Trong Hồi ký văn học, ông kể lại: “Lúc này tôi quyết tâm học làm thơ. Trước hết tôi mua bộ Hán - Việt văn khảo để nghiên cứu các thể thơ ca, từ, phú, rồi mua những tập thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Yên Đổ, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, những tác phẩm mà tôi thích đọc nhất”.
Những sáng tác của ông trước năm 1945 đều được tập hợp trong hai tập Giòng nước ngược. Đây là thi phẩm có giá trị, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Chúng bao gồm nhiều tiểu phẩm châm biếm bằng văn vần, mang tính chất thời sự rõ rệt, thể hiện thái độ phê phán của nhà thơ đối với chế độ thực dân phong kiến khi đó. Ngòi bút của ông sắc sảo, tạo tiếng cười sảng khoái, táo bạo... được độc giả rất hoan nghênh. Và chính nhờ Giòng nước ngược mà ông nổi tiếng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông chọn cho mình một bút danh khác: Bút Chiến Đấu. Ông giải thích: “Vì thấy công cuộc kháng chiến là công cuộc nghiêm chỉnh, mình dùng bút danh để đánh địch cũng là việc làm nghiêm chỉnh, cho nên tôi không muốn dùng bút danh cũ là Tú Mỡ”. Từ năm 1947, ông chuyên làm thơ trào phúng để đánh thực dân Pháp một cách sâu cay.
Năm 1951, ông đoạt giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1955, ông đoạt giải nhì về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ năm 1954, ngòi bút trào phúng của Tú Mỡ lại tiếp tục nhằm vào một đối phương mới, đó là Mỹ và chính quyền thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Năm 1957, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và làm Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
Những năm cuối đời, ông làm nhiều thơ vui về trẻ nhỏ, về tình cảm gia đình. Ông mất năm 1976 tại Hà Nội. Bút danh “Tú Mỡ” của ông được đặt cho một con đường quận Cầu Giấy (Hà Nội), một con đường ở quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng), một con đường ở TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), một con đường ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Tên thật Hồ Trọng Hiếu của ông được đặt cho một con đường của TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum).
Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt II. Lúc sinh thời, nhà thơ Tú Mỡ luôn nhớ về một kỷ niệm khó quên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại dịp Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên tổ chức ở Việt Bắc hồi tháng 5-1952 , ông đã mạnh dạn tới gần Chủ tịch Hồ Chí Minh và thưa: “Thưa Bác, cháu là Tú Mỡ, tức Bút Chiến Đấu, xin ra mắt Bác và cảm ơn Bác đã khuyến khích cháu rất nhiều...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã niềm nở bắt tay ông và nói: “A! Tú Mỡ, nhà thơ bình dân. Đại hội này có nhiều đề tài hay lắm, nên để ý trông tìm, lắng nghe, ghi chép, về viết cho tốt”.
Nhà thơ Tú Mỡ có nhiều bài thơ về Tết. Tết năm 1934, ông viết một bài thơ dài chúc tết 15 nhân vật nổi danh, trong đó có cụ Tản Đà. Biết cụ Tản Đà lúc nào cũng bầu rượu túi thơ, ông chúc:
Minh Niên khai bút, bút khai chai
Vạn sự giai thành, một hóa hai
Còn rượu, còn thơ, còn chuyếnh choáng
Còn chưa đáng chán cõi trần ai.
Cũng năm 1934, trên số Tết Báo Phong Hóa, ông có bài Lý Toét chơi xuân để đả kích bọn tay sai của thực dân Pháp:
Đầu năm Lý Toét chơi xuân
Phất phơ bộ cánh, áo quần bảnh bao
Khăn nhiễu đỏ quấn đầu, quấn cổ
Áo láng thâm lót lụa mầu vàng
Quần hồng súng sính, xênh xang
Chân đi giép Nhật quai ngang điếm đời
Ô-lục-soạn vắt vai, ra dáng!
Đầu cán ô giầy láng buộc treo
Trước ngực đeo bao kính thêu
Quạt tầu chổng gọng giắt ngoèo thắt lưng
Trông dáng bộ tưng bừng phớn phở
Mắt gấp gãy nhăn nhở miệng cười
Cụ mừng tết đã tới nơi
Trời cho thăng chức lên ngôi lão làng...
Ông cũng có bài thơ Khai bút rông để “luận” về cái sự khai bút đầu xuân:
Là văn sĩ lẽ nào không khai bút
Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài
Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời
Thì Tết đến cũng phải có bài thơ rắc rối
Rót thêm mực, thay ngòi bút mới
Thảo mấy dòng cảm khái sau đây.
Thơ rằng:
Tú chi Tú ấy nực cười thay,
Chẳng phải Nho, mà chẳng phải Tây!
Dửng mỡ, trêu đời, văn mách qué,
Thế mà cũng tiếng bấy lâu nay!
Ngồi ngâm thơ, đùi rung chuyển ghế mây,
Rồi chép lại, rắp thả ngay “Giòng nước ngược”.
Bắt chước cụ Tú Xương thuở trước,
Hỏi mợ Tú rằng nghe được hay chăng?
Bĩu môi, mẹ đĩ chê rằng:
“Nôm na mách qué, nhố nhăng nực cười!”
Ðầu năm đã bị rông rồi,
Hẳn là văn viết ngược đời quanh năm!
Năm 1997, ông có bài thơ Ghét Tết đăng trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 235:
(Thơ yết hậu)
Thiên hạ sao ưa Tết?
Hẳn vì mặc áo đẹp
Tớ đây bảo Tết phiền
Ghét!
Tiêu pha thật tốn tiền
Chè chén cứ liên miên
Hết Tết đâm lo sợ
Điên!
Mồng một đi mừng tuổi
Chúc nhau nghe inh ỏi
Toàn câu sáo rác tai
Thôi!
Mừng tuổi đèo phong bao
Năm xu lại một hào
Ai sinh cái lệ đó?
Hao!
Kiết xác như vờ rồi
Còn ngông đốt pháo mãi.
Pháo kêu: Tiền hỡi tiền
Dại!
Tuy nhiên, ông cũng có bài Mùa Xuân với tinh thần lạc quan, yêu đời:
Dung dăng dung dẻ
Dẫn trẻ đi chơi
Mùa xuân đến rồi
Ánh xuân tươi sáng.
Đám mây bông trắng
Nổi giữa trời xanh
Gió đưa bồng bềnh
Cao vời lồng lộng
Vườn thênh thang rộng
Cỏ non xanh vờn
Hoa đào tươi thắm
Vườn xuân đầm ấm
Ríu rít chim ca./.
Nguyễn Văn Toàn