Tiếng Việt | English

07/12/2024 - 12:43

Mở lối cho vùng biên đổi mới

Bây giờ về xã biên giới Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, đường vào các ấp không còn nhọc nhằn, vất vả như trước. Cảnh dắt bộ xe máy vì bùn bám dính hay di chuyển bằng xe máy cày vào những ngày mưa, đường lầy lội đã lùi vào quá khứ. Mỹ Quý Tây hôm nay đang bừng lên sức sống mới từ nghị quyết làm đường, mở lối cho phát triển.

Đồng lòng thực hiện

6 giờ sáng, đón chúng tôi, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 5 - Ngô Thanh Tuyền mở đầu cuộc chuyện trò bằng câu nói tỏ rõ niềm phấn khởi: “Giờ về Mỹ Quý Tây không còn cực như trước, không sợ bị mắc kẹt trong ấp khi mưa xuống. Có đường nhựa rồi nên cũng không còn đi máy cày ra thị trấn”.

Con đường nhựa ấy là tuyến đường ấp 4, 5, 6, xã Mỹ Quý Tây. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Huệ nhiệm kỳ 2020-2025, đầu tư láng nhựa tuyến đường này được chọn là công trình trọng điểm. Tuyến đường nối liền 3 ấp biên giới của xã, tổng vốn đầu tư hơn 78 tỉ đồng, được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Tuyến đường được khởi công đầu năm 2023, hiện thi công những đoạn cuối cùng, còn lại đa phần đã trải nhựa. Công trình là một niềm vui lớn của người dân nơi này để đón Xuân Ất Tỵ 2025.

Nhiều đoạn của tuyến đường ấp 4, 5, 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ đã hoàn thành láng nhựa, giúp đi lại dễ dàng

Tuyến đường này trước đây nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng. điểm đầu tuyến đường tại ấp 4, ngang qua ấp 5, liên hoàn ấp 6 và thông với tuyến đường tuần tra biên giới. Để giao thương, đi lại thuận tiện, huyện có chủ trương mở rộng mặt đường 11m.

Qua thống kê, để thực hiện tuyến đường, cả 3 ấp có hơn 460 hộ có đất, vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong diện giải phóng mặt bằng. Với những nông dân dãi dầu "một nắng hai sương", từng mảnh vườn, miếng ruộng là thành quả chắt chiu, tích cóp sau bao vụ mùa vất vả. Mỗi tấc đất với nông dân đều rất quý giá nên khi địa phương vận động hiến để làm đường, nhiều người cũng đắn đo.

Dù vậy, để “lộ thông - tài thông”, người dân sống 2 bên đường đã suy nghĩ thông suốt, đồng thuận cao, sẵn sàng hiến đất mở đường. Trong đó, anh Tuyền đã tiên phong đi trước để “làng nước theo sau”.

Nhà anh Tuyền cặp tuyến đường ấp 4, 5, 6, phía trước đã xây hàng rào. “Đợt rồi có chủ trương mở rộng đường nên tôi chủ động tháo dỡ hàng rào, tình nguyện hiến một phần đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Mình là trưởng ấp, đảng viên thì càng phải nêu gương cho người dân làm theo” - anh Tuyền chia sẻ.

Sau anh Tuyền, người anh trai ở gần đó cũng noi theo và tự nguyện hiến một phần đất làm đường, vì lợi ích chung và sự phát triển của địa phương.

Không chỉ tiên phong, gương mẫu, anh Tuyền còn tích cực cùng chính quyền, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân. Nhà của anh là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc họp dân trong ấp để thông tin về chủ trương làm đường.

Theo anh Tuyền, trong các cuộc họp, mọi thông tin về tuyến đường, hình thức thực hiện đều được công khai rõ ràng để người dân biết, hiểu rõ ngọn ngành và đồng thuận hiến đất. Anh cùng ban ấp, chính quyền địa phương còn nhiều lần đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động.

Khi tư tưởng nhiều người đã thông thì mọi việc trở nên “nhẹ tênh”. Nhờ vậy, sau hơn 1 tháng từ khi có chủ trương, công tác vận động giải phóng phóng mặt bằng hoàn thành, tuyến đường nhanh chóng được khởi công.

Điều trân quý là có hộ dẫu hoàn cảnh còn khó khăn nhưng cũng sẵn sàng hiến đất để thực hiện công trình. Trong đó, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (ấp 5) là một hộ như thế. Nơi bà đang ở vỏn vẹn 100m2 đất nhưng có 12m2 nằm trong diện mở rộng đường ấp 4, 5, 6. Vậy là, không đắn đo suy nghĩ, bà tự nguyện hiến để Nhà nước làm đường.

“Sinh sống tại đây thì phải càng có trách nhiệm với sự phát triển chung của quê hương. Có đường nhựa rộng rãi, thấy con cháu đến trường không lấm lem bùn đất, người dân đi lại thuận lợi, tôi cũng cảm thấy vui. Hiến đi phần nhỏ đất nhưng được lợi lớn thì có sá gì!” - bà Vân bộc bạch.

Được biết, gia đình bà được địa phương vận động nhà hảo tâm xây tặng căn nhà tình bạn để giúp vơi bớt khó khăn. Trước sự quan tâm đó, bà rất cảm kích.

Ở xã Mỹ Quý Tây, có thể nói nơi có nhiều thay đổi, khởi sắc nhất bây giờ là ấp 4, 5, 6, khi tuyến đường ngang qua 3 ấp được mở rộng, láng nhựa. Đường được đầu tư vừa giúp đi lại, giao thương thuận lợi, nâng cao đời sống người dân, vừa góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại
địa phương”.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây - Dương Văn Lam

Niềm vui lan tỏa

Hơn 40 tuổi đời, sinh ra và lớn lên ở Mỹ Quý Tây, anh Nguyễn Văn Bảy nói “đã chứng kiến con đường ấp 4, 5, 6 nhiều lần "thay áo mới””. Tuổi thơ anh ngày 2 lượt đến trường trên con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội, lấm lem bùn vào những ngày mưa.

Sau này, đường được trải sỏi đỏ, anh mừng thầm vì “đi lại không còn cần xe máy cày nhưng mùa nắng, bụi còn bay mù mịt”. “Chiếc áo mới” tiếp theo là con đường trải đá xanh. “Lúc này đỡ bụi nhưng đường còn hẹp, 2 xe đi qua tránh nhau cũng khó”- anh Bảy nhớ lại.

Đến lần gần đây, con đường được nhựa hóa, mặt đường rộng 11m. Hiện tại, việc thi công cơ bản hoàn thành, nhìn phương tiện qua lại bon bon, bụi không còn, mưa cũng chẳng gây sình bùn, anh Bảy “vui như tết”.

Anh chia sẻ: “Không vui sao được khi tuyến đường đổi mới, người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện. Khi đường được nhựa hóa, xe của bộ đội biên phòng, công an xã vào tuần tra cũng dễ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xóm, ấp”.

Tuyến đường ấp 4, 5, 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ đang hoàn thành những đoạn cuối cùng

Háo hức kể về tuyến đường, trưởng ấp Ngô Thanh Tuyền cho biết, gia đình anh canh tác 1,5ha lúa, mỗi năm 2 vụ. Từ nay trở đi, khi tuyến đường được đầu tư mở rộng, láng nhựa, xe ôtô ra vào vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng.

Còn trước đó, khi tuyến đường ấp 4, 5, 6 còn là đường đất, nhỏ hẹp, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần thu hoạch lúa xong, cả nhà vất vả chở ra tận đường lớn để thương lái đến mua. “Hồi đó, nông dân bị thương lái ép giá là vì vậy” - anh Tuyền nhớ lại.

Ông Võ Văn Em, ngoài tuổi 60 hiểu rất rõ những thay đổi của vùng biên giới nắng gió Mỹ Quý Tây. Ông nói: "Trước đây, vào mùa mưa, thấy nhiều học sinh đến trường bị bùn đất lấm lem quần áo mà thương. Hồi đó, tôi luôn mong đường rộng mở, được láng nhựa để đi lại, vận chuyển dễ dàng".

Vì vậy, đến khi Nhà nước có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường, ông gật đầu đồng ý hiến khoảng 2.000m2 đất thổ và vườn, góp phần để công trình khởi công sớm.

Nhìn sự thay đổi của quê hương, nhất là tuyến đường nối liền các ấp 4, 5, 6, ngang qua phía trước nhà được đầu tư mở rộng, thảm nhựa, ông rất đỗi vui mừng. Ngay cả công việc kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp của gia đình ông cũng có chiều hướng tốt hơn.

Cũng như ông Em, bà Lê Thị Gắt (60 tuổi) rất vui khi nói đến con đường nối các ấp 4, 5, 6 được đầu tư láng nhựa. Mỗi sớm, bà thức dậy từ 4 giờ, chạy xe máy từ nhà đến chợ Tho Mo lấy thịt cá, rau, củ về bán lại kiếm chút lời. Hôm gặp chúng tôi, dù chưa đến giữa trưa nhưng bà đã thu xếp hàng hóa, bàn ghế.

Bà Gắt hồ hởi khoe: “Gần đây, đoạn đường ngang qua nhà đã được trải nhựa nên buôn bán thuận lợi hơn, không ế như lúc trước vì người qua lại khu vực đông”.

Tuyến đường ấp 4, 5, 6, xã Mỹ Quý Tây - công trình của "ý Đảng - lòng dân" mở ra diện mạo mới cho vùng quê. Tuyến đường cũng được chọn thực hiện Đường cờ Tổ quốc.

Nhìn những lá cờ tung bay phấp phới, lòng người cũng khấp khởi mừng vui và tin tưởng diện mạo vùng quê này sẽ còn thay đổi nhanh và nhiều hơn nữa, đời sống người dân ngày càng nâng cao./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết