“Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng…
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân”.
Nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết những dòng thơ đầy xúc động ấy trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam. Dáng đứng hiên ngang, mạnh mẽ của người chiến sĩ Giải phóng quân đã tạc vào thế kỷ, tạo nên dáng vóc, sức mạnh của đất nước Việt Nam anh hùng. Dù cái chết cận kề trong gang tấc nhưng ý chí và ngọn lửa yêu nước vẫn rạo rực, thôi thúc người chiến sĩ đứng lên tiếp tục chiến đấu, để rồi anh hy sinh. Tên anh hóa thành tên đất nước, mãi khắc ghi trong lòng nhân dân.
Và “Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất. Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Dáng đứng của người chiến sĩ tựa bức thành đồng, dáng đứng hội tụ tất cả những nhiệt huyết, lý tưởng, cống hiến, khát vọng hòa bình và lòng yêu nước sắt son. Dáng đứng đại diện cho dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên trung, dẫu trước mắt là hiểm nguy, chông gai vẫn vững vàng không lùi bước. Dáng đứng để lại truyền thống tự hào, bắt đầu từ bao vị anh hùng đứng lên chống giặc ngoại xâm, đến những người chiến sĩ cách mạng vào sinh ra tử bảo vệ độc lập, giữ vững bờ cõi non sông. Truyền thống ấy được tiếp nối đến ngày nay, cả dân tộc đồng lòng hướng về biển, đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền. Người Việt Nam mạnh mẽ, tự tin thể hiện bản lĩnh, khả năng để vươn tầm quốc tế.
Tháng bảy về, tháng của tri ân, của lòng thành kính tưởng niệm. Trong khói hương bảng lảng, rưng rưng, dáng đứng hiên ngang của những người chiến sĩ như hiện về trong niềm thương nhớ khôn nguôi. Đó là niềm thương nhớ nghẹn ngào của những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, của người lính già nhớ đồng đội từng ngày đêm sát cánh. Họ đã cùng nhau tiếp thêm sức mạnh cho dáng đứng người chiến sĩ thêm vững vàng, là động lực chiến đấu, là ăm ắp nghĩa tình trong trái tim ấm nóng, yêu thương. Những người chiến sĩ đã chiến đấu quên mình, trèo đèo lội suối, phá bom, gỡ mìn, vững bước hành quân theo tiếng gọi Tổ quốc. Nắng mưa, gian khổ làm những dáng đứng ấy thêm rắn rỏi, ánh mắt vời vợi niềm tin hướng về cờ đỏ sao vàng, bầu trời hòa bình, thống nhất.
Tháng bảy, những người lính trở về từ chiến trường ngậm ngùi hồi tưởng về đồng đội của mình. Để rồi người ở lại đã nghẹn ngào thầm nhủ rằng: “Thắp một nén nhang và khóc ít thôi/ Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy/ Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi/ Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi?” (“Tấc đất thành cổ” - Phạm Đình Lân). Những dáng đứng hiên ngang khi ngã xuống vẫn hiên ngang, bất khuất, vì “mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”, để rồi dặn lòng “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”. Cả không gian và thời gian như lắng lại trong niềm tưởng nhớ, để lắng nghe ký ức ùa về, nước mắt mặn nỗi niềm của chia ly - đoàn tụ, của bao được - mất đã qua. Khẽ khàng, kính cẩn dâng lên một nén hương, tự nhắc mình phải sống xứng đáng với nền hòa bình mà bao người đã đánh đổi cả cuộc đời.
Những dáng đứng của thế hệ đi trước đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, họ chính là những “Thạch Sanh của thế kỷ XX”. Thế hệ ngày nay, những người chiến sĩ vẫn giữ vững dáng đứng kiên trung ấy. Họ là những người chiến sĩ hải quân, biên phòng… hiên ngang đứng dưới màu cờ Tổ quốc, ngày đêm rèn luyện, quyết tâm gìn giữ chủ quyền biển, đảo, non sông. Họ xếp bút nghiên lên vùng biên bám bản, bám chốt, ăn lán, ngủ rừng tạo thành lá chắn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chống buôn lậu,… Họ sẵn sàng xa gia đình, quê hương để ra đảo xa, biển lớn, hàng ngày tuần tra, canh gác, tăng gia sản xuất, là đội ngũ tiên phong bảo vệ chủ quyền. Họ xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Màu áo xanh họ khoác lên thắm nỗi tự hào và niềm tin tưởng của cả dân tộc.
Dáng đứng anh hùng của những người chiến sĩ qua ngàn đời, tất cả hợp lại tạo thành một dáng đứng Việt Nam…./.
Trần Văn Thiên