Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy và Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương diễn lại trích đoạn vở cải lương Tô Ánh Nguyệt
Từ khởi nghiệp đến thời vàng son
NSND Lệ Thủy (tên thật Trần Thị Lệ Thủy), sinh năm 1948 tại tỉnh Vĩnh Long nhưng lớn lên ở TP.HCM. NSND Lệ Thủy không phải là con nhà nòi hay dòng họ có truyền thống về nghệ thuật.
Bà trở thành một tài danh của cải lương có lẽ là duyên tiền định. Để rồi, các em của bà noi theo, cũng trở thành những NS cải lương tên tuổi (nhạc sĩ Thanh Liêm, NS Lệ Thu và NS Dạ Hương đều từng là đào chánh).
Trong những người con của bà, có Đình Trí tuy tốt nghiệp ngành Ngoại thương và Kế toán của Đại học Victoria ở Úc nhưng có lẽ hấp thụ “máu nghề” của mẹ nên Đình Trí có khả năng nghệ thuật, sáng tác được tân cổ nhạc.
Thời gian sống ở quận 4 (TP.HCM), nhà của NSND Lệ Thủy gần một tiệm sửa radio - cassette nên hàng ngày, bà được nghe ca cổ và cải lương. Lúc đó, bà thích và chú ý giọng ca của NS Thanh Hương (con gái của NSND Năm Châu) với bài vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy, rồi bà ca theo khi ngẫu hứng.
Những người trong xóm nghe bà ca đều khen và nói: “Lệ Thủy chắc sau này trở thành NS nổi tiếng vì ca hay lại đẹp người, đẹp nết nữa”. Ở xóm có nghệ nhân Năm Truyền đờn kìm, thấy bà có làn hơi, chất giọng tốt nên ông nhận dạy nhịp nhàng, hơi điệu và kỹ thuật ca vọng cổ.
Ở xóm lại có Ban Tài tử - Cải lương của ông Tư Long và ông cũng chú ý đến giọng ca của Lệ Thủy nên nhờ nghệ nhân Năm Truyền xin cho Lệ Thủy gia nhập vào ban. Như vậy, nghệ nhân Năm Truyền là người thầy đầu tiên và ông Tư Long là người thầy thứ hai dìu dắt Lệ Thủy bước vào con đường nghệ thuật.
Sau một thời gian học và có “vốn liếng” ca diễn, NS Lệ Thủy vào gánh Cải lương Trâm Vàng (năm 1960). Ban đầu, bà chỉ ngâm thơ ở hậu trường và thỉnh thoảng ca vọng cổ salon trước khi gánh mở màn vở diễn chính.
Đó cũng là thời gian bà học kinh nghiệm về kỹ thuật biểu diễn của những đồng nghiệp đi trước. Hai năm sau, NS Lệ Thủy bắt đầu hát đào chánh (năm 1962) và đoạt giải Thanh Tâm ( năm 1964).
Khi NS Lệ Thủy về Kim Chung V hát chánh với cố NS Ưu tú Minh Phụng là thời kỳ vàng son của bà, được báo giới tôn tặng là cặp “bão biển” của sân khấu cải lương lúc bấy giờ.
Những vai nổi tiếng của NSND Lệ Thủy thời đó như Hồ Như Thủy trong Xin một lần yêu nhau, Bạch Thiên Nga trong Máu nhuộm sân chùa, Hồ Bảo Xuyên trong Đêm lạnh chùa hoang,...
Năm 1975, NSND Lệ Thủy hát đào chánh cho Đoàn Cải lương Sài Gòn II, vào những vai nổi tiếng như Cẩm Nhung trong Lỡ bước sang ngang, Hiền trong Ánh lửa rừng khuya,... Kế đó, bà về Đoàn Văn công TP.HCM, đóng các vai: Hạnh trong Cây sầu riêng trổ bông - vở cải lương vang tiếng khắp cả nước, doanh thu cao suốt 5 năm liền. Và vai đáng nhớ hơn là Xuân Hồng trong Tiếng sóng Rạch Gầm đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc - 1980, rồi đoạt giải Diễn viên A1 toàn quốc (năm 1982).
Về Nhà hát Trần Hữu Trang lần thứ nhất, NSND Lệ Thủy có vai nổi bật là Kate trong Hòn đảo thần vệ nữ; rồi về Đoàn Cải lương 2 - 84, bà để lại nhiều vai ấn tượng như Kim Anh trong Đời cô Lựu, Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt, Xuân Tự trong Áo cưới trước cổng chùa, Hương trong Kiếp chồng chung, Lỗ Tứ Phượng trong Lôi vũ, công chúa Thiên Kiều trong Trắng hoa Mai, Ái Nhân trong Lời ru của biển,...
Năm 1989-1994, nữ NS trở lại Nhà hát Trần Hữu Trang lần thứ hai với những vai tiêu biểu như Mai trong Nghiệp cầm ca, Thùy Trang trong Một chuyện tình buồn, Lệ Chi trong Lá thắm chỉ hồng,…
NSND Lệ Thủy không chỉ giàu nhiệt huyết với nghề mà còn tôn trọng và quý mến đồng nghiệp, không phân biệt cao thấp, tài danh hay sang hèn, thứ bậc, đều nhiệt tình giúp đỡ những diễn viên trẻ,...
Khi sàn diễn không còn đủ sức chinh phục khán giả, NSND Lệ Thủy hoạt động độc lập theo show (năm 1994). Từ đó đến nay, bà cùng bạn bè, người thân, nhà hảo tâm tổ chức nhiều chuyến công tác từ thiện - xã hội như cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai, người già neo đơn, bệnh nhân nghèo, học sinh nghèo hiếu học,... ở nhiều nơi. Có lẽ, một trong năm yếu tố của NSND Lệ Thủy, cái đức là ở chỗ này.
Khán giả khóc, cười cùng vai Nguyệt
NSND Lệ Thủy là đào thương cải lương thanh sắc vẹn toàn, lại còn đức hạnh và tài - duyên. Tài ca diễn, cái duyên cuốn hút của NSND Lệ Thủy thể hiện qua biết bao vở diễn. Biết bao khán giả đã khóc, cười cùng những vai diễn của bà.
Cái duyên của Nguyệt trong vở Tô Ánh Nguyệt mà NSND Lệ Thủy biểu đạt làm cho khán giả quên đi mình đang xem cải lương, họ bị nữ NS lôi cuốn vào số phận nhân vật Nguyệt. Khi Nguyệt vui tươi, tâm tình với Minh lúc 2 người mới yêu nhau thì nữ NS là một cô gái vừa e dè, chân quê, vừa thổ lộ tình cảm kín đáo của mình một cách duyên dáng, ca diễn hồn nhiên như một cô thôn nữ hiền lành, chân chất,...
NS Lệ Thủy đã tạo ra nét trữ tình trong cuộc hội thoại với Minh, những nét dịu dàng và mộc mạc đó rất đáng yêu, tức bà đã làm cho khán giả vui lây với tình cảm mà bà thể hiện qua vai Nguyệt. Nhưng khi gia đình Minh và Nguyệt không đồng nhất quan điểm “đả cựu nghinh tân - thủ cựu bài tân” đã dẫn đến bi kịch tình yêu chân chính của Minh và Nguyệt.
Số phận của Nguyệt lâm vào cảnh trái ngang, nghiệt ngã, tâm trạng khổ đau trước tình yêu bị gãy đổ. Nhưng có lẽ Nguyệt còn đau hơn khi bị cha buộc Nguyệt phải giao con của mình cho Minh. NSND Lệ Thủy ca diễn lớp này đã làm không biết bao nhiêu khán giả phải khóc theo bà diễn. Giọng bà trầm xuống, khi ca không ngọt ngào và trữ tình như lúc ca vọng cổ mà ca trong tâm trạng đau khổ của Nguyệt, ca như than vãn cho số phận đắng cay. Làn hơi của bà như khuất đi độ ngân rung mà thay vào đó là ngữ điệu lên xuống của giọng ca như nấc nghẹn, nhất là câu nói: “Ba nói là ba thương con, nhưng sao ba lại cấm con thương con của con?” - bà nói trong nước mắt, làm cho khán giả nao lòng và không cầm được nước mắt, nhất là những phụ nữ có con.
Kết hợp lối diễn lột tả tâm lý nhân vật, Lệ Thủy hoàn toàn hóa thân vào Nguyệt, biểu đạt chậm rãi, sâu lắng bằng đôi mắt đượm buồn sầu thảm với nét mặt sầm lại để khóc cho số phận trớ trêu...
Đến lớp được tin Tâm (con trai của Nguyệt và Minh) đã lớn và sắp thành hôn, Nguyệt thêu cặp áo gối để tặng con trong ngày cưới. Niềm hạnh phúc của người mẹ vui mừng khi thấy con trưởng thành, Nguyệt không biết chia sẻ cùng ai, chỉ bày tỏ với em trai là cậu Tân.
Lúc này, NSND Lệ Thủy ca diễn chuyển qua trạng thái của người phụ nữ vô cùng hạnh phúc, vì bà đã làm được một việc vì con. Lệ Thủy lại ca diễn tươi tắn, mắt ánh lên niềm sung sướng, gương mặt rạng rỡ hẳn, khác xa với trước đó, dường như tâm trạng vui mừng lúc này được Lệ Thủy biểu đạt như trước đó chưa hề đau khổ vì những tâm sự trái ngang. Biểu đạt của Lệ Thủy lúc này là miêu tả trạng thái, tâm lý của Nguyệt một cách tinh tế, làm cho khán giả cũng quên đi những nỗi niềm đau khổ trước đó, phấn khởi vui lây, cười nói và đồng cảm với cái duyên quyến rũ ấy của Lệ Thủy.
Nhiều người cho rằng, chính cái tài và cái duyên ca diễn của Lệ Thủy mà khán giả càng cảm tình, thương mến, chia sẻ với số phận trắc trở của Nguyệt.
NSND Lệ Thủy vốn thiên phú làn hơi chất giọng “thổ pha kim”, tức cao độ có thể xuống cực thấp, trầm hóa và khi cần lên cao cũng có khả năng làm cho giọng trong và cao, vừa giảm thiểu họa âm (do một chút pha kim tạo được âm bổng) của hơi khàn khàn.
Qua hai câu vọng cổ lớp này, không những khán giả mộ điệu càng ái mộ thần tượng của mình mà còn mến phục tài duyên ca diễn của NSND Lệ Thủy về diễn đạt tâm trạng trầm tĩnh trong ca ngâm, nhấn trọng âm các ca từ biểu cảm và ca nói ngân nhẹ làn hơi để tạo âm giọng ngọt ngào theo sở trường ca cổ thuần chất của bà.
Khán giả vừa thỏa mãn tài duyên ca ngâm của NSND Lệ Thủy và NSND Minh Vương trong cuộc hội thoại, người hối hận, kẻ trách hờn thì lại chuyển sang một tâm trạng khác. Khi lúc Minh về thì Tâm vô tình gặp Nguyệt và có lời lẽ cấm đoán, xúc phạm Nguyệt vì Tâm không biết Nguyệt chính là mẹ ruột của mình. Còn Nguyệt biết con mà không thể thốt nên lời để gọi là con.
Lệ Thủy biểu đạt cảnh tình ngang trái đó bằng ngữ điệu của người mẹ nói với con trong trạng thái đau khổ, xót xa, pha chút nghẹn ngào và rơi nước mắt khi Tâm nói: “Bà là mẹ ai? Bà điên rồi hả? Bà là người đang tâm phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác”, rồi Tâm bỏ đi.
Nguyệt của Lệ Thủy nghẹn ngào nói trong đau xót: “Không! Tôi không phá hoại hạnh phúc của người khác. Tôi rất tôn trọng hạnh phúc của người khác - nhưng chẳng lẽ suốt đời tôi mất đi cái bổn phận - cái quyền làm mẹ nữa hay sao?...”. Lúc này, Lệ Thủy gào trong nỗi xót xa, uất nghẹn qua vai diễn làm cho khán giả một lần nữa rơi nước mắt.
Có thể nói, vai Nguyệt của NSND Lệ Thủy là vai diễn để đời, vai diễn cảm hóa nhất làm cho nhiều khán giả khóc, cười cùng nhân vật./.
Đỗ Dũng