Tiếng Việt | English

21/06/2022 - 11:45

Người làm báo cần đọc nhiều để có kiến thức rộng

Duy trì thói quen đọc mỗi ngày là điều bắt buộc đối với người làm báo, đó là điều các nhà báo lão thành khẳng định. Mặc dù về hưu đã nhiều năm, các cựu nhà báo vẫn không ngừng đọc và viết mỗi ngày. Bài viết của các nhà báo lão thành không chỉ cung cấp thông tin phong phú mà còn có chiều sâu, thể hiện sự uyên bác và nắm chắc vấn đề của một người từng trải.

1. Từ mấy mươi năm nay, dù còn đang làm việc hay đã về hưu, cựu nhà báo Lê Đại Anh Kiệt - nguyên Phó Tổng tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, vẫn duy trì thói quen đọc hàng ngày. Thậm chí, có những ngày ông dành đến hơn 6 giờ để đọc. Đối với ông, đọc là một nhu cầu tinh thần tất yếu, việc đọc không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, đó còn là yêu cầu bắt buộc đối với người làm báo.

Cựu nhà báo giải thích, đọc sách khiến lượng kiến thức và đời sống tinh thần của mỗi người trở nên phong phú hơn, giúp mở rộng tầm hiểu biết, kiến thức, bồi đắp cảm xúc, tình cảm, thẩm mỹ,... Riêng đối với người làm báo, người cung cấp thông tin cho xã hội, việc đọc lại càng quan trọng và cần thiết hơn.

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt nói: “Sản phẩm thông tin mà nhà báo đem đến cho công chúng phải hữu ích, là sự thật được gói ghém một cách hàm súc, là thực tế cuộc sống được khái quát lại một cách chân thật, khách quan. Nhà báo là người kể lại câu chuyện, họ phải có tri thức, phương pháp lắng nghe và khả năng tự đánh giá. Muốn có được điều đó, nhà báo cần có kiến thức rộng”.

Nhà báo Quang Hảo vẫn giữ thói quen đọc và viết mỗi ngày

Điều đó được cựu nhà báo Quang Hảo (Báo Long An) khẳng định. Cựu nhà báo Quang Hảo chia sẻ, muốn viết bất cứ điều gì, người làm báo cũng cần tư liệu. Tư liệu có được nhờ thu thập bằng hai nguồn là đi thực tế và đọc sách, báo. Chính vì thế, nhà báo Quang Hảo xem việc đọc là chuyện đương nhiên, cần thiết như hơi thở. Ở nhà ông, sách không chỉ lấp đầy các giá sách mà còn chất trong các thùng giấy đến hàng chục thùng.

Nhà báo Quang Hảo cho biết, ông có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi trong nhà. Bất cứ lúc nào có phát hiện một đề tài hấp dẫn, ông đều tìm mua sách, báo về đề tài đó để đọc và nghiên cứu sâu hơn. Chính vì thế, dù tuổi cao, không thể đi lại nhiều, ông vẫn có nhiều bài viết cộng tác sâu sắc, sinh động và thu hút trên báo.

2. Đọc là việc nên làm, thậm chí là điều bắt buộc đối với người làm báo nhưng phải đọc cái gì và đọc như thế nào. Theo các cựu nhà báo, không có giới hạn nào cho việc đọc, bởi biển kiến thức là hết sức mênh mông. Nhà báo có thể đọc về những vấn đề mình quan tâm, đọc về thời sự hoặc đọc về lĩnh vực mình đang theo đuổi.

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt chia sẻ, ông đọc báo mỗi sáng để nắm bắt tin tức lĩnh vực của mình. Ông dành thời gian tìm hiểu kiến thức nền tổng quát và đặc biệt đi sâu vào kiến thức nền của lĩnh vực mình được phân công phụ trách thông tin hoặc đang theo đuổi. Thời gian rảnh, ông sắp xếp đọc những cái theo sở thích để bồi đắp cho đời sống tinh thần của mình. Chính vì thế, trong suốt mấy mươi năm làm báo, ông tích lũy cho mình lượng kiến thức nền không hề nhỏ, và đó chính là “vũ khí” sắc bén của ông trong quá trình làm việc, tìm kiếm và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến cho bạn đọc.

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt kể, nhờ có kiến thức nền, trong quá trình làm việc ở vị trí Phó Tổng tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, ông đã không ít lần kịp thời phát hiện những thông tin không logic, yêu cầu phóng viên kiểm chứng lại để cung cấp cho độc giả thông tin chính xác nhất.

Trong thời đại kỹ thuật số, việc cạnh tranh thông tin ngày càng trở nên khắc nghiệt thì cựu nhà báo Lê Đại Anh Kiệt vẫn giữ nguyên quan điểm, cạnh tranh thông tin là thuộc tính, đặc trưng của báo chí nhưng chất lượng của thông tin mới là điều quan trọng. Nhà báo không thể bao biện bằng cách vì cạnh tranh thông tin mà đưa những thông tin chưa kiểm chứng và có hại cho người đọc. Ông khẳng định, nhà báo có đủ kiến thức nền, trong quá trình tiếp cận thông tin sẽ hình thành phản xạ đánh giá ngay mức độ chính xác hoặc không chính xác của sự kiện, thông tin để tiến hành kiểm tra, xác minh trước khi cung cấp đến độc giả.

Ông nói: “Trước khi đi tác nghiệp tìm hiểu đề tài gì đó cho tờ báo, nhà báo nên đọc những kiến thức nền xung quanh vấn đề đó. Sau khi đã đi thực tế, nhà báo phải đọc thêm, tìm thêm, tra cứu tài liệu để phối kiểm, đánh giá lại các thông tin mình đã nắm để tránh sai sót vì có những thông tin bị biến dạng, thiếu sót theo chủ quan của nhân vật. Nếu đi tác nghiệp với thái độ hờ hững, thiếu kiến thức nền thì chỉ thu thập được những thông tin “lá cải”".

Cho đến tận bây giờ, sau hơn chục năm về hưu, cựu nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, Quang Hảo vẫn đọc và viết mỗi ngày. Họ đọc như nhu cầu của đời sống tinh thần, viết như một phần không thể thiếu trong cuộc sống và những trang viết của họ được bạn đọc quan tâm, đón nhận một cách rất nhiệt tình./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết