Tiếng Việt | English

22/06/2016 - 14:19

Nét đẹp chợ phiên vùng hạ

Đã nhiều lần đặt chân về vùng hạ, chúng tôi khai thác được rất nhiều đề tài. Nhưng có một điểm khác lạ, đặc biệt vẫn tồn tại giữa vùng hạ thân yêu này mà mãi sau này chúng tôi mới phát hiện ra. Đó là nơi này từ lâu có một chợ phiên vùng quê rất đẹp.


Chợ phiên Đông Thạnh thứ tư hằng tuần với đa dạng các loại hàng hóa

Chợ phiên họp một lần duy nhất vào ngày thứ tư hằng tuần tại xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Chợ không có ban quản lý, các tiểu thương nộp thuế hoa chi cho UBND xã. Chị Nguyễn Thị Phương Dung, nhà ở xã Đông Thạnh cho biết: "Từ lâu, chợ phiên trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, theo tôi nghĩ, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của người dân nơi đây và một số địa phương lân cận. Ai đã từng tham gia chợ phiên, hẳn không thể nào quên những nét đặc sắc của phiên chợ".

Những mặt hàng được bán ở chợ phiên nơi đây khá phong phú và đa dạng, nhưng chủ yếu là các mặt hàng do người dân địa phương làm ra. Chị Nguyễn Thị Nhâm, ở ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, chuyên kinh doanh các mặt hàng quần áo may sẵn cho biết: "Tôi thấy, sức tiêu thụ hàng hóa ở chợ này hơi chậm so với các chợ truyền thống khác, nhưng được cái buôn bán ở đây rất vui. Mỗi lần họp chợ, tôi bán được hơn 1 triệu đồng, lời được khoảng 100 ngàn đồng. Tôi đã bám trụ ở đây nhiều năm rồi nên cũng không có ý định bỏ phiên chợ. Người dân đến đây mua sắm chủ yếu là nông dân nên mặt hàng tôi bán được nhất là quần áo".

Còn bà Trần Thị Mười, ở ấp Trung, xã Đông Thạnh, chia sẻ: "Tôi bán các loại khô, mắm ở chợ này được vài năm rồi. Vì phiên chợ chỉ diễn ra duy nhất một lần mỗi tuần, vào ngày thứ tư nên buôn bán cũng tạm ổn. Dù thu nhập không nhiều lắm nhưng đỡ vất vả hơn so với làm ruộng. Phiên chợ chỉ diễn ra từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa nên sau khi dọn hàng, mình có thể về nhà làm được nhiều việc khác nữa. Buôn bán ở đây, mỗi phiên chợ, tôi lời khoảng 50-70 ngàn đồng".

Không biết chợ phiên Đông Thạnh này ra đời vào thời điểm nào, nhưng theo lời những người dân sống tại đây thì phiên chợ diễn ra khoảng 10 năm nay và bắt đầu nhộn nhịp trong vòng 7 năm trở lại đây. Theo ghi nhận của người viết, mỗi phiên chợ có cả trăm tiểu thương buôn bán với rất nhiều mặt hàng. Do không có ban quản lý nên UBND xã Đông Thạnh quản lý, điều hành và bảo vệ. Vì thế, phiên chợ luôn ngăn nắp, sạch sẽ và bảo đảm trật tự giao thông, không xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường. Tại phiên chợ, các tiểu thương buôn bán nhỏ, lẻ chỉ nộp thuế hoa chi, còn những tiểu thương buôn bán lớn hơn như vải vóc, quần áo may sẵn, đồ nhựa, điện gia dụng,... phải đóng thuế môn bài tại UBND xã.

Theo ý kiến một số người dân vùng hạ huyện Cần Đước, Cần Giuộc, chợ phiên Đông Thạnh là một nét đẹp vùng nông thôn mà những chợ truyền thống không có được. Từ khi có phiên chợ này góp phần làm cho việc giao thương hàng hóa của người dân thuận tiện hơn, mọi người đến đây mua sắm cũng thấy thích thú hơn. Ngày họp chợ, ngay từ sáng sớm, trên mọi nẻo đường, người dân từ khắp các xóm, ấp, nối tiếp nhau đổ xô về chợ. Người thì tự chở hàng, người thì dùng xe ba gác,... Các thiếu nữ cũng "tháp tùng" cùng bà, cùng mẹ dọn hàng; thanh niên trai tráng thì vận chuyển hàng từ các xe ba gác xuống,... tất cả tạo nên một bức tranh đầy sinh động ở một vùng quê nghèo.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: "Thật ra, không phải chủ yếu là nhu cầu đi mua sắm. Nhiều người đi chợ như một thói quen, để gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè. Đây là nét đẹp văn hóa, đặc trưng của người dân Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc nói riêng và của người dân vùng hạ trong tỉnh nói chung. Bởi, với họ, ngoài việc trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi trao đổi thông tin và giao lưu tình cảm. Tôi nghĩ, để nét đẹp văn hóa mộc mạc này được nhân rộng, cần nên có thêm vài phiên chợ như thế này ở một số địa phương khác".

Hiện nay, trong khi xu hướng thương mại hóa các chợ thì chợ phiên Đông Thạnh, là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc riêng của người dân vùng hạ, nét riêng độc đáo của các phiên chợ xưa. Đến chợ phiên Đông Thạnh, người mua không gặp cảnh mời chào, chèo kéo mua hàng mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ áo quần nông dân. Họ đến chợ, ngoài mục đích mua bán còn để vui với chợ, vui với khách hàng, cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, và sau hơn 5 giờ đồng hồ, họ lại "chia tay" nhau, trở về với công việc thường ngày, hứa hẹn sẽ gặp nhau vào chợ phiên của ngày thứ tư tuần tới./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết