Tiếng Việt | English

14/06/2022 - 19:35

Mở rộng đối tượng bạo lực gia đình đối với những người đã ly hôn

Thực tiễn có nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, chồng hoặc con của người yêu.


Ảnh minh họa. (Nguồn: bhattchicagodefenselaw.com)

Chiều 14/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận vào các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các vấn đề khác như: Các quy định về hành vi bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm; về tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quản lý Nhà nước…

Cần mở rộng đối tượng bạo lực gia đình

Tranh luận tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Tiền Giang cho rằng cần mở rộng đối tượng bạo lực gia đình đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.

Theo đại biểu Cầm, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật quy định: Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, chưa bao quát phản ánh hết các thực tế về bạo lực gia đình. Nêu thực tiễn về nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng hoặc con của người yêu, đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều 4 cũng được áp dụng đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.

Bên cạnh đó, đại biểu đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho hay quy định người sống với nhau như vợ chồng tại khoản 2, Điều 4 cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp với thực tế hiện nay tại Việt Nam. Theo đó, để đảm bảo công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đại biểu cho rằng khoản 2, Điều 4 cần phải điều chỉnh lại là hành vi bạo lực quy định tại Khoản 1 điều này còn được áp dụng đối với những người chung sống với nhau khi họ xác định có sự liên kết, gắn bó và trách nhiệm với nhau.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Vì vậy, cần phải có sự đột phá trong các giải pháp để có thể bảo vệ, hỗ trợ trẻ em một cách đặc thù, không chỉ đưa ra những quy định chung chung.

Hoàn thiện các quy định

Đại biểu Cao Mạnh Linh, Đoàn Thanh Hóa bày tỏ quan điểm về hoàn thiện các quy định về cơ chế, cách thức xử lý phù hợp với từng loại hành vi bạo lực gia đình.

Theo đại biểu Linh, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, Điều 4 dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm: Hành vi bạo lực về thể chất, hành vi bạo lực về tinh thần, hành vi bạo lực về kinh tế, hành vi bạo lực tình dục.

Ông cho rằng các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau. Về nguyên tắc để phòng chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi.

Ngoài ra, về cơ chế xử lý xác minh, tin báo tố giác về bạo lực gia đình chưa thực sự phù hợp với tất cả các hành vi.

Theo đại biểu, sẽ hiệu quả hơn nếu dùng thiết chế gia đình, xã hội để tham gia tư vấn giáo dục can thiệp bước đầu với số hành vi bạo lực mới được nhận diện về hình thức, hành vi mà không gắn với hậu quả cụ thể. Các biện pháp xử lý cơ bản chưa được cụ thể hóa về căn cứ, điều kiện áp dụng sẽ rất khó khăn trong việc xử lý.

Mặt khác, đa số các biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng chống các hành vi bạo lực về thể chất chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần như biện pháp cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc người bị bạo lực. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện thêm quy định về các hành vi bạo lực về cơ chế, cách thức xử lý và các biện pháp xử lý cụ thể cho phù hợp với từng loại hành vi mức độ của hành vi.

Đại biểu Cao Mạnh Linh cũng lưu ý bổ sung thêm cơ chế để gia đình, dòng họ, các mô hình xã hội hóa tham gia tích cực và công tác xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn. Có thể bổ sung việc người bị bạo lực có thể báo tin đến nhóm phòng chống bạo lực gia đình để tiếp nhận tư vấn xử lý; bước đầu bổ sung quyết định vai trò của câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững trong công tác tư vấn, hòa giải giáo dục, chuyển đổi hành vi bạo lực.

Vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong việc tham gia giáo dục, các thành viên trong gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình tham gia giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực.

Ông Linh cũng tán thành dự thảo Luật đã có quy định về chính sách thu hút nguồn lực xã hội, thể chế hóa một số mô hình xã hội hóa được thực hiện có hiệu quả thời gian qua đồng thời đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm, các điều kiện bảo đảm của các mô hình xã hội hóa để phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng chống bạo lực gia đình./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết