Tiếng Việt | English

17/12/2015 - 08:34

Lý Ban - chiến sĩ quốc tế xuất sắc, tiêu biểu cho tình hữu nghị Việt – Trung

Là nhà hoạt động cách mạng sôi nổi qua nhiều thời kỳ thăng trầm của đất nước, một chiến sĩ cộng sản quốc tế xuất sắc trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, bản thân có cuộc sống bình dị, thanh cao, đồng chí Lý Ban là một trong những mẫu người tiên phong, tiêu biểu cho truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Long An.

 

Đồng chí Lý Ban tên thật là Bùi Công Quan, sinh ngày 10-6-1912 ở làng Long Hòa, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (sau này là tỉnh Long An).

15 tuổi, ông được thầy giáo Phạm Văn Đồng (khi đó mang bí danh Nam, đang hoạt động ở Sài Gòn, từng xuống nhà Hội đồng Tồn ở Gò Đen) giới thiệu vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ rất trẻ ông đã hăng hái tham gia vào phong trào học sinh, sinh viên trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn-Chợ Lớn.

Năm 1929, Lý Ban gia nhập An Nam Cộng sản Đảng, năm 1930 là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông 2 lần bị mật thám Pháp bắt nhưng không đủ chứng cứ nên chúng thả về quản thúc ở quê nhà. Năm 1932, ông lên Sài Gòn bắt liên lạc với tổ chức nhưng không thành, để tránh bị truy nã, ông xuống tàu vượt biển sang Hồng Kông.

Ở Quảng Đông, ông tham gia cách mạng Trung Quốc và năm 1934 được vào học trường Đảng tại khu căn cứ Xô viết Trung ương Thụy Kim (tỉnh Giang Tây). Tại đây, với nỗ lực của bản thân, ông được các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Đổng Tất Võ, Lý Phú Xuân, Diệp Kiếm Anh... giúp đỡ và kết thân với Vũ Nguyên Bác (sau này là tướng Nguyễn Sơn, người Hà Nội, đang là chỉ huy Hồng quân ở đây).

Cuối năm 1934, quân đội Tưởng Giới Thạch bao vây khu căn cứ Thụy Kim, Lý Ban cùng lực lượng cách mạng phải rút lui. Trên đường hành quân, ông bị ốm nặng phải nằm lại nhà dân; khi qua cơn nguy kịch, ông dũng cảm vượt hàng ngàn cây số, tìm đường về Quảng Đông. Trong cuộc trường chinh kháng Nhật tại Trung Quốc (1937-1945), Lý Ban là Ủy viên Liên Tỉnh ủy Quảng Đông - Giang Tây - Phúc Kiến, có nhiều đóng góp trong xây dựng lực lượng vũ trang và du kích kháng Nhật.

Đầu năm 1946, Lý Ban trở về Việt Nam, được bố trí công tác tại cơ quan Trung ương Đảng ở Hà Nội. Năm 1947, ông là Giám đốc Hoa Kiều vụ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Cục phó Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam.

Đầu năm 1949, cách mạng Trung Quốc phát triển mạnh gần đến toàn thắng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định cử Lý Ban và Nguyễn Đức Thụy vượt hàng vạn cây số và sự kiểm soát của Quốc dân đảng sang gặp Chu Ân Lai và Đảng Cộng sản Trung Quốc để tăng cường sự hợp tác. Hai đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (sự kiện này được ghi trong sách “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, những sự kiện 1945-1960”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003).

Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Lý Ban được Trung ương Đảng cử phụ trách việc tiếp nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc; sau đó ông được cử tiếp về Bộ Công thương củng cố Ngân hàng quốc gia và xây dựng ngành Hải quan Việt Nam.

Năm 1958, ông được Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và là Bí thư Đảng đoàn Bộ này. Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Là cán bộ cách mạng hoạt động từng trải và rất am hiểu về Trung Quốc, với vị trí trọng trách và được sự tin cậy của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước, Lý Ban luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đã đóng góp hiệu quả vào quan hệ hữu nghị hợp tác của nhân dân hai nước Việt - Trung, nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam trong suốt các năm từ 1960-1975.

Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Lý Ban tiếp tục huy động cán bộ và nguồn lực từ miền Bắc vào xây dựng ngành Ngoại thương tại TP.HCM. Ngày 30-9-1981, Lý Ban đột ngột qua đời tại TP.HCM, trong niềm tiếc thương của nhiều đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bè quốc tế./.

Long Thái

Chia sẻ bài viết