1. Tết! Ngôi nhà tình nghĩa của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Nữa, 91 tuổi ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An lại rộn rã tiếng cười của con, cháu cùng về quây quần bên mẹ. Trong số ấy, có cả những người con năm xưa từng được mẹ nuôi giấu, chở che. Nhìn con cháu đông đủ, mẹ mừng! Nhưng sâu thẳm đáy lòng, một nỗi buồn man mác vẫn chưa nguôi ngoai khi “tất cả đã về đây, chỉ tiếc là ông Mười Ròm, thằng Châu không về nữa”, mẹ tâm sự.
Mẹ Lê Thị Nữa năm nay 91 tuổi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn
Hai người ấy chính là chồng, con trai của mẹ hy sinh trong cuộc chiến tranh ác liệt. Liệt sĩ Phan Văn Châu – con trai của mẹ hy sinh khi mới 17 tuổi. “Năm đó, nhận tin thằng Châu hy sinh, mẹ như chết đi. Nhưng... chiến tranh mà! Làm sao tránh khỏi sự ra đi, thà chết vinh còn hơn sống nhục” - mẹ nghẹn ngào nhớ lại.
Lau nước mắt khi kể về con trai, mẹ tiếp tục câu chuyện về sự hy sinh của chồng.
Năm đó, mẹ bị giặc bắt. Ở trong tù, bọn chúng dùng đòn roi tra tấn dã man nhưng mẹ quyết không khai nửa lời về chồng. Bất lực trước người phụ nữ kiên trung, giặc thả mẹ về. Về đến nhà, gặp chồng được vài hôm, những câu chuyện trong tù còn chưa kể hết thì ông hy sinh. Mẹ khóc thật nhiều, buồn vô tận khi chồng, con đều ngã xuống nhưng nỗi đau ấy không làm mẹ chùn bước. Ngược lại, mẹ thay chồng nuôi các con còn lại, tiếp tục con đường cách mạng mà chồng và con trai đã lựa chọn.
Chỉ tay về phía giếng nước, mẹ kể tiếp, ở chỗ đó rồi trong nhà bếp, ngoài chuồng bò đều có hầm ẩn nấp của bộ đội. Thời gian này, giặc đánh phá ác liệt, 3 mẫu ruộng của gia đình liên tục thất mùa, nhưng mẹ vẫn cố gắng bảo đảm lương thực cho bộ đội. Mẹ nói: “Để anh em no bụng chiến đấu, cả nhà mẹ ăn cháo, ăn khoai dành gạo nấu cơm nuôi bộ đội. Cũng vì che giấu lực lượng cách mạng nên chuyện giặc hay tới nhà bắt bớ là thường xuyên. Ngôi nhà lợp ngói âm dương của mẹ từng bị bọn chúng đốt cháy 3 lần. Không còn nhà cửa nhưng mấy mẹ con vẫn bám trụ lại quê hương để nuôi cách mạng”.
Ngoài nuôi giấu cách mạng tại nhà, mẹ còn tham gia làm giao liên, đưa thư cho bộ đội. “Có hôm, bọn chúng đến nhà, dội nước xà bông lên đầu mẹ và dọa bắt bớ. Đứa con gái thấy vậy hỏi với giọng ngọng nghịu, ngây thơ “bữa nay, lính ra gội đầu cho má hả?”, mẹ vừa kể vừa cười khi nhắc lại chuyện ngày xưa.
Tết năm nay, cái tết đầu tiên từ khi được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ có thêm những người con của Bộ Quốc phòng, Công an huyện Đức Hòa – đơn vị nhận phụng dưỡng cùng các đoàn của tỉnh, huyện, xã đến thăm. Khi ấy, mẹ sẽ vui hơn - vì vẫn còn đây những người con của thế hệ hôm nay quan tâm chăm sóc.
2. Mẹ Lê Thị Bê, 79 tuổi ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ có chồng, con trai hy sinh trong cuộc chiến. Chồng mẹ - liệt sĩ Võ Văn Xê, hy sinh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Mẹ một mình tảo tần nuôi 3 người con và cha mẹ chồng. Thời chiến, mẹ sản xuất 1ha ruộng để lấy gạo nuôi bộ đội. Lúc đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đóng quân tại nhà mẹ, ở trong các hầm bí mật. Giặc phát hiện, nhiều lần lùng sục nhưng mẹ vẫn kiên tâm che chở cho chiến sĩ cách mạng.
Mỗi khi nhớ con trai, mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bê thường lấy ảnh con ra xem
“Có một hôm lục nhà, bọn giặc phát hiện súng, radio, đồ đạc, tài liệu của chị Tư Sen nên gặng hỏi “bà không làm Việt cộng thì những thứ này là của ai?”. Khi đó, mẹ bình tĩnh, giả khờ trả lời với lính “túi này là của thằng con trai tôi đi cách mạng, hôm đi ngang qua nhà, nó gửi lại, tôi tưởng quần áo nên không mở ra xem”. Bọn giặc quay sang bắt con trai của mẹ khai nơi chị Tư Sen ẩn nấp thì sẽ thả mẹ ra nhưng nó cũng không khai. Sau lần đó, bọn chúng bắt mẹ vào tù để tra tấn”, mẹ Bê kể lại.
Những năm tháng ở tù, từ nhà tù Tân Trụ, Long An rồi lên Chí Hòa, Thủ Đức, biết bao cực hình tra tấn dã man mà bọn giặc đã gián xuống thân hình ốm yếu của mẹ nhưng cuối cùng, bọn chúng chỉ nhận lại cái lắc đầu cùng câu trả lời “không biết”. Thấy không khai thác được gì, bọn chúng đưa mẹ ra tù Côn Đảo. Gần 30-4-1975, khi hay tin quê hương sắp hòa bình, anh em trong tù ai cũng vui mừng khôn xiết - mừng vì sắp trở về quê nhà, sắp đoàn viên cùng gia đình! Nhưng niềm vui mừng của mẹ chưa trọn vẹn.
Tàu đưa mẹ từ nhà tù Côn Đảo trở về đất liền, cập bến ở Vũng Tàu vào hừng đông sáng, mẹ được phép ở lại đây nghỉ dưỡng vài ngày rồi về Mỹ Tho, Long An. Đến Long An, mẹ được ở lại mấy ngày nghỉ ngơi rồi mới về Tân Phước Tây - quê nhà, nhưng vừa đến nơi, hay tin con trai Võ Văn Y hy sinh, mẹ tức tốc chạy ngay về Tân Phước Tây. “Chẳng hiểu sao lúc đó, gương mặt mẹ ráo hoảnh, nước mắt không thể rơi vì nỗi đau quá lớn. Hòa bình đến rồi mà mẹ con không được gặp nhau. Đến nhà, nhìn mộ con còn xanh cỏ, mẹ òa khóc như đứa trẻ vừa mất đi một điều gì thân thuộc” – mẹ nghẹn ngào.
Dù chồng và con trai lớn nằm trong lòng đất mẹ từ lâu nhưng ngày nay, mẹ còn vợ chồng người con trai thứ và cháu nội ngày đêm chăm lo bữa ăn, giấc ngủ. Ngoài ra, mẹ đang được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 nhận phụng dưỡng. Tết này, những lời thăm hỏi, những cái siết tay thật chặt của các con trong các chuyến về thăm sẽ làm ấm lòng người Mẹ Việt Nam Anh hùng từng chịu nhiều đau thương, mất mát.
3. Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Gương, 90 tuổi ở ấp 2, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa nằm sâu trong con đường nhỏ. Đường vào nhà mẹ chỉ vừa cho một chiếc honda chạy và ngang qua những chiếc cầu cây cheo leo, không tay vịn. Vậy mà, mỗi năm, khi xuân về tết đến, tỉnh, huyện, xã và đơn vị phụng dưỡng – Sở Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đều đặn về thăm mẹ. Đó là nghĩa, là tình, là trách nhiệm của những người con hôm nay dành cho mẹ!
Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Gương
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Tân Tây, cũng như bao người phụ nữ khác, mẹ lấy chồng, sinh con và lo việc đồng áng. Nhưng khi quê hương ngập tràn bóng giặc ngoại xâm, mẹ sẵn sàng tiễn chồng, con lên đường làm tròn nhiệm vụ với non sông, Tổ quốc. Chồng mẹ khi đó tham gia du kích tại địa phương, còn 3 người con trai thoát ly đi cách mạng khi tuổi đời còn khá trẻ.
Khi giặc đánh phá ác liệt, mẹ dắt díu 6 người con còn lại lên tận Tây Ninh sinh sống, chờ ngày hòa bình sẽ trở lại quê hương đoàn tụ cùng chồng và các con đang đi kháng chiến. Ngày hòa bình mà mẹ mong chờ cũng đến nhưng khi trở lại quê hương, ước mơ sum vầy cùng các con lại dở dang. Bởi, 3 người con trai của mẹ, anh Nguyễn Văn Sành, Nguyễn Văn Liền và Nguyễn Văn Lạc đã lần lượt hy sinh vào các năm 1967, 1969 và 1970.
Đau thương mất mát nhưng người mẹ Tân Tây ấy vẫn gượng dậy nuôi dạy các con còn lại. Mẹ Gương cũng là một trong những Mẹ Việt Nam Anh hùng của Long An được dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại thủ đô Hà Nội. Mẹ nói rằng, về thủ đô, lòng mẹ lại xúc động, nỗi nhớ con lại trào dâng nhưng khi nhìn quê hương phát triển như ngày nay, mẹ tự dặn lòng hãy nén nỗi đau riêng hòa vào niềm vui chung của dân tộc.
Mẹ là tấm gương sáng của lòng hy sinh, tính đảm đang, trung hậu trong suốt thời chiến đến thời bình.
Mẹ Việt Nam Anh hùng – những người mẹ đã chịu nhiều hy sinh, mất mát. Vì vậy, chăm lo, tri ân các mẹ là nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ đang hưởng trái ngọt thanh bình hôm nay. Để rồi, mẹ là tấm gương sáng cho chúng con noi theo, tiếp bước dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, toàn tỉnh có 4.403 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, tính đến tháng 12-2015, toàn tỉnh còn 299 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Hằng năm, vào dịp Tết Cổ truyền, tỉnh, huyện, xã đều tổ chức đoàn đến thăm hỏi, chúc tết các mẹ. |
Thùy Hương