Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 – 28/8/2015), sáng 12/8, Bộ Ngoại giao đã khai mạc Hội thảo khoa học “70 năm ngoại giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các cán bộ ngoại giao lão thành, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, kể từ khi thành lập cách đây 70 năm, ngành Ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia cũng như sự nghiệp Đổi mới, hội nhập, và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay. Ngoại giao cũng góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, những thành quả đó của ngành Ngoại giao bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập; từ những nỗ lực phi thường và sự hy sinh phấn đấu của biết bao thế hệ cán bộ ngoại giao. Những thành quả đó, cũng bắt nguồn từ sự phối hợp, hợp đồng tác chiến nhịp nhàng và chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương trong suốt 70 năm qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng khó lường, đất nước ta tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp về đối ngoại. Nhiệm vụ “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.” đặt các thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay trước những yêu cầu mới.
Các tham luận tại Hội thảo đều đánh giá cao những đóng góp của ngành Ngoại giao trong suốt 70 năm qua.
Bên cạnh đó, những định hướng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng về hội nhập quốc tế, đưa quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, Việt Nam tích cực chủ động trong hợp tác khu vực, nhất là trong ASEAN, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước – cũng phải được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả hơn, với sự đồng thuận rộng lớn hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn, trong những năm đổi mới vừa qua Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia; đã thiết lập được quan hệ ổn định, lâu dài với các nước, quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm vào đời sống chính trị khu vực và thế giới, phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng ASEAN.
Trên khía cạnh ngoại giao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, tham luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ; là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; là thành viên tích cực của các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC... Ngành ngoại giao đã góp phần tạo ra những kênh thu hút vốn đầu tư quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Ông Nguyễn Thế Phương cũng mong rằng với vai trò tiên phong, nòng cốt trong công tác đối ngoại, trong thời gian tới ngành ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác quan trọng để tranh thủ các nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.
Hội thảo có sự tham dự của tham dự của gần 100 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành và các nhà khoa học.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, gần 20 tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo này đã đánh giá một cách thẳng thắn về những thành công của ngoại giao Việt Nam trong 70 năm qua, góp phần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đến tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày nay; đồng thời các ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế cần rút kinh nghiệm cho công tác ngoại giao trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cho rằng, những ý kiến đánh giá, những kiến nghị thẳng thắn, khách quan sẽ giúp ngành Ngoại giao tiếp tục triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhân dân giao phó; góp phần tích cực và hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển vả bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hội thảo cũng là dịp để Bộ Ngoại giao hiểu rõ những yêu cầu mà đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội; các bộ, ban, ngành, địa phương đặt ra cho Ngoại giao. Với trách nhiệm là lực lượng nòng cốt trong mặt trận đối ngoại, với đặc thù là ngành có mạng lưới rộng khắp các cơ quan đại diện trên thế giới, Ngoại giao phải chủ động, tích cực hơn nữa trong đáp ứng yêu cầu của các bộ, ban, ngành, địa phương về thông tin, về sự hợp tác phục vụ nhiệm vụ chung. Đây là nhiệm vụ vinh quanh nhưng rất nặng nề.
Nối tiếp truyền thống 70 năm phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với đội ngũ cán bộ đông đảo và ngày càng chuyên nghiệp, với sự hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các bộ, ngành, địa phương, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác, các tổ chức quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng./.
Nguyễn Hùng/VOV.VN