Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Hiển hiện được trưng dụng làm điểm cách ly ban đầu tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức
Cánh chim đầu đàn của lực lượng an ninh Bến Lức
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Hiển xuất thân trong gia đình bần nông. Ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng khi mới 19 tuổi, sau đó đảm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Trung Huyện (nay là huyện Bến Lức). Năm 1954, do bị chỉ điểm, ông bị địch bắt nhưng với sự kiên trung của người chiến sĩ, ông kiên quyết không khai bất cứ điều gì. 2 năm sau, ông vượt ngục thành công, quay về với tổ chức và được bố trí đi điều lắng tại Tây Ninh.
Giai đoạn năm 1959, Mỹ - ngụy tăng cường khủng bố một cách man rợ, luật 10/59 cho phép chúng chém giết đồng bào, nhân dân ta, gây nhiều tổn thất cho cả quần chúng và lực lượng cách mạng lúc bấy giờ. Chính lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Hiển được điều về phụ trách phong trào Đồng khởi ở Mỹ Yên, Bến Lức. Thời điểm đó, nhiệm vụ cấp bách được đặt ra chính là bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng với phương châm đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố gắn liền với bảo vệ cơ sở Đảng, đề cao uy thế và vai trò lãnh đạo của Đảng, phát động phong trào nhân dân chống Luật phát xít 10/59.
Với năng lực lãnh đạo, dân vận của mình, đồng chí Nguyễn Văn Hiển đã vận động người dân tham gia diệt tình báo, gián điệp và những tên ác ôn khét tiếng tại địa phương, góp phần tạo nên thắng lợi cho phong trào Đồng khởi tại Bến Lức nói riêng, Long An nói chung thời điểm đó.
Trong tài liệu Nguyễn Văn Hiển - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có đoạn ghi: “Năm 1960, đồng chí giữ chức vụ Trưởng ban Quân sự huyện Bến Lức. Thời gian này, đồng chí tích cực vận động xây dựng lực lượng và các cơ sở của cách mạng, đẩy mạnh phong trào diệt ác, phá kềm, tổ chức cho LLVT kết hợp với phong trào đấu tranh của nhân dân trong xã tích cực đẩy mạnh phong trào Đồng khởi giành thắng lợi. Qua đó, phong trào cách mạng của xã Mỹ Yên trở thành xã điểm phong trào chung của toàn huyện”.
“Thắng lợi của phong trào Đồng khởi khắp miền Nam nói chung, ở Long An và Bến Lức nói riêng đã làm chuyển biến tình hình cách mạng, đã làm thất bại âm mưu “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - ngụy, đập tan giai cấp địa chủ và làm sụp đổ đại bộ phận chính quyền cơ sở của địch”.(*)
Năm 1964, ông làm Bí thư Huyện ủy Bến Lức. Năm 1968, ông được phân công làm Trưởng ty Công An tỉnh Long An. Sau đó, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Huyện ủy điều động đồng chí Nguyễn Văn Hiển làm Trưởng ban An ninh Phân khu 2. Đây lại là giai đoạn khó khăn của phong trào cách mạng của ta khi địch đẩy mạnh kế hoạch “Phượng Hoàng”, “Bình định cấp tốc”, tiến hành càn quét, đổ quân, đánh điểm,...
Với vai trò là Trưởng ban An ninh, đồng chí Nguyễn Văn Hiển đã xây dựng và phát triển lực lượng an ninh, đẩy mạnh phong trào bảo mật phòng gian. Công an Huyện Bến Lức - 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành có ghi: “Các cấp An ninh tổ chức thành nhiều tổ, bộ phận, bám trụ vào vùng yếu, vào dân, xây dựng nhân tâm nuôi chứa, đào hầm bí mật, ban ngày xuống hầm bí mật ở, tối lên đi hoạt động xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật, cơ sở nội tuyến trong lòng địch, phục vụ kịp thời cho yêu cầu chỉ đạo chiến đấu của các lực lượng”. Nhờ đó, thế kìm kẹp dần được phá bỏ, quần chúng nhân dân đứng lên giành thế làm chủ.
Tuy nhiên, để có được thành quả đó, nhiều chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ Công an nhân dân, an ninh của ta đã anh dũng hy sinh vì sự đánh phá liên tục của địch. Đồng chí Nguyễn Văn Hiển cũng hy sinh trong giai đoạn đó. Năm 1970, khi bị địch phát hiện trong hầm trú ẩn tại nhà dân, đồng chí đã kiên quyết tử thủ, thủ tiêu mọi tài liệu mật quan trọng và anh dũng hy sinh.
Đằng sau những chiến công
Với các đồng chí của mình và phong trào cách mạng địa phương, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Hiển là cán bộ lãnh đạo tài ba cả về quân sự, binh vận và dân vận. Và tất nhiên đằng sau những chiến công đó là sự hy sinh to lớn về cuộc sống riêng tư. Thượng tá Nguyễn Quang Tám (con của liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển) kể, tuổi thơ của ông vắng bóng cha vì liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển thoát ly tham gia cách mạng. Hình ảnh người cha trong ông là một người cương nghị, luôn vận bộ bà ba đen và ở rất xa, thỉnh thoảng ông mới được mẹ mình dẫn đi thăm cha.
Giai đoạn cha và cả gia đình đi điều lắng tại Tây Ninh là thời gian hết sức khó khăn. Thời điểm đó, gia đình sống dưới vỏ bọc tiểu thương, mở một cửa hàng nhỏ tại nhà. Gia đình ông luôn bị bọn ngụy quấy nhiễu, đe dọa, hà hiếp. Thượng tá Quang Tám chia sẻ: “Cứ một tháng mẹ tôi bị bắt đi học cải huấn 1 tuần, bị bọn chúng chửi bới, đàn áp tinh thần, buộc gia đình phải kêu gọi cha tôi chiêu hồi nhưng mẹ tôi luôn vững vàng để cha yên tâm cống hiến cho cách mạng”. Với ông Tám, những ngày tháng cha đi thoát ly là chuỗi ngày mẹ ông (Mẹ Việt Nam Anh hùng Vương Thị Nhi) gánh hết phần vất vả, vừa nuôi con, vừa phải tìm cách đối phó với kẻ thù.
Ngày cha hy sinh, ông mới hơn 10 tuổi, nhưng qua lời kể của mẹ và các đồng đội của cha, ông biết được cha mình là một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Truyền thống đó được các anh, chị, em trong nhà tiếp nối khi lần lượt anh thứ hai, chị dâu thứ hai, chị thứ năm của ông thoát ly theo cách mạng. Anh trai của ông - liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh, cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ vào năm 1970.
Hòa bình lập lại, Thượng tá Tám nuôi dưỡng ước mơ tiếp bước cha, đứng vào hàng ngũ Công an nhân dân. Ngày nhận Danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển (năm 2013), ông đã không kìm được xúc động. Sau đó, biết tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Hiển được đặt cho Trường Tiểu học và THCS tại xã Mỹ Yên, ông lại càng trân quý tình cảm mà chính quyền và nhân dân Mỹ Yên dành cho cha mình. Mỗi năm, ông đều về thăm trường nhân lễ khai giảng và tổng kết năm học như một cách nhớ về người cha anh hùng của mình./.
Quế Lâm
-----------------
(*) Theo Công an huyện Bến Lức - 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Tài liệu tham khảo:
- Công an huyện Bến Lức - 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
- Báo cáo thành tích đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển.
- Nguyễn Văn Hiển - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức cung cấp.