Tiếng Việt | English

26/04/2019 - 06:07

Màu xanh trên vùng đất anh hùng

Những vùng đất từng hứng chịu “mưa bom, bão đạn” năm nào nay được phủ một màu xanh no ấm. Chính quyền, người dân chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống ấm no, phát triển.

Rạch Bà Kiểu - địa điểm ác liệt trong chiến dịch 18 ngày đêm chống Mỹ  của xã Phước Lại

Rạch Bà Kiểu - địa điểm ác liệt trong chiến dịch 18 ngày đêm chống Mỹ của xã Phước Lại

1. Chúng tôi đến xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trong những ngày tháng 4 lịch sử. Nơi đây từng ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của bà “Hoàng hậu đỏ” thời chống Pháp và trận đánh tại khu vực Rạch Bà Kiểu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Bà Lê Thị Nương - người dân địa phương, nói: “Ai từng lớn lên và sinh sống tại đây mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của người dân. Tuy chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh song họ vẫn bám đất, bám làng, kiên cường đấu tranh”. 

Rạch Bà Kiểu ngày xưa là địa điểm ác liệt trong chiến dịch 18 ngày đêm đánh Mỹ của quân, dân Phước Lại vào năm 1967. Trong trận này, quân ta tiêu diệt gần 200 tên Mỹ, thu 15 súng, bắn rơi 2 trực thăng. Đây là chiến dịch đầu tiên, mở màn cho phong trào đánh Mỹ của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc, thúc đẩy phong trào cách mạng trong toàn huyện, góp phần tích cực vào thắng lợi của chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ vào năm 1967 và chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Ngày nay, khu vực Rạch Bà Kiểu được dựng bia và là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cách trung tâm thị trấn Cần Giuộc chừng vài kilômet, mảnh đất Phước Lại đang dần “hồi sinh”. Từ những cánh đồng ngập mặn, quanh năm chỉ có cây bần và dừa nước sinh sống, giờ đây là những đầm tôm hay những nhà máy, xí nghiệp, các khu dân cư được quy hoạch. Nhiều tuyến đường bêtông rộng rãi, nhựa hóa nối liền các ấp với nhau; hệ thống đê bao ngăn mặn được đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; đèn chiếu sáng gần như phủ kín;...

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều năm qua, người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để thực hiện các công trình dân sinh trong xã. Gần đây nhất có đường Rạch Đình, ấp Phước Thới, được xây dựng với kinh phí 1,4 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp. Đến nay, Phước Lại chỉ còn 44 hộ nghèo, chiếm 1,34%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 38 triệu đồng (năm 2017) lên 42 triệu đồng (cuối năm 2018).

Cùng với xã Phước Lại, ấp Lũy đang hoàn chỉnh thủ tục trình Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhì

Cùng với xã Phước Lại, ấp Lũy đang hoàn chỉnh thủ tục trình Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhì

Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Lại - Nguyễn Thành Lập vui mừng cho biết, nhiều năm liên tục, Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Hiện tại, ấp Lũy và xã Phước Lại đang làm thủ tục trình Chủ tịch nước xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì có nhiều thành tích, công lao đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, còn có sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong nhiều năm qua. Thời gian tới, địa phương tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống, ra sức phát triển KT-XH, nhất là xây dựng xã nông thôn mới theo lộ trình. 

2. 44 năm kể từ ngày quê hương giải phóng, chứng kiến bao đổi thay trên vùng căn cứ xưa, trong lòng chị Nguyễn Thị Hà (ấp Thanh Hòa, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) càng cảm thấy tự hào. Những con đường mở rộng khắp xóm; trụ sở UBND xã khang trang; y tế, giáo dục được chăm lo,... Đặc biệt, nhờ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang thanh long, nhiều hộ dân trở nên giàu có, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển địa phương. 

Ðảng bộ, chính quyền xã Thanh Phú Long chăm lo tốt cuộc sống người dân

Ðảng bộ, chính quyền xã Thanh Phú Long chăm lo tốt cuộc sống người dân

“So với trước đây, đời sống chúng tôi thay đổi nhiều lắm! Nhờ thanh long, nhiều gia đình trở nên khấm khá. Ở đây, tất cả công trình về hạ tầng đều được người dân đồng lòng, chung sức xây dựng,... Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia nhiều mô hình như tuyến đường hoa, sáng, xanh, sạch, đẹp,... cùng địa phương giữ vững danh hiệu xã văn hóa, nông thôn mới” - chị Hà nói. 

Mảnh đất Thanh Phú Long anh hùng từng được biết đến với trận đánh Cù Tròn trong chiến tranh đặc biệt Mỹ - ngụy vào năm 1964. Thời điểm ấy, dù lực lượng khá ít, song quân và dân Châu Thành kiên quyết bám trận địa và đẩy lui nhiều đợt tấn công của 2 trung đoàn bộ binh ngụy. 

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long - Phan Thị Mộng Thường cho biết, sau chiến tranh, địa phương ra sức khôi phục kinh tế, chăm lo cuộc sống cho người dân, nhất là những gia đình có công với nước. Thanh Phú Long là xã nông nghiệp thuộc vùng hạ của huyện Châu Thành, trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm đến 9,1%. Đến nay, địa phương “thay da, đổi thịt”, đạt chuẩn xã văn hóa, nông thôn mới và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Các tuyến giao thông nông thôn được bêtông hóa, nhựa hóa, bảo đảm việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Vùng đất Thanh Phú Long anh hùng nay vươn mình, nhiều hộ dân trở nên giàu có nhờ cây thanh long

Vùng đất Thanh Phú Long anh hùng nay vươn mình, nhiều hộ dân trở nên giàu có nhờ cây thanh long

Hầu hết người dân trên địa bàn xã có điện, nước hợp vệ sinh sử dụng. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 64 triệu đồng/năm. Hộ nghèo chỉ còn 2,3%. Đó là kết quả quá trình nỗ lực của chính quyền và người dân xã Thanh Phú Long. Đời sống khá lên, người dân chung tay đóng góp cho các công trình xây dựng nông thôn mới với hàng tỉ đồng. 

Mấy chục năm trôi qua, dấu tích tàn phá của chiến tranh dần lùi vào quá khứ, những vùng đất anh hùng vươn lên mạnh mẽ. Bằng ý chí, niềm tin và nghị lực, tin chắc rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra trong tiến trình xây dựng và phát triển quê hương./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết