Tiếng Việt | English

28/01/2017 - 12:05

Ngày xuân nhớ về hoa sen trắng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, chặng đường dài từ Bắc vào Nam, trong lòng của mỗi người lính đều có những kỷ niệm vui, buồn… Đối với tôi, có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc và không thể nào quên!

Hơn 45 mùa xuân đi qua mà kỷ niệm và nỗi nhớ như mới ngày nào, nỗi nhớ ray rứt đi vào trong tim tôi cho đến hôm nay. Đó là mùa Xuân năm 1971, sau cuộc đảo chính ở đất Chùa Tháp Campuchia mà LonNol lật đổ Quốc trưởng Norodom Sihanouk.

Tiếp đến là quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn ào ạt đổ quân vào Campuchia để hỗ trợ LonNol xóa bỏ chế độ phong kiến trung lập, tạo một chính phủ thân Mỹ để làm bàn đạp trực tiếp chống phá cách mạng cả 3 nước Đông Dương; thực tế là đánh phá các căn cứ quân sự của quân giải phóng dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn Quân khu 8 từ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cho tới huyện Cao Lãnh của tỉnh Kiến Phong (tỉnh Đồng Tháp ngày nay).

Minh họa: Thiện Mỹ

Thời điểm này, lực lượng cách mạng Campuchia còn mỏng, tuy có thời cơ nhưng chưa đủ sức để đánh trả bọn xâm lược cho nên Quân khu 8 phải đưa quân giải phóng sang giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia và cũng là bảo vệ các căn cứ quân sự của ta dọc biên giới.

Lúc này, tôi là Tiểu đoàn trưởng của Z15 (eBB88B) giúp bạn ở 2 tỉnh Prey Veng và Svay Rieng, cắt đứt và chiếm giữ Quốc lộ 1A từ Mộc Bài đi Phnom Penh - thủ đô Campuchia. Lúc đó, có một quân y viện dã chiến của Quân khu 8 là X12A ở khu vực Prey Veng.

Tôi bị thương nặng phải vào quân y viện này điều trị. Các bác sĩ ở đây phần lớn quê ở miền Bắc, từ các Bệnh viện 108, Việt Đức, Xanh Pôn và các bác sĩ miền Nam ra Bắc tập kết, nay trở về Nam và có nhiều y tá, y sĩ còn trẻ ở Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Kiến Phong.

Trong lúc chữa trị vết thương, tôi quen biết các y tá, hộ lý. Có 2 người mà tôi quý mến, nhất là dược sĩ cao cấp Ngô Thị Tích, quê ở Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và y tá Nguyễn Thị Cách nhận tôi là anh kết nghĩa và em giới thiệu em ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An ngày nay. Qua tìm hiểu, tôi biết được tên thật của của em là Huỳnh Thị Lan, 17 tuổi theo cách mạng, lúc đầu làm giao liên; sợ liên lụy cho cha mẹ ở quê nên em đổi tên là “Cách” - có nghĩa là đi làm cách mạng.

Sau thời gian điều trị, vết thương của tôi hồi phục. Buổi chiều ngày 16-7-1971, em đến và nói với tôi: “Ngày mai, em qua biên giới để gặp má, định rủ anh đi nhưng vì anh là thương binh nên thôi. Gặp má, em sẽ nói về anh!”.

Thế nhưng chuyến đi đó, Cách không gặp được má, má bị địch bắt tạm giam vì xuồng của má chở thuốc tây, cá khô, mì tôm rất nhiều. Nghe kể lại, địch nói má đi tiếp tế cho Việt Cộng ở biên giới, sau một tháng, má được trả tự do. Chiều ngày 19-7-1971, em về gặp tôi. Trên tay em ôm một bó hoa sen trắng đến tặng tôi và nói: “Ngày mai sinh nhật anh. Nếu hôm ấy gặp được má thì có quà rồi, nay không có, em chỉ tặng anh bó hoa sen quê em mừng ngày sinh nhật”. Tôi xúc động rơi nước mắt.

Mùa Xuân, ngày 5-2-1972, tôi có lệnh dẫn Tiểu đoàn 510 về nước chiến đấu. Tôi đến gặp em để chia tay và tặng em một bộ quần áo bà ba đen. Em nói ngay: “Quân y viện cũng có một bộ phận tăng cường cho bệnh xá vùng 4 Kiến Tường, khoảng 7 ngày nữa đoàn mới đi, anh đi trước, thế nào anh em mình cũng gặp nhau!”.

Ngày 20-3-1972, đơn vị tôi đóng quân ở Kênh Ngang - Bắc kênh Dương Văn Dương và chiến đấu ngay. Đến đầu tháng 4-1972, sau chiến đấu, đơn vị rút về kênh 3 Gò Tháp để củng cố, rút kinh nghiệm.

Tôi có tìm đến Quân y của tỉnh để tìm em nhưng được chị Bảy Huệ cho biết: “Cách có tên trong danh sách quân y Quân khu tăng cường, nhưng khi vượt qua kênh Cái Bát, bị địch phục kích, em đã hy sinh”.

Tôi hỏi về phần mộ của em nhưng không ai biết. Mãi đến khi đất nước thống nhất, ngày 30-4-1975, tôi có ý định về quê tìm kiếm gia đình em, hỏi xem phần mộ của em ở đâu để thắp cho em nén hương tưởng nhớ. Nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra, tôi lại tiếp tục đi chiến đấu; đến tháng 3-1979, tôi được điều ra miền Bắc làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn chống quân Trung Quốc xâm lược.

Đến cuối năm 1988, tôi lặn lội về xã Bình Hòa Nam tìm gia đình em, nhưng ở địa phương không ai biết. Tôi lại đi tìm người bạn cũ để hỏi thăm em thì được biết, sau khi má ra tù, cả nhà chuyển về Đức Hòa, chỗ ở không rõ, chỉ biết gia đình em hiện còn một người chị gái có chồng ở Bến Tre và đổi tên nên chưa tìm được. Tôi hỏi về phần mộ của em thì được biết, lúc hy sinh, em được đồng đội an táng gần Gò Măng Đa. Tôi tìm đến Gò Măng Đa thì thấy số mộ tập thể được cải táng về Nghĩa trang Mộc Hóa.

Tôi đến Nghĩa trang Mộc Hóa, gặp vợ chồng chị Loan - Quản trang ở đây, được biết, 7 phần mộ an táng ở lô A đều chưa biết tên. Chị Loan nói: “3 ngôi mộ ở đầu được xác định là nữ vì khi cải táng còn mái tóc dài!”.

Tôi trở về xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh trong ngày và nhờ người mua giúp được 50 bông hoa sen trắng, tôi chia ra thành 3 bó trân trọng đặt lên 3 ngôi mộ, trong đó có mộ của em Nguyễn Thị Cách (Huỳnh Thị Lan). Thường năm, cứ mỗi dịp chuẩn bị đón xuân, tôi lại đến Nghĩa trang Mộc Hóa thắp hương cho đồng đội eBB88, trong số hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ ở đây, phần lớn đều chưa biết tên. Em cũng như bao đồng đội nằm yên nghỉ vĩnh hằng giữa mùa xuân của dân tộc và trong lòng đất Mẹ Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Những nén hương thơm hòa trong sương khói, quyện giữa đất trời đang tiết sang xuân. Những đóa sen trắng, những đóa sen hồng thơm ngát, lung linh như đang mỉm cười trước gió, như bao gương mặt rạng ngời của các anh, các chị thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho quê hương, Tổ quốc vững bền./.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7)

Chia sẻ bài viết


lan hồ điệp giá tốt tại q2