Đồng chí Châu Văn Liêm (1902-1930)
Là một trong những sáng lập viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Châu Văn Liêm đã gắn bó với vùng đất Đức Hòa ngay từ những ngày đầu Đảng ra đời. Trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước này, đồng chí đã truyền bá chủ nghĩa cộng sản, lãnh đạo đấu tranh và hy sinh anh dũng.
Châu Văn Liêm bí danh là Việt, sinh ngày 29-6-1902, trong một gia đình nông dân bậc trung ở ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ).
Học giỏi chữ Hán và chữ quốc ngữ từ nhỏ, năm 1922 đỗ đầu trung học (Diplome) Cần Thơ rồi được tuyển thẳng vào trường Sư phạm Hậu bổ Sài Gòn (còn gọi là Sư phạm Đông Dương), dù bỏ qua một lớp vẫn tốt nghiệp hạng ưu năm 1924.
Ở Sài Gòn, Châu Văn Liêm có điều kiện tiếp xúc với sách báo tiến bộ và những người yêu nước. Tiếng Chuông Rè (La Cloche Fèlée) - tờ báo đầu tiên ở Đông Dương dám đăng công khai Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và người lập tờ báo ấy: Nguyễn An Ninh, đã ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc và bài Pháp trong người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết này.
Chính vì vậy, khi ra trường dạy học ở Long Xuyên rồi Chợ Mới, Châu Văn Liêm bị nhà cầm quyền “lưu ý” là giáo viên có “đầu óc chống Pháp” bởi hoạt động cổ súy tư tưởng tự do dân chủ và tinh thần dân tộc, đặc biệt là việc đứng ra tổ chức đoàn đại biểu đi Sài Gòn dự lễ truy điệu Phan Chu Trinh, rồi tổ chức ở Mỹ Luông, Long Điền (Chợ Mới) với khoảng 3.000 người dự mà ông là diễn giả chính.
Năm 1926, ông về Ô Môn lập Đảng Việt Nam phục quốc với thành phần là những người yêu nước chịu ảnh hưởng tư tưởng Nguyễn An Ninh, nhằm liên lạc với các tổ chức cách mạng ở nước ngoài và bắt được liên hệ với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên của Nguyễn Ái Quốc, sáng lập từ tháng 6-1925. Đây chính là cái mốc để Châu Văn Liêm đến với tư tưởng cộng sản.
Cuối năm 1927, Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức cộng sản này, đến năm 1928 làm bí tư Tỉnh bộ Long Xuyên; tháng 3-1929, được bầu vào Ban Thường vụ Kỳ bộ Nam kỳ và được cử đi dự đại hội Thanh niên toàn quốc ở Hương Cảng (Trung Quốc), rồi trở về nước lập An Nam cộng sản đảng, được cải tổ từ một bộ phận của tổ chức Thanh niên.
Sau khi đại diện An Nam cộng sản đảng dự cuộc họp hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Đông Dương, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì ngày 3-2-1930 và trở về nước hoàn thành sứ mệnh thống nhất các tổ chức cộng sản từ Khánh Hòa đến Cà Mau, đồng chí được giao giữ chức Bí thư Liên tỉnh ủy Gia Định-Chợ Lớn.
Trong nhiệm vụ mới, đồng chí chọn Đức Hòa làm nơi đứng chân đầu tiên để xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng. Đức Hòa không những là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng mà còn là nơi Châu Văn Liêm từng dừng chân (tháng 2-1929) khi rời Cần Thơ về Sài Gòn hoạt động. Ở đó có người đồng chí thân thiết Võ Văn Tần, hai người từng gặp nhau ở tòa soạn báo Tiếng Chuông Rè.
Từ sự chỉ đạo của đồng chí, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn-chi bộ làng ở Đức Hòa ra đời ngày 6-3-1930 do Võ Văn Tần làm bí thư. Cũng từ sự giới thiệu của Võ Văn Tần, đồng chí với vỏ bề ngoài là thầy giáo làng đi xin việc, đã tiếp xúc với các hội viên tin cậy trong hội kín Nguyễn An Ninh trước đây ở làng Hựu Thạnh như: Huỳnh Văn Bằng, Tám Ngọ, Hai Huấn, Năm Hòa…
Với lối tuyên truyền giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc, được quần chúng nhân dân tin yêu, đồng chí nhanh chóng gây được cơ sở, đến tháng 5-1930, trực tiếp đứng ra thành lập chi bộ làng Hựu Thạnh gồm 8 đảng viên, do đồng chí Huỳnh Văn Chiêu làm bí thư, in báo “Dân cày” (bằng su xoa) để tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh. Thời gian ngắn sau đó, Mỹ Hạnh cũng thành lập chi bộ, đưa số đảng viên ở Đức Hòa lên 27 đồng chí, lập được quận ủy do đồng chí Võ Văn Tần làm bí thư.
Cuộc biểu tình ngày 4-6-1930
Đánh hơi, dò xét gắt gao những nơi nghi ngờ Châu Văn Liêm thường trú ngụ, lính làng và mật thám nhiều lần xộc vào nhà ông Lê Văn Thuận, bao vây nhà đồng chí Võ Văn Tần ở Đức Hòa, lục soát nhà thầy giáo Chiêu ở Mỹ Hạnh, nhà ông Huỳnh Văn Năng ở Hựu Thạnh,… nhưng đồng chí được nhân dân hết lòng bảo vệ. Chỉ trong một thời gian ngắn về Đức Hòa, đồng chí Châu Văn Liêm đã lãnh đạo và đưa phong trào đấu tranh lên mạnh như cuộc đấu tranh ở của nhân dân các xã kéo về Gò Cát Lớn và Gò Sao ở Tân Phú ngày 30-4-1930, lần đầu tiên biểu dương sức mạnh quần chúng làm tề làng hết sức bất ngờ và sợ hãi.
Tháng 5-1930, Đảng lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình lớn nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, trong đó có cuộc biểu tình của 1.000 người ở Long Xuyên bị thực dân Pháp đàn áp, đồng chí Châu Văn Liêm chủ trương huy động lực lượng nông dân Chợ Lớn-Gia Định nhất loạt cùng một ngày tổ chức 3 cuộc biểu tình lớn ở Đức Hòa, Hóc Môn và Bà Hom để chia lửa với Long Xuyên.
Ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Võ Văn Tần, khoảng 1.500 nông dân ở các làng quanh quận lỵ Đức Hòa gồm Hựu Thạnh, Bình Tả, Bình Hữu, Đức Hòa, Hòa Khánh, Lương Hòa, Đức Hòa, Tân Phú, Mỹ Hạnh… vác cờ đỏ búa liềm kéo về dinh quận đưa yêu sách bớt xâu, giảm thuế, chống đem lính đàn áp, khủng bố dân chúng… Quận Sành (Huỳnh Văn Đẩu) sợ hãi lẩn tránh việc giải quyết nên cuộc biểu tình kéo dài.
Chiều tối, thực dân Pháp huy động lực lượng lính khố xanh từ Bà Hom, cảnh sát từ Sài Gòn, do tên cò Dreuil chỉ huy kéo xuống đàn áp, súng ống lưỡi lê chĩa thẳng vào đoàn người. Quận Sành ra mặt, lệnh giải tán đoàn biểu tình. Theo chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, đoàn người siết chặt hàng ngũ, hô to khẩu hiệu “giảm thuế’, đòi bắt tên chủ quận.
Đang lúc giằng co, đồng chí Châu Văn Liêm bước lên một chỗ cao hô lớn: “Đừng sợ chết, chục này còn chục khác, trăm này còn trăm khác !”, rồi một mình dũng cảm hiên ngang tiến lên phía trước trực diện với tên thực dân, bằng vốn tiếng Pháp thông thạo của mình, đòi y phải giải quyết yêu sách cho dân.
Hành động và lời kêu gọi của đồng chí như một lời hiệu triệu cho đoàn biểu tình xốc tới với khí thế ngày càng mạnh mẽ. Tên cò Dreuil rút súng lục bắn vào giữa ngực đồng chí Châu Văn Liêm rồi ra lệnh cho lính xả đạn vào đoàn biểu tình, làm thêm nhiều người chết và bị thương ngay cách dinh quận khoảng 100m. Đoàn biểu tình chựng lại, tản ra nhưng chưa giải tán hẳn.
Đến 11 giờ đêm, địch điều thêm lực lượng và bắt đi khoảng 100 người với sự thị thực của Thống đốc Nam Kỳ và chủ tỉnh Chợ Lớn Renault thì cuộc biểu tình mới chấm dứt.
Đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh, nhân dân Đức Hòa đem xác đồng chí về ấp Nhơn Hòa (nay thuộc Đức Hòa Thượng) nhưng sau đó tề địch gom chung với số người bị chết, bị thương đưa lên Chợ Lớn rồi biệt tích mà không biết đó là xác “người An Nam cầm đầu cuộc biểu tình” mà chúng đang truy tìm gắt gao.
Châu Văn Liêm hy sinh nhưng tinh thần và khí phách của đồng chí sống mãi trong lòng người dân Đức Hòa. Giặc đàn áp cuộc đấu tranh ngày ấy bằng súng đạn nhưng không dập tắt được phong trào đấu tranh cách mạng mà đồng chí gieo mầm nơi đây. Khí phách ấy, tinh thần ấy và phong trào cách mạng ấy đã khởi nguồn cho vùng đất này vùng lên mạnh mẽ sau đó từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, 11-1940, rồi làm Cách mạng tháng Tám thành công; Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa, tiền thân của một trong những đơn vị vũ trang giải phóng-chi đội 14 (sau này là Trung đoàn 120) ra đời trên đất Mỹ Hạnh, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm.
Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phẩm chất anh hùng cách mạng của nhân dân Đức Hòa thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất, từ những ngày đầu đứng lên đồng khởi, vượt qua bao âm mưu thủ đoạn chiến tranh của địch, rồi kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Tất cả đã tô thắm thêm truyền thống đấu tranh của mảnh đất Đức Hòa anh hùng, góp phần vào thắng lợi chung./.
Nguyễn Tấn Quốc