Đỉnh núi Hoa Sơn - một trong năm ngọn núi thiêng liêng nhất của Trung Quốc - Ảnh: AP
Trong 21 địa danh có 12 di sản văn hóa, sáu di sản thiên nhiên và ba di sản kết hợp. Danh sách Di sản Thế giới hiện nay đã tăng lên 1.052 địa danh ở 165 quốc gia.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu danh sách 21 Di sản Thế giới do UNESCO công bố:
1. Rừng Thần Nông Giá (Trung Quốc)
Thần Nông Giá là một trong các khu rừng nguyên sinh rộng lớn nhất của Trung Quốc, tọa lạc tại tỉnh Hồ Bắc. Khu rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm bậc nhất như khỉ vàng, khỉ mũi hếch, kỳ nhông lớn, báo gấm, gấu đen Châu Á, đồng thời là khu vực trọng điểm để các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu về thực vật.
Loài khỉ vàng ở rừng Thần Nông Giá - Ảnh: Getty
2. Khu bãi đá Mistaken Point (Canada)
Với chiều dài 17km, khu bãi đá nằm ở phía đông nam Newfoundland là nơi tập trung các hóa thạch đại dương lâu đời nhất thế giới, có niên đại hơn 560 triệu năm trước.
Khu bãi đá Mistaken Point là nơi tập trung các hóa thạch đại dương lâu đời nhất thế giới, có niên đại hơn 560 triệu năm trước - Ảnh: AP
3. Quần đảo Revillagigedo (Mexico)
Quần đảo hoang vắng nằm ở phía đông Thái Bình Dương, bao gồm bốn đảo nhỏ là Clarión, San Benedicto, Socorro và Roca Partida.
Không chỉ là địa điểm lý tưởng để hàng ngàn con chim đến làm tổ và sinh sống, điểm độc đáo khiến Revillagigedo trở nên huyền bí là việc quần đảo chỉ là một phần nhỏ của cả dãy núi khổng lồ đang nằm chìm dưới Thái Bình Dương.
Quần đảo Revillagigedo - Ảnh: travelbymexico
4. Công viên quốc gia Sanganeb và Vườn Quốc gia Đảo Mukkawar (Sudan)
Công viên quốc gia Sanganeb là một hòn đảo san hô nằm ngoài khơi bờ biển Sudan, thu hút nhiều thợ lặn đến khám phá với dòng nước trong xanh và nhiều động vật hoang dã.
Vịnh Dungonab là nơi sinh sống của loài cá nược - một loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng giống như lợn biển và nhiều loài động thực vật quý hiếm khác như san hô đỏ, cá, rùa và cá mập.
Công viên quốc gia Sanganeb và Vườn Quốc gia Đảo Mukkawar - Ành: AP
5. Sa mạc Lut (Iran)
Sa mạc Lut nằm ở phía Đông nam của Iran, còn có tên gọi khác là Dasht-e-Lut. Từ tháng 6 đến tháng 10, nơi này có những đợt gió mạnh quét qua tạo nên những dải núi cát dài. Sa mạc Lut cũng là một trong những nơi nóng nhất trên thế giới.
Sa mạc Lut nằm ở phía Đông nam của Iran - Ảnh: AP
6. Dãy núi Tien-Shan (Kazakhstan, Kyrgyzstan & Uzbekistan)
Nằm dọc theo các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbeikstan, Tien-Shan là một trong các dãy núi rộng lớn nhất thế giới, với độ cao dao động từ 700m đến 4.503m. Nơi đây nổi tiếng với mức độ đa dạng sinh học cao, đặc biệt là cây và hoa.
Dãy núi Tien-Shan - Ảnh: AP
7. Dãy núi đá Ennedi Massif (Chad)
Dãy núi đá sa thạch tại Chad là địa điểm lý tưởng cho các tay leo núi ưa mạo hiểm, với những hẻm núi đã trải qua hàng ngàn năm phơi mình dưới gió và nước. Nơi đây còn chứa một trong những bộ sưu tập tranh vẽ trong hang động lớn nhất châu Phi.
Dãy núi đá sa thạch tại Chad là địa điểm lý tưởng cho các tay leo núi ưa mạo hiểm - Ảnh: Getty
8. Quần thể Ahwar (phía Nam Iraq)
Quần thể Ahwar gồm bảy địa điểm với ba điểm khảo cổ (Uruk, Ur và Tell Eridu) và bốn đầm lầy ngập nước, được cho là “Khu vực Eden” huyền thoại trong kinh thánh. Khu vực đầm lầy gần như bị hủy hoại dưới thời cựu Tổng thống Saddam Hussein, nhưng gần đây người ta đang nỗ lực khôi phục lại hệ động thực vật ở đây.
Quần thể Ahwar gồm bảy địa điểm gồm ba điểm khảo cổ (Uruk, Ur và Tell Eridu) và bốn đầm lầy ngập nước, được cho là “Khu vực Eden” huyền thoại trong kinh thánh - Ảnh: AP
9. Công trình kiến trúc Le Corbusier (Nhiều quốc gia)
Kiến trúc sư Charles-Édouard Jeanneret-Gris - còn được biết với tên Le Corbusier - đã để lại những tuyệt tác của mình ở khắp các quốc gia trên thế giới như Argentina, Bỉ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật và Thụy Sĩ.
Tất cả các tác phẩm của ông đều được UNESCO công nhận trong đợt xét duyệt lần này, bao gồm Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật phương Tây (Tokyo), Nhà Curutchet (Argentina)...
Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật phương Tây tại Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh: icomos
10. Xưởng tàu hải quân Antigua và Barbuda
Hải cảng chính của Antigua từ lâu đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho khách du lịch và những người đi biển nhờ kiến trúc kiên cố , với những vịnh hẹp, sâu được cao nguyên bao bọc để chống lại bão táp.
Khu xưởng tàu hải quân Antigua và Barbuda - Ảnh: AP
11. Quần thể hiện đại Pampulha (Brazil)
Khu quần thể hiện đại Pampulha ở Brazil do kiến trúc sư Oscar Niemeyer cùng các nghệ sĩ thiết kế theo phong cách sáng tạo, bao gồm khu casino, phòng khiêu vũ, câu lạc bộ du thuyền và nhà thờ.
Khu quần thể hiện đại Pampulha ở Brazil - Ảnh: AP
12. Công viên quốc gia Khangchendzonga (Ấn Độ)
Vườn quốc gia Khangchendzonga nằm ở tỉnh Sikkim phía bắc Ấn Độ, bao gồm thung lũng, hồ, sông băng, rừng nguyên sinh và những ngọn núi cao ngoạn mục, đặc biệt là đỉnh Khangchendzonga hiện cao thứ ba thế giới.
Công viên quốc gia Khangchendzonga - Ảnh: Getty
13. Khu nghệ thuật đá Zuojiang Huashan (Trung Quốc)
Những bức tranh vẽ trên vách đá dốc ở khu vực biên giới Tây Nam Trung Quốc miêu tả cuộc sống và các nghi lễ của tộc người Luoyue, được xem là bằng chứng hiếm hoi còn sót lại của nền văn hóa xa xưa.
Khu nghệ thuật đá Zuojiang Huashan - Ảnh: UN
14. Quần thể Nalanda Mahavihara (Ấn Độ)
Nalanda từng là một trường đại học vô cùng rộng lớn 800 năm trước, nơi truyền dạy những kiến thức về tôn giáo và học thuật. Ngày nay, địa danh này trở thành nơi lý tưởng cho các nhà khảo cổ với những tàn tích như các bảo tháp, đền thờ và tác phẩm nghệ thuật.
Quần thể Nalanda Mahavihara - Ảnh: Getty
15. Kênh Ba Tư (Iran)
Hệ thống kênh cổ chạy dọc theo các đường hầm dưới lòng đất, kéo dài hàng cây số để cung cấp nước liên tục cho người dân.
Từ thời xa xưa, nước được xem là một trong những hàng hóa quý giá nhất tại Iran, còn kênh tưới ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cho làng mạc và trang trại.
Kênh Ba Tư - Ảnh: Getty
16. Đảo san hô Nan Madol (Micronesia)
Nan Madol là chuỗi 99 hòn đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Pohnpei, được xây dựng trong những năm từ 1200 đến 1500.
Nơi đây từng là khu thực hiện nghi lễ của triều đại Saudeleur, một nền văn minh rực rỡ ở đảo Thái Bình Dương. Khách du lịch có thể tìm thấy nhiều cung điện cổ xưa bằng đá, lăng mộ và đền thờ.
Đảo san hô Nan Madol - Ảnh: AP
17. Nghĩa trang đá thời trung cổ Stećci (Nhiều quốc gia)
Stećci là một quần thể mộ bằng đá vôi thời trung cổ tại các nước Nam Tư cũ gồm Croatia, Bosnia và Herzegovina, Serbia và Montenegro, có thiết kế ấn tượng và được bảo quản khá nguyên vẹn dù được xây dựng từ những năm 1100.
Nghĩa trang đá thời trung cổ Stećci được bảo quản khá nguyên vẹn dù xây dựng từ những năm 1100 - Ảnh: 123rf
18. Khu khảo cổ học Philippi (Hy Lạp)
Thời xa xưa, khu khảo cổ học Philippi từng là thành phố nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng nối giữa châu Âu và châu Á. Nơi đây cũng tập hợp nhiều tôn giáo và nền văn minh gồm đế chế La Mã và Thiên chúa giáo.
Khu khảo cổ học Philippi - Ảnh: AP
19. Nghĩa địa đá Antequera (Tây Ban Nha)
Tính đến nay, khu mộ đá nhân tạo Antequera vẫn còn ở trong tình trạng khá nguyên vẹn dù đã trải qua hàng ngàn năm. Nơi đây được tin là một địa điểm thiêng liêng của người cổ đại.
Nghĩa địa đá Antequera - Ảnh: AP
20. Thành phố cổ Ani (Thổ Nhĩ Kỳ)
Thành phố Ani được xây dựng từ 1500 năm trước và là niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tận ngày nay. Nơi đây từng là thủ phủ của đế chế Armenia, sau đó bị tàn phá do động đất.
Thành phố cổ Ani - Ảnh: Getty
21. Tổ hợp hang động Gorham - Gibraltar (Anh)
Những vách đá vôi ở phía đông dãy núi đá Gibraltar có bốn hang động với cả một kho tàng khảo cổ học. Nơi đây từng là nơi sinh sống của bộ lạc người Neanderthal, với nhiều bằng chứng in trên vách đá, thông quá các công cụ săn bắn và đồ trang sức thô sơ./.
Tổ hợp hang động Gorham - Gibraltar - Ảnh: worldheritageuk
Bình Minh (Tuổi Trẻ online)/Theo Telegraph