Minh họa: TNO
Ở miền Tây quê tôi, hệ thống sông ngòi chằng chịt, đưa con nước tưới mát ruộng đồng, cho cây lúa xanh mướt. Ngoài ruộng lúa, vườn cây ăn trái cũng là một lợi thế của sông nước miền Tây, vì vậy mà củi đốt không bao giờ thiếu. Má tôi vì thế vẫn thích xài bếp củi hay còn gọi là cà ràng.
Tôi nhớ năm 6 tuổi, gia đình chuyển từ vùng đất An Giang về xứ này sinh sống. Lần đầu tiên đi trên con đường rợp bóng cây xanh, tôi tung tăng chạy nhảy như con chim sáo sổ lồng. Căn nhà lá ọp ẹp được ba tôi và mấy chú dựng lên bằng tre, tầm vông. Cả vách và mái nhà đều được lợp bằng lá dừa nước. Má tôi ra chợ mua ngay cái cà ràng về để lo chuyện cơm nước cho ba tôi và mấy chú.
Cà ràng được làm bằng đất nung nên rất cứng và chắc. Miệng cà ràng hơi rộng, có “ba ông Táo”, phía dưới có miệng hơi nhỏ hơn để thông khí, lùa tro ra bớt, đôi khi còn là nơi má tôi dụi củi chụm còn dư.
Từ khi có cái cà ràng, việc nấu nướng của má tôi cũng như các bà, các chị thuận tiện và dễ dàng hơn. Vì vậy, nhà nào cũng có một vài đống củi phía sau hoặc bên hiên nhà. Củi được má gom từ ngoài vườn vô, đôi khi là những miếng vỏ dừa tươi, phơi khô, chụm rất tốt lửa và rất đượm than.
Ba tôi có thói quen dậy sớm rồi nấu ấm nước pha trà uống. Có bữa dậy sớm theo ba, ngồi nhìn ánh lửa bập bùng cháy khi trời còn nhá nhem tối như đang nhảy múa một vũ điệu lạ lẫm và đầy huyền bí.
Tôi thích ngồi nhìn khói bay ra từ cà ràng của má, xuyên qua những lớp lá lan tỏa ra ngoài quyện vào không gian, nhất là những khi trời mưa. Những cơn mưa rả rích bên ngoài, ngồi với má hơ tay bên cà ràng, hương thơm từ khói nồi cơm làm lòng bỗng dưng ấm lại. Những bữa mưa dầm, không thể đi ra ngoài, huống hồ gì đi chợ, vậy là, má lấy mớ mắm linh ra bằm và chưng với hột vịt. Tô mắm được chưng cách thủy trên cái cà ràng đang liu riu lửa để chín đều. Bước xuống bếp, mùi mắm chưng thơm lừng, ngào ngạt. Bụng đang đói mà ngửi mùi mắm là cái bụng lại kêu lên, tưởng chừng có thể ăn cả một tô cơm to.
Nhà tôi có thói quen nấu cơm với bếp củi và nồi gang. Tụi con nít chúng tôi thích giành nhau miếng cơm cháy giòn rụm được má tôi cạy ra bằng đũa bếp. Cơm cháy giòn và thơm mà chỉ nấu bằng cơm củi mới có.
Hôm trước anh Ba về phép, mua cho anh em chúng tôi nhiều quà bánh và đặc biệt mua cho má cái bếp gas. Anh nói có bếp gas, ba má nấu nướng sẽ nhanh và thuận tiện hơn. Nhận cho anh vui chứ anh Ba vừa đi, má cất ngay cái bếp trên đầu tủ. Tôi hỏi sao má không nấu bếp gas anh Ba mua cho. Má nói củi thiếu gì, xài bếp gas chi cho tốn kém. Tôi biết, ngoài việc má muốn tiết kiệm tiền thì hơn hết là má không muốn xa cái cà ràng, không muốn để nó lạnh lẽo vì nó đã gắn bó với má từ thời còn nhỏ, ngồi chụm củi với ngoại. Với má, nấu trên cà ràng cơm mới ngon, cá kho mới thơm. Nó đơn giản, dễ nấu như tính cách của các má, các chị ở nhà quê vậy đó.
|
Trước khi ngủ, mẹ thường đọc ca dao, kể chuyện dân gian cho anh em tôi nghe. Mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh ba anh em nằm xếp lớp như cá mòi trên chiếc giường tre.
|
Vì vậy, dù gia đình tôi bây giờ đỡ khó khăn hơn nhưng má vẫn gắn bó với cái cà ràng dù đôi khi cái cà ràng đó làm khói cay mắt, lọ dính đầy quần áo. Giờ lớn lên xa nhà, bất chợt thấy khói chiều bay lên từ nóc nhà ai, tôi nhớ quay nhớ quắt cái cà ràng của má. Muốn quay về để đứng gần bên má, xem má nấu cơm, nấu canh bên cà ràng cũ kỹ mà cảm thấy lòng ấm áp.
Xa xa ai đang phát bài hát sao mà nghe da diết quá “Ai nói em nghe tại sao góc bếp chái hè. Nó đơn sơ lắm mà khi rời nó. Mình mến mình thương nó vô cùng. Mình nén nỗi thương tâm…”.
Võ Trung Hải