Tiếng Việt | English

30/09/2023 - 14:25

Vùng biên khởi sắc từ chương trình xây dựng nông thôn mới 

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Long An đã huy động nhiều nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển ở các huyện, thị xã biên giới. Các vùng quê trước đây khó khăn, nay đã "thay da, đổi thịt", góp phần xây dựng vùng biên giới vững mạnh.

Đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân biên giới

Đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân biên giới

Biên giới đổi thay

Về xã biên giới Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường hôm nay, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi sự thay đổi hoàn toàn so với những năm trước. Diện mạo xã khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị - Ngô Minh Tòng cho biết: “Khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, xã có điểm xuất phát thấp, nguồn lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật,... còn hạn chế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, năm 2019, xã đã "về đích" NTM”.

Bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Nổi bật là hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ phục vụ tốt việc đi lại, vận chuyển hàng hóa; hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm nâng cấp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống trường, lớp, trạm y tế được đầu tư đạt chuẩn theo quy định. Anh Nguyễn Văn Chiến (ấp 3, xã Thạnh Trị) bộc bạch: “Qua thời gian XDNTM, các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư, nhất là hệ thống kênh, mương nội đồng được xây dựng, nạo vét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất”.

Xã biên giới Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng đã đổi mới, những con đường trải nhựa, bêtông phẳng lì, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Cuối năm 2022, xã Hưng Điền A được công nhận đạt chuẩn NTM.

Từ đó đến nay, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng chất các tiêu chí (TC). Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 53 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 3,5%.

Trường học được đầu tư khang trang

Trường học được đầu tư khang trang

Ông Hồ Văn Đực (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A) phấn khởi nói: “Những năm qua, không chỉ diện mạo địa phương thay đổi mà đời sống người dân cũng không ngừng đổi thay. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều được quan tâm đầu tư giúp việc sinh hoạt, sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi. Dù nguồn lực có hạn nhưng người dân luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, nỗ lực thực hiện các TC NTM theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"".

Tập trung nâng cao đời sống người dân

Song song với đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, công tác chăm lo đời sống cho người dân vùng biên cũng được chú trọng. Các xã biên giới thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định,...

Các công trình dân sinh được đầu tư phục vụ đời sống người dân biên giới

Các công trình dân sinh được đầu tư phục vụ đời sống người dân biên giới

Thời gian qua, để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng tích cực triển khai, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, dạy nghề, nguồn vốn, phương tiện sản xuất. Gia đình anh Phạm Văn Triết và chị Nguyễn Thị Phải (ấp Thái Quang, xã Thái Trị) là một trong những hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phương tiện làm ăn.

“Không có đất sản xuất, tôi chỉ làm thuê theo mùa vụ, còn vợ tôi bán vé số nên thu nhập bấp bênh. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, xã hỗ trợ 1 máy phun xịt thuốc làm công cụ để tôi đi làm thuê, thu nhập mỗi ngày từ 200.000-300.000 đồng. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn” - anh Triết chia sẻ.

“Xác định nông nghiệp là kinh tế chủ yếu, xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng hệ thống đê bao lửng, trạm bơm điện, đẩy mạnh cơ giới hóa, tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân” - Chủ tịch UBND xã Thái Trị - Bùi Đức Thọ cho biết.

Xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng được đầu tư hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, xã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy thế mạnh từ trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Đời sống người dân biên giới không ngừng nâng cao

Đời sống người dân biên giới không ngừng nâng cao

Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trần Quốc Cường, để đạt kết quả trên, hàng năm, Đảng ủy xã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển trên các lĩnh vực XDNTM; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư phát triển và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn như hệ thống thủy lợi, đê bao lửng, trạm bơm điện gắn với giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, xã hoàn thành 12/19 TC xã NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 1,84%.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng qua thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, bộ mặt nông thôn của tỉnh, trong đó có vùng biên giới đã khang trang, sạch, đẹp hơn. Thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Điều đó thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm của người dân cùng chính quyền địa phương phát triển KT-XH, ổn định tình hình trên tuyến biên giới /.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết