Tiếng Việt | English

10/11/2023 - 10:10

Nhạc sĩ trẻ nặng lòng với quê hương

Trong Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Thông lần thứ VI năm 2022, nhạc sĩ Lê Long Phiên là tác giả trẻ tuổi nhất được nhận giải từ trước đến nay. Ca khúc Long An khúc ca ân tình của anh cũng là một trong những bài hát về Long An được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Với nhạc sĩ Lê Long Phiên, thành tích đó vừa là niềm vui, vừa là áp lực bởi cống hiến cho quê hương là điều anh luôn tâm niệm trong suốt quá trình làm nghề của mình.

Nhạc sĩ Lê Long Phiên

Có nhiều thành công trong lĩnh vực âm nhạc, sở hữu nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh, cấp quốc gia và khu vực, nhiều bài hát do anh sáng tác được các ca sĩ nổi tiếng thể hiện và trở nên phổ biến, ít ai biết rằng Lê Long Phiên từng là kỹ sư. Âm nhạc “chọn” anh như một cái duyên không định trước, khi anh chưa bao giờ có ý định sẽ theo đuổi hoạt động nghệ thuật.

Sau thời gian hoạt động tại TP.HCM, nhạc sĩ Lê Long Phiên quyết định về Long An, bởi anh hiểu rõ bản thân cần gì cho sự nghiệp sáng tác của mình. Vốn có thế mạnh trong dòng nhạc dân ca, anh chọn về lại quê nhà để có thêm chất liệu và cảm xúc cho các sáng tác của mình.

Những bản tình ca ngọt ngào anh viết luôn mang dáng dấp câu hò, lời ru của mẹ, hình ảnh những mối tình quê đậm đà, giản dị. Mặc dù tình ca vốn mang đến nhiều cảm xúc cho cả nhạc sĩ lẫn người nghe nhưng với Lê Long Phiên, những bài hát về quê hương chính là điều anh luôn quan tâm đặc biệt và dành nhiều tâm huyết.

- Phóng viên (PV): Là người trẻ tuổi nhất nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông, anh có suy nghĩ gì về điều đó?

Nhạc sĩ Lê Long Phiên: Từ khi nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông đến nay đã gần 1 năm nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc đó, tôi vẫn cảm thấy mình dạt dào cảm xúc. Việc được xét tặng giải thưởng đối với tôi là một điều hết sức bất ngờ và vinh dự. Trong quá trình sáng tác của mình, tôi luôn cố gắng để có được sản phẩm âm nhạc tốt nhất, chỉn chu nhất về cả giai điệu lẫn lời ca.

Tôi vốn rất yêu thích dòng nhạc quê hương, lại mong mỏi có thể đóng góp điều gì đó cho quê mẹ nên tôi sáng tác ca khúc Long An khúc ca ân tình bằng chính cảm xúc, trải nghiệm của bản thân và tình cảm dành cho quê hương. Bài hát được trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông với tôi là một niềm hạnh phúc to lớn và cũng là áp lực không hề nhỏ khi tiếp tục sáng tác các bài hát về quê hương.

Thời gian gần đây, Long An khúc ca ân tình được nhiều người biết đến và sử dụng khá phổ biến, với tôi, đó là niềm vinh hạnh. Bên cạnh đó, khi sáng tác một ca khúc về quê hương, tôi phải tạo sự khác biệt, tránh sự trùng lặp về cả ý tưởng lẫn thể loại nhạc.

Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông trao cho văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp thông qua một hoặc nhiều tác phẩm tiêu biểu. Khi được nhận giải thưởng, tôi dặn lòng phải tiếp tục cố gắng, phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương. Giải thưởng không phải là đích đến, đó là động lực để tôi tiếp tục trau dồi, hoàn thiện bản thân hơn nữa và tiếp tục có nhiều cống hiến cho âm nhạc tỉnh nhà.

Nhạc sĩ Lê Long Phiên (bìa phải) là tác giả trẻ tuổi nhất được nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông

- PV: Vậy từ sau bài Long An khúc ca ân tình, anh có tiếp tục sáng tác hay ấp ủ dự án nào về Long An?

Nhạc sĩ Lê Long Phiên: Sau Long An khúc ca ân tình, tôi sáng tác bài Hát vang Long An trung dũng kiên cường theo thể loại nhạc hành khúc dành cho thiếu nhi. Tôi chọn hành khúc vì đây là loại nhạc đặc trưng của quân đội với tiết tấu mạnh mẽ, dứt khoát.

Thông qua bài hát, tôi mong muốn các học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của cha anh. Vì vậy, khi thu âm bài hát, tôi mời các em ở Nhà Thiếu nhi tỉnh hát. Phần thu âm đã hoàn tất, tôi đang trong quá trình dựng video, chuẩn bị cho ra mắt ca khúc trên kênh cá nhân của mình. Một niềm vui nữa của tôi là Hát vang Long An trung dũng kiên cường được chọn đưa vào sách Giáo dục địa phương lớp 10 của tỉnh.

Ngoài ra, tôi cũng đang ấp ủ một dự án âm nhạc khác cho Long An, không phải dân ca, cũng không được trùng lặp với những sáng tác trước đây. Tôi đã và đang dành nhiều tâm sức cho dự án này, tuy nhiên, vẫn còn phải chuẩn bị thêm một thời gian nữa, mọi thứ vẫn chưa đủ “chín”. Còn dự án bài hát cho các huyện, tôi hy vọng mình có thể hoàn tất trong năm sau.

Thời gian tới, tôi sẽ cho ra mắt các bài hát về Đức Hòa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng. Đây là điều tôi mong mỏi từ lâu và vẫn đang kiên trì thực hiện. Muốn viết cho mỗi địa phương 1 bài thì cần hiểu rõ đặc thù về văn hóa, kinh tế, con người của địa phương đó, thể loại nhạc cũng không được trùng lặp, nếu không dễ bị “một màu”, gây nhàm chán.

- PV: Vốn có thế mạnh về dân ca nhưng có vẻ như anh đang “thử sức” trong nhiều thể loại nhạc khác nhau?

Nhạc sĩ Lê Long Phiên: Các nhạc sĩ thường am hiểu nhiều thể loại nhạc khác nhau. Việc tôi sáng tác các bài hát không phải thế mạnh của mình không phải là điều quá mới mẻ hay xa lạ trong giới sáng tác. Chúng tôi cần làm mới mình, làm mới tác phẩm của mình.

Với tôi, dân ca vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng, luôn có sự thu hút đặc biệt. Tôi tìm kiếm thể loại mới trong các dự án về quê hương Long An bởi tôi không muốn có sự lặp lại trong quá trình lao động của mình. Mỗi bài hát cần có sự mới mẻ về cả giai điệu, cảm xúc, hình ảnh,...

Khi viết về quê hương, tôi luôn muốn sáng tác hoàn chỉnh nhất, cảm xúc nhất và thể hiện rõ nét nhất hình ảnh quê hương. Hiện tại, tôi vẫn sáng tác các bản tình ca mang âm hưởng dân ca.

- PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Quế Lâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích