Tiếng Việt | English

29/07/2015 - 15:19

Mộc Hóa: Vùng sâu chuyển mình

Sau hơn 2 năm điều chỉnh địa giới hành chính, từ một huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn, đến nay, Mộc Hóa đã có nhiều khởi sắc với hàng loạt công trình được nâng cấp, xây mới, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, từng bước hình thành vùng lúa chất lượng cao và cánh đồng lớn, góp phần nâng cao đời sống người dân.

 

Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học-kỹ thuật trên đồng lúa chất lượng cao nhằm giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân

Những công trình hợp lòng dân

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An - Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết, hướng đến Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã tiến hành xây dựng 97 công trình hạ tầng KT-XH: Nâng cấp, mở rộng đường ra biên giới Bình Phong Thạnh - Bình Thạnh với kinh phí 34,1 tỉ đồng; đường liên huyện Mộc Hóa - Thạnh Hóa với kinh phí hơn 23 tỉ đồng; đường dal ven sông Vàm Cỏ Tây đoạn từ Cả Nổ đến kênh T6 thuộc xã Tân Thành với chiều dài gần 4km, tổng mức đầu tư 4,9 tỉ đồng,…

Ngoài nguồn kinh phí do Nhà nước đầu tư, người dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, tháo dỡ kiến trúc, hoa màu, hiến đất trị giá hàng chục tỉ đồng.

Được biết, hiện trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015, bình quân các xã đạt từ 8-12 tiêu chí. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho 2 xã Tân Lập và Bình Hòa Trung sớm đạt chuẩn NTM.

Về xã Bình Phong Thạnh hôm nay, vùng quê khó khăn thuở nào dần hiện ra dáng dấp của một khu đô thị với nhiều hoạt động kinh tế sôi động. Trụ sở UBND xã được xây dựng cùng với các tuyến đường nội ô được quy hoạch, làm mới sạch đẹp. Khu dân cư trung tâm xã, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, chợ nông thôn cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Đặc biệt, vào năm 2014, với nguồn kinh phí Về nguồn trên 96 tỉ đồng, xã đã xây dựng nhiều công trình đột phá, từng bước vươn lên trở thành đô thị loại V.

Ông Nguyễn Văn Đầm, ngụ ấp 1, đã chứng kiến bao cảnh thăng trầm của cuộc sống người dân vùng sâu này nhớ lại: “Ngày trước, nơi đây, đường sá đi lại hết sức khó khăn, chỉ toàn đường sình lầy làm gì có đường trải sỏi đỏ hay đá xanh như bây giờ. Điện, nước chẳng có, dân cư thưa thớt. Mùa khô hạn, người dân chỉ biết tận dụng nước kênh, rạch để uống chứ làm gì có nước máy qua lắng lọc, bảo đảm vệ sinh như bây giờ”.

Bên cạnh đó, niềm phấn khởi lớn của người dân Mộc Hóa nói chung và người dân xã Bình Phong Thạnh nói riêng là chiếc cầu dây văng đang được khẩn trương xây dựng bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, góp phần đưa vùng đất còn lắm khó khăn này thoát cảnh lụy đò, kết nối các xã với trung tâm hành chính của huyện.

Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Hóa lần thứ XI - nhiều tuyến đường được mở rộng

Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa

Sau khi chia tách địa giới hành chính, Mộc Hóa còn lại diện tích tự nhiên là 29.763ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 22.300ha. Diện tích gieo trồng lúa cả năm là 43.787ha, sản lượng đạt 260.000 tấn. Để nâng cao chất lượng, giá trị lúa hàng hóa cho nông dân, thời gian qua, huyện đã triển khai chương trình cánh đồng lớn và hình thành vùng lúa chất lượng cao, được đông đảo người dân tham gia.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng cho biết, đến nay, huyện đã hoàn thành quy hoạch vùng lúa chất lượng cao với 5.575ha, tập trung ở các xã Bình Hòa Tây, Bình Hòa Trung, Tân Lập. Cánh đồng lớn cũng được triển khai thực hiện trên 2.000ha, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế được nâng lên.

Ông Hứa Văn Thưởng, nông dân ấp Bình Trung 1, xã Bình Hòa Trung cho biết, tham gia chương trình, nông dân biết áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học-kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, gieo sạ theo lịch thời vụ tập trung, sử dụng giống xác nhận, sổ tay ghi chép theo hướng VietGap,… góp phần nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh nông sản và bảo vệ môi trường. Đặc biệt là tăng thu nhập, giảm chi phí, lợi nhuận cao hơn lúc chưa tham gia mô hình từ 1,8 - 2,2 triệu đồng.

Toàn huyện hiện có 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và các xã viên đều tham gia mô hình cánh đồng lớn; trong đó, HTX Bình Hòa, xã Bình Hòa Trung hoạt động tương đối hiệu quả. HXT này đã được Cty TNHH Việt Thanh ký hợp đồng đầu tư hỗ trợ chi phí ban đầu và bao tiêu sản phẩm đầu ra đối với giống lúa Nàng Hoa 9.

Diện tích ký hợp đồng bao tiêu là 165ha với 48 hộ tham gia. Cty thu mua lúa với giá cao hơn ngoài thị trường 100 đồng/kg. Nhằm tạo động lực cho nông dân và các HTX có thể nhân rộng diện tích, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, nhất là đầu tư thêm trạm bơm điện, đê bao lửng và tuyển chọn các giống lúa chất lượng mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Bên cạnh đó, địa phương góp phần đẩy mạnh liên kết 4 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân, nhằm ổn định việc tiêu thụ lúa hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân./.

Hữu Bằng

 

Chia sẻ bài viết