Chị Phượng làm thủ thư tại thư viện từ khi còn trẻ, giờ tóc đã ngả màu, chị vẫn cần mẫn mỗi ngày bên từng giá sách
1. Chị Phạm Thị Tuyết Phượng - nhân viên Thư viện Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức, kể với chúng tôi, trước đây, chị không học chuyên về thư viện. Cái duyên xui khiến nghề thủ thư “chọn” chị cũng đã ngoài chục năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, chị vừa làm, vừa học hỏi, đi sớm, về trễ, cần mẫn như một con ong. Chị Phượng làm thủ thư tại thư viện từ khi còn trẻ, giờ tóc đã ngả màu, chị vẫn cần mẫn mỗi ngày bên từng giá sách.
Hôm chúng tôi đến thăm, thư viện vắng, chị khuất sau mấy kệ sách, tay chổi, tay lau đang tất bật quét dọn. Thư viện nằm trong khuôn viên Khu tưởng niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phòng rộng, được trang bị đầy đủ bàn ghế, quạt, máy tính,… phục vụ bạn đọc. Ở “nhà mới”, chắc chắn là vui, nhưng chị Phượng cũng thêm phần công việc, chỉ riêng việc quét dọn cũng chiếm hết của chị một khoảng thời gian không ít. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị vui vẻ: “Tôi không muốn thư viện bị bám bụi nên lau dọn thường xuyên, để nếu có độc giả tới thì sẵn bàn, ghế sạch, sách ngay ngắn trên kệ phục vụ độc giả”.
Vào thời đại công nghệ thông tin, ai cũng nghĩ nghề thủ thư chắc là nhàn nhã vì thư viện gần như bị “lãng quên”. Tuy nhiên, có nhàn nhã hay không thì chỉ những người như chị Phượng mới hiểu rõ. Chị không biết vì sao một ngày của mình dường như luôn không có đủ thời gian. Mỗi ngày, chị tỉ mẩn bên kệ sách, sắp xếp lại theo thứ tự, nhập dữ liệu về sách vào máy tính phục vụ việc quản lý, ghi chép sổ quản lý sách, theo dõi và nhập liệu về sách mới, hỗ trợ bạn đọc khi cần,… và vô số những công việc không tên khác nhằm giới thiệu thư viện đến với mọi người. Bởi với chị, phát hành thêm một thẻ thư viện, thêm một độc giả đến tìm mượn sách là thêm một niềm vui.
Việc chị nán lại thư viện đến 19, 20 giờ hàng ngày là chuyện bình thường. Công việc nhập liệu, sắp xếp, theo dõi, quản lý sách nghĩ là đơn giản nhưng thực ra lại không như vậy! Không nắm rõ về cách sắp xếp theo thể loại sách, chị chọn sắp xếp và quản lý sách theo số thứ tự. Mỗi quyển sách đều được chị đánh số trước khi cho lên kệ, thông tin đó được chị ghi lại trong sổ theo dõi và nhập vào máy tính giúp việc quản lý và tìm kiếm dễ dàng hơn. Khi độc giả cần tìm, chị căn cứ vào tựa sách tìm số thứ tự sách và xác định quyển sách ấy đang ở vị trí nào trong số hàng ngàn quyển sách nằm trên kệ.
Chị Phượng luôn kỳ vọng thư viện ở trạng thái sẵn sàng khi bạn đọc cần mượn sách. Chị không muốn bất kỳ độc giả nào tìm đến thư viện lại ra về trong thất vọng.
Bởi vậy, chị luôn cố tạo không khí thoải mái nhất cho mọi người. Để giữ chân độc giả là học sinh, chị cho phép các em đến học bài, trò chuyện và cả bày một "bữa tiệc" sách nho nhỏ. Chị còn nhận “ngó chừng” các bạn nhỏ vào dịp hè khi các bạn đến thư viện đọc sách cho cha mẹ đang lỡ việc có thể an tâm về con mình đôi giờ đồng hồ. Đó là cách thủ thư Phạm Thị Tuyết Phượng làm để thu hút, giữ chân độc giả. Chị kỳ vọng thư viện luôn là nơi gần gũi, dễ chịu và sẵn sàng phục vụ tất cả mọi người.
2. Vừa vuốt ve quyển tạp chí mới bao bìa xong, chị Nguyễn Thị Tú Quyên - thủ thư Thư viện thị xã Kiến Tường, vừa nói: “Đợt tạp chí này về, tôi tranh thủ bao bìa nhanh trong vòng một ngày để hôm sau có thể cho bạn đọc mượn. Ở thư viện này có một số bạn đọc thân quen, rất hay mượn tạp chí”.
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên với những quyển tạp chí được bao bìa nhựa, chị Quyên cười: “Sách, báo được bao bìa như vậy khi cho mượn sẽ ít bị hư hỏng. Không chỉ có tạp chí đâu, toàn bộ sách trong thư viện đều bao bìa như vậy!”. Toàn bộ sách trong thư viện lên đến con số chục ngàn quyển và liên tục được bổ sung mới hàng năm. Để làm được việc đó, cũng là cả một công trình. Chị Quyên chia sẻ, chị học tính tỉ mỉ, cẩn thận từ người thủ thư trước, những gì chị đang làm chỉ là gìn giữ và tiếp nối. Chị làm với tất cả niềm say mê và trân quý từng quyển sách. Mỗi lần có đợt sách mới về, chị tỉ mẩn bao bìa, dán nhãn cho từng quyển trước khi nhập sổ và cho lên kệ.
Hầu hết sách trong thư viện chị đều “biết mặt, biết tên” vì ít nhất cũng “liếc qua” nội dung chính. Ngày còn son rỗi, chị hay mượn sách từ thư viện về nhà đọc, mỗi lần bổ sung sách mới chị đều đọc từng quyển để biết nội dung sách, khi cần sẽ giới thiệu cùng bạn đọc. Về sau, khi cuộc sống gia đình có phần bận bịu, không thể đọc kỹ từng quyển sách, chị cũng dành thời gian nắm được nội dung chính của sách. Chị không cho phép mình đặt một quyển sách lên kệ mà không biết nội dung trong ấy có gì.
Chị Quyên không biết mình yêu công việc từ khi nào, chỉ biết tất cả mọi việc liên quan đến thư viện chị đều muốn hoàn thành một cách chỉn chu
Chị Quyên không biết mình yêu công việc từ khi nào, chỉ biết tất cả mọi việc liên quan đến thư viện chị đều muốn hoàn thành một cách chỉn chu. Để sách mới sớm được đưa lên kệ phục vụ độc giả, chị sẵn sàng thức khuya hơn một chút, dậy sớm hơn một chút bao bìa sách cho xong. Việc dọn dẹp, lau quét thư viện, chị cũng thực hiện hàng ngày. Thỉnh thoảng, vào các dịp lễ, kỷ niệm, chị hay xếp sách nghệ thuật trưng bày. Chị muốn giữ cho không gian thư viện luôn gọn gàng, thu hút. Mỗi lần đến đợt bổ sung sách mới cho thư viện, chị tự mình đi xe buýt lên TP.HCM, đến các nhà sách lớn, chọn mua từng quyển. Chị chia sẻ: “Tôi thích cảm giác được đi mua sách, tự tay chọn từng quyển bổ sung cho thư viện”. Một sở thích rất “yêu nghề”!
Thư viện ngày nay không được nhiều người lui tới. Nhưng những người “giữ thành” thư viện vẫn miệt mài với công việc của mình. Họ lặng lẽ sắp xếp, quản lý sách, hoàn thành công việc một cách cần mẫn và luôn ở trạng thái sẵn sàng bất cứ khi nào bạn đọc cần tìm đến./.
Phương Phương