Tiếng Việt | English

19/11/2016 - 05:58

Ngôi nhà của những người yêu nước

Đó là ngôi nhà ba gian hai chái được xây từ năm 1939, được ba thế hệ trong gia đình ông Nguyễn Văn Huệ sử dụng để nuôi giấu và bảo vệ cho các lớp cán bộ cách mạng hoạt động trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.


Toàn cảnh di tích lịch sử Nhà ông Nguyễn Văn Huệ cơ sở cách mạng Mỹ An Phú. Ảnh: Azid Giàu.

Theo hướng dẫn của một người quen, từ thành phố Tân An, tôi theo Quốc lộ 62 hướng về Mộc Hóa khoảng 7 km đến ngã tư Mỹ Phú, rẽ trái, đi thêm 1km gặp ngã ba rồi rẽ trái, tiếp tục theo con đường tráng bê tông khoảng 1 km thì đến nơi.

Ngôi nhà tọa lạc tại ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trước mắt tôi là ngôi nhà cổ kính mái lợp ngói vảy cá, tường xi măng in dấu rêu phong nằm giữa một khu vườn rộng lớn.


Kết cấu kiến trúc gỗ của ngôi nhà. Ảnh: Azid Giàu.

Ngôi nhà này được ông Nguyễn Văn Kiên và bà Đinh Thị Ơn xây dựng vào năm 1939, với diện tích 170,5m2 theo kiểu 3 gian, 2 chái. Phía trước có hành lang nhỏ được bao bọc bởi lan can bằng gạch tô xi-măng với những trụ cột mang dáng dấp cổ điển. Vách nhà bằng tường xi-măng, xây từ năm 1980 thay cho vách gỗ bằng thao lao trước đó. Các vì, kèo của ngôi nhà bằng gỗ thao lao, riêng toàn bộ hệ thống cột là gỗ căm xe. Nội thất ngôi nhà được bày trí khá đơn giản, theo cách thức truyền thống của người Nam bộ.

Mặc dù gia đình ông Kiên – bà Ơn thuộc tầng lớp trung nông có nhiều ruộng đất, nhưng với tinh thần yêu nước, yêu đồng bào phải chịu cảnh đô hộ của thực dân nên hai ông bà đã sử dụng ngôi nhà của mình để nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo, cán bộ của tỉnh, huyện về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương.


Tủ gỗ, nơi ẩn náu của các đồng chí cách mạng. Ảnh: Hồ Phan Mộng Tuyền.

Như trường hợp đồng chí Võ Trần Chí, lúc bấy giờ ông là cán bộ Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc tỉnh Tân An. Trong thời gian hoạt động tại xã Mỹ An Phú để vận động thanh niên tham gia cách mạng, vận động nhân dân đào những con kênh kháng chiến, hưởng ứng phong trào “Hủ gạo nuôi quân”, ông đã được gia đình ông Kiên – bà Ơn nuôi giấu, bảo vệ trong suốt quá trình hoạt động ở xã Mỹ An Phú. Và nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện như: Phan Văn Lại (Bảy Lại) – Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Kinh Tài tỉnh Tân An; Phạm Văn Chiêu – Chủ tịch UBKCHC huyện Châu Thành; đồng chí Trần Văn Ca – Chủ tịch UBKCHC huyện Thủ Thừa; đồng chí Nguyễn Văn Đích – Bí thư xã Mỹ An Phú cũng nhận được sự chở che, nuôi giấu của gia đình.


Bộ ván gỗ còn lại vết tích do đuôi trái sáng rơi trúng năm 1968. Ảnh: Hồ Phan Mộng Tuyền.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếp nối truyền thống của gia đình, từ năm 1955 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Văn Huệ - bà Nguyễn Thị Bưởi (tên thường gọi là Nguyễn Thị Hồng) - thế hệ thứ 2 - đã sử dụng ngôi nhà của cha mẹ mình để lại tiếp tục nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của tỉnh, huyện, xã trong quá trình hoạt động cách mạng tại địa phương.

Có thể kể đến các đồng chí Huỳnh Hữu Thống (Tư Thống) – Phó Bí thư Thị xã ủy Tân An, đồng chí Lê Thanh Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Thị đoàn Tân An (ông trú đóng từ tháng 3-11/1968), đồng chí Đặng Thị Diềm – Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, Nguyễn Văn Ơn – Huyện ủy viên, Nguyễn Văn Minh (Sáu Mưa) – Trưởng ban An ninh huyện…

Ngoài việc nuôi giấu cán bộ cách mạng, bà Nguyễn Thị Bưởi còn được các đồng chí lãnh đạo phân công nhiệm vụ liên lạc, tiếp nhận sơ đồ đồn bót địch từ cơ sở cách mạng về để lực lượng ta tổ chức đánh địch. Đồng thời bà cũng đảm nhận nhiệm vụ thu thập tin tức, tình hình thực tế ở địa phương về báo cáo cho các đồng chí lãnh đạo; tham gia gầy dựng cơ sở cách mạng địa phương, đóng góp lương thực thường xuyên cho cách mạng, nhất là trong các chiến dịch lớn.

Đến thế hệ thứ 3, với lòng yêu nước được vun đắp từ thế hệ cha ông, bà Nguyễn Thị Hạnh tham gia cách mạng từ rất sớm (16 tuổi), đã cùng với mẹ là Nguyễn Thị Bưởi làm công tác giao liên và nuôi giấu cán bộ tại xã Mỹ An Phú. Năm 1968 bà chuyển về thị xã Tân An làm các công việc như rải truyền đơn, vận động các gia đình nuôi chứa cách mạng, xây dựng cơ sở chứa lực lượng đánh sập cầu, hợp đồng gây tiếng nổ - đánh sập cầu Tân An (1969)… Năm 1973, bà được phân công về hoạt động tại xã Mỹ An Phú, cũng trong thời gian này bà giữ nhiệm vụ liên lạc từ Mỹ An Phú.

Sau giải phóng, bà Hạnh từng giữ các cương vị như: Bí thư xã Mỹ An Phú; Hội trưởng BCH phụ nữ huyện Thủ Thừa; Bí thư xã Mỹ Thạnh; từ năm 1977-1988 bà tham gia Huyện ủy Thủ Thừa (trong đó có 2 nhiệm kỳ huyện Bến Thủ và 2 nhiệm kỳ huyện Thủ Thừa), bà được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (1988), Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi nhà vẫn còn lưu lại rất nhiều vết tích của chiến tranh, sự đóng góp của 3 thế hệ cho công cuộc nuôi giấu và bảo vệ các lớp cán bộ cách mạng. Ngày xưa, trong nhà có một trảng xê, một hầm bí mật, một tủ đồ để làm nơi ẩn ấp cho cán bộ cách mạng. Xung quanh vườn còn có một trảng xê khác, hai hầm bí mật ở vườn rau, một hầm kiểu cá trê và một hầm chữ L.

Đến nay, các hầm bí mật đã bị bồi lắp, riêng chiếc tủ gỗ vẫn còn giữ được. Một trong ba bộ ván bằng gỗ mật trong nhà bị thủng một đoạn khá dài (gần 1m) do đuôi một trái sáng rơi trúng vào năm 1968. Phần ngói trên mái nhà cũng được thay mới, một số vì hư hại do bom, pháo. Những vật dụng trong nhà như bàn thờ, bàn độc… đều gắn liền với việc nuôi giấu, chở che cán bộ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến. Trong những năm chiến tranh, gia đình đã sử dụng cây đèn dầu để làm tín hiệu: đèn trên bàn thờ Phật ở chính giữa nhà được thắp sáng tức là không có lính (quân địch nói chung) báo hiệu cho các đồng chí đang ẩn nấp phía ngoài vườn có thể vào trong nhà; đèn trên bàn thờ tổ tiên được thắp sáng tức là có lính trong nhà, nghĩa là không an toàn…

Dạo quanh một vòng ngôi nhà, nghe những câu chuyện về gia đình mới cảm nhận được những đóng góp âm thầm nhưng vô cùng quý báu của gia đình ba thế hệ hết lòng với cách mạng. Họ đã không kể tiền bạc, của cải và cả tính mạng, bất chấp hiểm nguy, không sợ tù tội đã sử dụng ngôi nhà nằm ngay trong vùng tranh chấp ác liệt, cách đồn địch 3km để nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên của tỉnh, huyện, một số xã… trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.


Ông Phạm Kim Bửu - PGĐ Sở VHTT&DL trao bằng xếp hạng di tích cho ông Nguyễn Văn Huệ và chính quyền địa phương. Ảnh: Azid Giàu.

Hơn 70 năm trôi qua, với sự bào mòn của thời gian và sự phá hủy của chiến tranh nhưng ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là chứng tích lịch sử kiên cố, hùng hồn để minh chứng về sự cống hiến to lớn của gia đình ba thế hệ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy không phải là một công trình kiến trúc cổ nhưng với những chất liệu quý, bền vững, phần nào cũng phản ánh lên cuộc sống của một gia đình trung nông thời cận đại, và là một kiến trúc tiêu biểu được xây dựng từ thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại trên địa bàn xã Mỹ Phú.

Nhìn ánh mắt ngời sáng của cô Hai Hạnh - thế hệ thứ ba của gia đình - khi nói về chuyện ngày xưa, về chuyện nơi đây “Nhà ông Nguyễn Văn Huệ - cơ sở hoạt động cách mạng Mỹ An Phú” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích lịch sử ngày 17/8/2016 tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc và cả tự hào về truyền thống yêu nước của gia đình, của người dân nơi đây. Một điểm đến thật ý nghĩa, cho tôi, cho tất cả chúng ta./.

Hồ Phan Mộng Tuyền

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích