75 năm qua, Long An có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội
Nỗ lực vượt khó
Như nhiều địa phương khác, sau Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh niềm vui được làm chủ đất nước, nhân dân Long An đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức khi đời sống của người dân vô cùng khó khăn; hàng hóa khan khiếm; giao thông hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo cao;…
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Trương Văn Tiếp cho rằng, bản thân ông cũng xuất thân là nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười nên hiểu những vất vả, khó nhọc của người dân lúc bấy giờ. Sau khi hòa bình lập lại 1975, vùng Đồng Tháp Mười đối diện muôn vàn khó khăn: Chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, toàn bộ tuyến biên giới giáp Campuchia gần 133km bị Pol Pot đánh phá. Hàng chục ngàn hécta đất sản xuất bị bỏ hoang, nhiều hộ gia đình phải rời bỏ nhà cửa, tài sản. Trận lũ lụt lớn chưa từng có trong năm 1978 gần như đã nhấn chìm hoàn toàn vùng Đồng Tháp Mười. Hầu hết diện tích đất sản xuất không thể canh tác, hàng ngàn hộ gia đình mất nhà ở, thiếu lương thực và công cụ sản xuất, bệnh dịch trên diện rộng,... Lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác phải viện trợ vừa phục vụ tiền tuyến chống Pol Pot, vừa phải đáp ứng cho người dân trong cảnh mất mùa, hạn hán sau đó. Năm 1978-1979, cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang Long An phải ăn độn bo bo thay gạo.
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ quyết liệt thực hiện chủ trương tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười, bằng nhiều biện pháp đồng bộ: Phát triển hạ tầng giao thông, mở đường giao thông xuyên vùng, đào kênh tiêu phèn tháo chua, xây đập, xây tuyến đê ngăn lũ; đẩy mạnh công cuộc bố trí, giãn dân từ các huyện phía Nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thành lập các đoàn xây dựng kinh tế kết hợp với bảo vệ quốc phòng, biên giới, tăng cường lực lượng định cư để khai thác, sản xuất, đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp,... Kết quả cuộc “tổng tiến công” đó, có hàng triệu ngày công lao động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân, cùng với lực lượng cơ giới, nguyên vật liệu được huy động.
Nhờ chủ trương đó, Đồng Tháp Mười từ vùng đất nhiễm phèn năm nào trở thành những cánh đồng trù phú, bạt ngàn, là vựa lúa của tỉnh và khu vực. Đặc biệt, từ chương trình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những cánh đồng lúa trong quy hoạch được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đưa nông dân tiến gần với công nghệ, năng suất, sản lượng ngày càng tăng cao so với trước đây.
Đổi mới
Trong từng giai đoạn, Long An luôn xác định những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với sự phát triển của tỉnh.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm nhận định, sau giải phóng, Long An gần như bắt đầu từ con số 0, đất đai ít, các dịch vụ, vui chơi đều không có,... Là địa phương giáp ranh TP.HCM nhưng tỉnh nhà có điểm xuất phát thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế nhưng sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Với những trăn trở, băn khoăn phải làm sao để tạo nên một bước ngoặt mới, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh, những người lãnh đạo thời kỳ đó mạnh dạn hoạch định chủ trương, đường lối để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Xuyên suốt từ nhiều năm qua, tỉnh huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và Cần Đước) được triển khai hiệu quả gắn với việc bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, từ năm 1975 đến 1985, tỉnh vừa tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, đi đầu trong phong trào xóa mù chữ ở miền Nam, giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Từ tháng 10-1980, tỉnh chủ trương thực hiện cơ chế “một giá”, thực hiện việc mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh, góp phần tháo gỡ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, đánh dấu bước khởi đầu đổi mới của tỉnh. Qua đó, đã phục hồi nền kinh tế, sản xuất có sự tăng trưởng rõ rệt, đời sống nhân dân được ổn định và có chiều hướng dần cải thiện. Từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, sản xuất lương thực không đủ đáp ứng nhu cầu, Long An vươn lên và đi đầu trong cải cách kinh tế. Đây được xem là điểm nhấn quan trọng trên bước đường đổi mới của tỉnh. Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1985, Long An vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Qua các lần đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định và triển khai nhiều chương trình đột phá, công trình trọng điểm, mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự bứt phá, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm mang ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp tỉnh nhà chuyển sang phương thức sản xuất mới, tăng cường liên kết, hợp tác trong tổ chức, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao; huy động nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, kết nối đồng bộ với TP.HCM, giữa các khu, cụm công nghiệp với Cảng Quốc tế Long An; tạo động lực tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển công nghiệp, dân cư, đô thị, thương mại - dịch vụ, nâng cao vị thế của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Vững bước đi lên
Nhờ những chủ trương đúng đắn, quyết sách sáng tạo, Long An ngày nay phát triển toàn diện. Bức tranh tổng thể về KT-XH mang nhiều màu sắc, hình thành nên những vùng kinh tế trọng điểm, khai thác được lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, nhất là việc hình thành nên những đô thị.
5 năm qua, tỉnh có 10 thị trấn được công nhận đô thị loại V và TP.Tân An đã được công nhận đô thị loại II, đồng thời quy hoạch nhiều khu đô thị đa chức năng ở Bắc và Nam Bến Lức, Đức Hòa, Đông Cần Giuộc, Bắc Thủ Thừa, ven trục động lực kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, có 18/20 chỉ tiêu nghị quyết đạt và vượt. Kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng khá cao, là động lực của sự phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 9,62%/năm. Cơ cấu kinh tế 3 khu vực I, II, III năm 2020 lần lượt là 14,5%, 52%, 33,5%. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở mức khá cao, đặc biệt năm 2018 đứng thứ 3 cả nước. Công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 15,17%/năm, đóng vai trò động lực phát triển. Quy mô ngành công nghiệp khá lớn, thu hút một số ngành công nghiệp hỗ trợ, giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 72,67 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 1,52%.
Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao (Phước Hậu, Hòa Phú, Dương Xuân Hội và Thanh Phú Long); huyện Châu Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và TP.Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chăm lo các gia đình chính sách
6 tháng đầu năm 2020, tình hình KT-XH gặp nhiều khó khăn, chịu sự tác động tiêu cực của nhiều yếu tố khách quan, nhất là dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,12%, tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tăng trưởng âm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 7.930 tỉ đồng,...
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả. Cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 50,5%. Trình độ dân trí ở các địa phương vùng sâu, biên giới được nâng lên. Học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, tạo điều kiện học tập.
Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 như ngọn lửa hồng mãi trong tim của mỗi người dân Long An để thắp lên nhiệt huyết, ý chí và quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững./.
Song Nhi