Trước yêu cầu phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa, nhiều địa phương đã khai thác tốt nguồn tài nguyên đất, thông qua các dự án, quy hoạch đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, dẫn đến sự thay đổi đáng kể về bộ mặt của các đô thị.
Tuy nhiên, hiện tượng “quy hoạch treo” kéo dài gây nên nhiều bức xúc trong xã hội. Đó là một số dự án đã được địa phương công bố quy hoạch nhưng sau đó không thực hiện; dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng việc thu hồi không dứt điểm, kéo dài từ năm này sang năm khác; đất đã giao nhưng chủ đầu tư lại sang nhượng để kiếm lời; nhiều quy hoạch của các đô thị không hoàn thành đúng thời hạn, không đáp ứng yêu cầu chất lượng, làm ảnh hưởng đến quản lý xây dựng và thu hút đầu tư của các địa phương,...
Vì thế, nhiều quy hoạch bị “treo” cả chục năm với hàng trăm ngàn tỉ đồng giá trị đất đai bị lãng phí, gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho người dân tại các vùng có quy hoạch “treo” và ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của các địa phương. Trước thực trạng này, các cấp, các ngành và từng địa phương cần quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, chủ yếu vẫn là tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Đất đai, các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giúp người dân hiểu rõ và sử dụng hiệu quả nguồn đất đai.
Các ngành chức năng xem xét kỹ nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả và tính khả thi của dự án, khả năng thực sự của nhà đầu tư trước khi quyết định giao đất, cho thuê đất, bảo đảm hiệu quả kinh tế lâu dài; đồng thời, thực hiện đúng chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải quyết việc làm và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm ổn định đời sống của người dân.
Quản lý chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra đối với việc lập, thẩm định, xét duyệt, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và tiến độ thực hiện phải phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của từng địa phương; kiên quyết thu hồi các quy hoạch, dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện./.
Võ Văn