuyên truyền CCHC trên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về CCHC; tọa đàm về CCHC, sân khấu hóa, hình thức tuyên truyền mới, sáng tạo khác.…

Trong đó chú trọng thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tổ chức về mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của Chỉ số SIPAS.

Tập trung cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Rà soát, bố trí nơi tiếp nhận hồ sơ, trả hồ sơ có biển hiệu, hướng dẫn rõ ràng, dễ thấy, trang thiết bị phục vụ tốt cho người dân, tổ chức nhất là đối với cấp xã (ghế ngồi, nước uống, máy điều hòa nhiệt độ, quạt...).Tiếp tục quan tâm cải thiện nơi làm việc tạo vẻ mỹ quan công sở; rà soát, bổ sung thêm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.

Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trả hồ sơ bổ sung nhiều lần gây phiền hà cho người dân, tổ chức, tình trạng thành phần hồ sơ, thu phí, lệ phí không đúng quy định. Đồng thời, kết quả trả hồ sơ phải đảm báo chính xác, đầy đủ thông tin theo quy định. Thực hiện công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đúng quy định tại nơi tiếp nhận hồ sơ TTHC.

Tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh thái độ giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC nhất là trong việc hướng dẫn kê khai, giúp đỡ người dân tổ chức khi giải quyết TTHC. 

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp về đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất. Phấn đấu năm 2022 tăng tỷ lệ nguồn vốn điều lệ của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ 20% so với năm 2021.

Thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp góp phần tăng tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp (phấn đấu trong năm 2022 tăng so với năm 2021). Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng tỷ lệ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đảm bảo đạt kế hoạch năm 2022 đề ra 6,5% - 7%.../.

Tấn Lộc 

Chia sẻ bài viết