Tiếng Việt | English

08/10/2022 - 17:10

Những câu chuyện khó quên của công nhân, lao động

Mất đi một phần cơ thể hay để lại những di chứng về sau đã trở thành nỗi đau thể xác và vết thương lòng không thể chữa lành của công nhân, lao động (CNLĐ) bị tai nạn giao thông (TNGT). Có người bị trầm cảm dù vẫn cố lạc quan, chấp nhận sự thật mất đôi chân hay CNLĐ trẻ cứ mãi dằn vặt mình vì trách nhiệm gánh vác cả gia đình phải tạm gác.

Phải mau khỏe để gánh vác gia đình

Gia đình khó khăn, Nguyễn Minh Hiếu, 24 tuổi, hiện là CN  Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (huyện Bến Lức), tạm gác việc học cao đẳng để đi làm nuôi gia đình. Bởi, Hiếu sinh ra đã thiếu vắng tình thương của cha, sống cùng bà ngoại, mẹ và 2 dì. Theo đó, mẹ Hiếu bị liệt toàn thân nhiều năm nay, 2 dì của Hiếu bị bệnh về thần kinh không có khả năng lao động và bà ngoại nay gần 80 tuổi. Mọi gánh vác gia đình dồn lên vai của Hiếu. Sau 5 năm làm việc, cuộc sống gia đình Hiếu dần ổn định. Thế nhưng, vào đầu tháng 6/2022, Hiếu không may bị TNGT dẫn đến bị đứt dây chằng chéo trước và rách sụn chêm gối trái. Nhiều tháng sau phẫu thuật, Hiếu vẫn chưa hồi phục hẳn và tiếp tục điều dưỡng, tập vật lý trị liệu để có thể đi lại được bình thường.

Nhớ về cái ngày không may ấy, Hiếu kể: “Hôm đó là ngày 10/6/2022, tôi tăng ca đến 17 giờ 30 phút thì về nhà. Tôi vẫn chạy chiếc xe đạp điện quen thuộc của mình như mọi ngày nhưng có lẽ hôm đó trong người hơi mệt, cùng với đặc thù công việc là đục lỗ đáy giày nên mắt làm việc liên tục và hơi mỏi. Trên đường về nhà đến đầu cầu Bến Lức, tôi thấy trước đầu xe có cục đá và giật mình lách qua để né, không may xe ngã và chân tôi bị va đập mạnh. Rất may, tôi bị té vào bên phải nên không bị xe lớn hoặc xe máy đụng nhưng tôi cảm giác vết thương rất nặng. Một phần hoảng loạn, một phần chân đau và người choáng váng, mơ màng nên tôi không biết phải làm gì. Nhờ người đi đường hỏi thăm, đưa vào bệnh viện và liên lạc bà ngoại đến”.

Nguyễn Minh Hiếu được bà ngoại chăm sóc và tập vật lý trị liệu từ sau khi bị tai nạn giao thông đến nay

Nhận được tin cháu bị TNGT, bà ngoại của Hiếu hoảng loạn nhưng vẫn cố bình tĩnh để bắt xe ôm vào bệnh viện lo cho cháu. Bị thương nặng nên Hiếu được chuyển viện lên tuyến trên. Hành trình qua 4 bệnh viện mới phẫu thuật là cả quá trình gian nan của 2 bà cháu. Bà Nguyễn Thị Dung - bà ngoại của Hiếu, bộc bạch: “Nhà neo đơn, tôi là chỗ dựa duy nhất của cháu nên có vất vả cỡ nào cũng phải cố gắng lo. Quan trọng nhất là cháu được phẫu thuật và bình phục, không bị ảnh hưởng nhiều đến đi lại, bởi cháu còn quá trẻ, còn bao hy vọng và hoài bão phía trước”.

Tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà Dung vẫn kiên trì chăm lo cho cháu từng li, từng tí. Những ngày Hiếu đi tái khám, bà Dung luôn đồng hành chăm sóc, động viên, đặc biệt thời gian đầu sau phẫu thuật tái khám liên tục để theo dõi vết thương. Khi Hiếu bắt đầu tập vật lý trị liệu, bà Dung là người lắng nghe kỹ hướng dẫn, học thuộc các động tác và tập cho Hiếu mỗi ngày. “Cháu bị TNGT là chuyện xui rủi nhưng vẫn may cháu có thể lành lặn, phục hồi sức khỏe và sẽ trở lại công việc sau điều dưỡng. Chăm sóc cháu vất vả nhưng kể về hành trình gian nan nhất có lẽ là những chuyến làm thủ tục giấy tờ nộp cho công ty của Hiếu làm việc để hưởng các chế độ. Tôi đi xe ôm đến cơ quan chức năng, 4 bệnh viện để làm từng giấy tờ theo yêu cầu mất gần nửa tháng mới hoàn thành. Một phần không rành các thủ tục, một phần tuổi cao đi lại khó khăn nên kéo dài thời gian đến thế. Nhưng rất may, các thủ tục cũng hoàn thành”.

Hiện Hiếu vẫn kiên trì uống thuốc, tập vật lý trị liệu để hồi phục chấn thương. Hiếu chia sẻ: “Bà ngoại lớn tuổi mà phải vất vả chăm sóc cho cháu từng chút một, tôi thương ngoại lắm! Tôi cố gắng tập vật lý trị liệu mỗi ngày để nhanh hồi phục, trở lại công việc gánh vác gia đình”.

Trầm cảm sau khi mất 2 chân

Hơn 10 năm nay, vụ TNGT ấy vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất của bà Đinh Thị Hồng Hạnh (62 tuổi) và chồng là ông Nguyễn Văn Hữu (64 tuổi), ngụ phường 4, TP.Tân An. Bởi, vụ TNGT ấy cướp đi đôi chân của bà Hạnh.

Ông Hữu còn nhớ như in cái ngày định mệnh làm cuộc đời vợ của ông chuyển sang hướng khác. Đó là ngày 21/7/2010, vợ chồng ông trên đường đi làm về thì không may bị TNGT. Ông Hữu kể: “Vợ chồng tôi bị 2 thanh niên phóng nhanh, vượt ẩu quẹt trúng dẫn đến té xe. Không may khi té xuống, vợ tôi bị xe tải cẩu cán qua đôi chân. Nhờ người quen đưa đến Bệnh viện Đa khoa Long An sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để phẫu thuật. Giai đoạn đó là khoảng thời gian đau đớn nhất của cả gia đình khi phải chấp nhận vợ tôi cắt bỏ đôi chân do bị thương quá nặng”.

Tai nạn giao thông đã lấy đi 2 chân của bà Đinh Thị Hồng Hạnh

Sau phẫu thuật 2 tuần, bà Hạnh xuất viện về nhà điều dưỡng. Khi ấy, bà vẫn không tin vào sự thật mình mất 2 chân. Ban đầu, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân. Sau đó, bà tập làm quen dần với việc thiếu mất một phần cơ thể. Bà Hạnh trải lòng: “Lúc đầu chưa quen, thỉnh thoảng tôi cứ ngỡ mình còn lành lặn, lao xuống giường rồi té mới nhận ra 2 chân đã mất. Từ lúc bị TNGT đến khoảng 1 năm sau đó, tôi vẫn sốc và bàng hoàng. Mỗi khi cần đi ra đường là có cảm giác sợ hãi”.

Từ lúc bị TNGT đến nay, cứ thời tiết thay đổi là bà Hạnh lại đau nhức, đặc biệt vào mùa lạnh, vết thương càng đau nhức. Bà phải cố chịu, bởi giờ đây nỗi đau đó cũng là một phần trong cuộc sống vì hậu quả của TNGT để lại.

Sau hơn 10 năm, bà Hạnh cũng quen với cuộc sống khiếm khuyết một phần cơ thể. Mỗi ngày, bà vẫn tự làm những việc cá nhân, nấu ăn, chăm cháu. Tưởng chừng ký ức về vụ TNGT ấy có thể dần phai nhạt nhưng nó vẫn âm ỉ trong lòng bà Hạnh. “Dẫu chấp nhận sự thật nhưng tôi vẫn buồn, tủi thân, suy nghĩ tiêu cực. Mỗi ngày một chút và tích tụ qua nhiều năm dẫn đến bị trầm cảm. Tôi phải đi khám và duy trì uống thuốc hơn 3 năm nay” - bà Hạnh thổ lộ.

Hiểu được phải lạc quan, vui vẻ, bớt suy nghĩ tiêu cực nhưng nhiều lúc bà Hạnh không thể kiểm soát được mình, bởi vết thương TNGT để lại quá lớn. Nhờ uống thuốc và gia đình luôn bên cạnh động viên, an ủi, bà Hạnh tìm được niềm vui trong cuộc sống. Một số thiết kế nội thất trong gia đình bà Hạnh được thay đổi như lối đi thuận tiện cho xe lăn, bếp vừa tầm bà Hạnh, nhà tắm có thêm xe lăn cố định để bà sử dụng,... Mỗi ngày, bà Hạnh vẫn nội trợ, chăm lo cho gia đình. Bà Hạnh chia sẻ: “Hậu quả do TNGT để lại thật sự rất thương tâm, tôi mong rằng những người tham gia giao thông ý thức chấp hành đúng luật, không gây thêm những thảm cảnh cho các gia đình. Riêng với những nạn nhân của TNGT, chúng ta nên cố gắng vượt qua nỗi đau, cùng làm những việc có ích trong khả năng để dần chấp nhận sự thật khuyết một phần cơ thể cũng như nhận ra những giá trị của mình”.

Những câu chuyện chứa nhiều nước mắt ấy phản ánh những hậu quả nghiêm trọng của TNGT. Nó như hồi chuông, lần nữa cảnh tỉnh chúng ta phải chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình và người tham gia giao thông./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết